Lenovo G450: Lựa chọn hấp dẫn cho người dùng phổ thông

Thiết kế gọn hơn, màn hình đẹp hơn, giá thành hợp lý hơn, và hiệu suất vẫn đảm bảo tốt cho công việc, G450 đang được xem là một trong số những chiếc laptop “bình dân” hấp dẫn nhất của Lenovo.

Thiết kế gọn nhẹ, thời trang

So với phiên bản Lenovo G series trước đây, G450 được thiết kế đẹp hơn với các góc bo tròn trông mềm mại hơn, màu sắc cũng trang nhã hơn, các ngõ kết nối cũng nhiều hơn (thêm khe cắm thẻ mở rộng). Máy vẫn được trang bị dòng chip Pentium Dual Core T4300, RAM vỏn vẹn có 1GB, ổ ghi DVD thông thường và camera 0,3MP.

Lenovo G450: Lựa chọn hấp dẫn cho người dùng phổ thông - 1

Cạnh trước của máy là 2 giắc cắm audio và Mic, cùng với nút gạt (bật/tắt) tính năng Wi-Fi. Phía trên một chút là dãy đèn LED biểu diễn trạng thái nguồn, pin, tín hiệu WiFi và sạc pin. Cạnh trái của G450 cũng khá đơn giản với 2 cổng USB, ngõ xuất VGA và cổng LAN. Còn cạnh bên phải là 1 cổng USB, ổ quang DVD và giắc nguồn. Nói chung, các cổng cắm của G450 được bố trí cũng khá tiện, vị trí các cổng cắm cách xa nhau nên không gây bất tiện gì khi sử dụng đồng thời nhiều thiết bị.

Cũng với tiêu chí đơn giản, nút nguồn của máy được bố trí phía trên cùng của bàn phím (bên trái), và các phím điều chỉnh âm lượng bằng cảm ứng (bên phải) khá giản tiện. Bàn phím của G450 được thiết kế khá thoáng và nổi. Tuy nhiên, chính các sự nổi này lại khiến cho bàn phím (màu đen) chẳng ăn nhập gì với thiết kế tổng thể của máy (màu ghi xám).

Việc thao tác trên phím bấm mặc dù khá nhạy nhưng bản thân các phím bấm lại cho người ta cảm giác chòng chành không chắc chắc. Các phím bấm được cố định bằng hai chốt ở phía dưới nhưng các chốt này khá lỏng lẻo, mà nếu vô tình có lực tác động nào đó vào bàn phím thì các phím rất dễ bị bật ra. Bàn di chuột của G450 không được nhạy cho lắm, cảm giác di chuột vẫn hơi gợn gợn. Ngoài ra, nút chuột trái và phải hơi chắc, tiếng kêu hơi to khi thao tác.

Lenovo G450: Lựa chọn hấp dẫn cho người dùng phổ thông - 2

Tuy là dòng laptop bình dân nhưng G450 lại được trang bị màn hình LED khá nổi bật với định dạng 16:9, rất thích hợp để thưởng thức các bộ phim độ phân giải cao (HD). Âm thanh của máy tuy là HD nhưng chất lượng vẫn không được như kỳ vọng. Nghe bằng headphone có lẽ sẽ hay hơn, đặc biệt là nghe bằng headphone “xịn”, khi đó bạn mới thực sự thưởng thức được chất lượng âm thanh HD của máy.

Vẫn về màn hình của G450, tuy thuận tiện cho xem phim HD nhưng chính định dạng 19:6 lại gây khó khăn cho thao tác soạn thảo văn bản và duyệt web. Tuy là 14-inch, nhưng người dùng vẫn cảm thấy không được thoải mái với kích cỡ màn hình trải dài của máy. Ngoài ra, thiết kế của màn hình không được đẹp, “thụt” hẳn xuống phía dưới, mang lại cảm khó chịu cho người dùng, nhất là khi phải ngả màn hình về phía trước.

Xử lý đa tác vụ hiệu quả

Vì là laptop dành cho dân văn phòng nên cấu hình của G450 không có gì nổi bật. Máy chỉ được trang bị chip Intel Pentium Dual-Core T4300, RAM vỏn vẹn có 1GB, đồ họa tích hợp Intel Graphics Media Accelerator 4500 MHD, ổ cứng 250GB (5.400 vòng/phút), ổ ghi DVD, hệ điều hành Windows Vista Home Premium, webcam 1.3MP, kết nối WiFi/Bluetooth, pin 6-cell... Tuy nhiên, hiệu suất của G450 lại gây ngạc nhiên với khả năng xử lý đa tác vụ khá hiệu quả.

Bạn có thể nghe nhạc, lướt web thoải mái (mở nhiều cửa sổ cùng lúc), đồng thời soạn thảo văn bản, và cài đặt ứng dụng trên máy mà không bị ảnh hưởng nhiều. Thử nghiệm cho thấy, bạn có thể vừa mở Word, nghe nhạc trên Windows Media Player, cài đặt Photoshop CS3, mở cùng lúc 6 trang web (báo điện tử) mà bộ nhớ CPU chỉ mới bị “chiếm dụng” khoảng 50%. Trong khi đó, nếu mở đồng thời nhiều tác vụ cùng lúc như: soạn thảo văn bản, duyệt web (10 tab), chỉnh sửa ảnh trên Photoshop CS3, nghe nhạc WMP… thì dung lượng CPU cũng chỉ hết khoảng 60-70%.

Tuy khả năng đồ họa của G450 hạn chế (sử dụng đồ họa tích hợp), nhưng người dùng hầu như không gặp khó khăn gì với xem phim HD. Hiện tượng giật hình hầu như không có, tua đi tua lại thỏa mái mà hình không bị dừng, cho thấy khả năng đồ họa đáng ngạc nhiên nếu so với những dòng laptop sử dụng giải pháp đồ họa tích hợp tương tự khác. Thử nghiệm với bộ phim HD “Robot đại chiến” (Transformers – Revenge of the Fallen) chất lượng Full HD (1920x1080) 720p cho thấy hình ảnh khá sắc nét, đẹp và mịn màng. Tuy nhiên, đồ họa của G450 mới thực sự bộc lộ yếu điểm khi chơi các loại game “sát thủ” bộ nhớ, vốn chỉ thích ứng với những dòng máy có card đồ họa rời và mạnh.

G450 được trang bị 2 kết nối rất phổ biến và cần thiết trong môi trường làm việc hiện nay là WiFi và Bluetooth. Bản thân chức năng Wi-Fi có riêng một nút tắt/mở (như đã nói ở phần đầu), nhằm mang tới sự tiện dụng tối ưu cho người dùng. Khi không cần dùng tới Wi-Fi, người dùng có thể tắt tính năng này đi, vừa tiết kiệm pin, vừa tránh nguy cơ tấn công đột nhập từ bên ngoài qua mạng không dây. Còn tính năng Bluetooth thì rất tiện dụng để trao đổi, đồng bộ dữ liệu giữa laptop và thiết bị cầm tay, chẳng hạn như ĐTDĐ. Tuy nhiên, việc thiết lập Bluetooth cũng khá phức tạp và phải mất nhiều bước thực hiện. Khi không cần dùng tới tính năng này, bạn cũng có thể tắt bỏ để tiết kiệm pin.

G450 được trang bị pin Lithium-ion 6 cell với thời lượng hoạt động theo lý thuyết là 5 tiếng. Tuy nhiên, nếu xem phim trên máy thì chỉ được khoảng 2,5 tiếng, còn nếu sử dụng các ứng dụng khác như soạn thảo văn bản, lướt web… thì thời lượng sử dụng liên tục vào khoảng trên 3 tiếng.

Lenovo G450 hiện đang được bày bán tại các cửa hàng tin học ủy quyền của Lenovo trên toàn quốc với giá khoảng 519 USD (chưa bao gồm VAT).

Thông số cơ bản của Lenovo G450

CPU

Intel Pentium Dual-Core T4300 ( 2.10GHz 800MHz 1MB )

RAM

1024MB PC3-8500 DDR3 SDRAM 1066MHz

Ổ cứng

250GB (5400 vòng/phút)

Màn hình

14.0 " WXGA LED Backlight TFT 1366x768 (16:9)

Ổ quang

DVD RW

Hệ điều hành

DOS

Video chipset

Intel Graphics Media Accelerator 4500 MHD

Webcam

0,3 megapixel

Kết nối

Broadcom 11b/g Wi-Fi wireless, Bluetooth, Ethernet

Pin

6 Cell Lithium-Ion

Thời lượng pin

3-3.5 tiếng

Bảo hành

1 năm

Trọng lượng

2,4kg (cả pin)

 PV