Vườn ban công 6m2 có hàng chục loại rau, cây ăn trái của cô gái Sài Gòn
(Dân trí) - Mong muốn có thực phẩm sạch sử dụng trong mùa dịch và tô điểm không gian sống, chị Kim thiết kế 2 ban công với tổng diện tích khoảng 6m2 để làm khu vườn nhỏ trồng đủ loại rau trái.
Chị Đỗ Ngọc Kim (SN 1989, quê ở Cần Thơ) hiện đang sinh sống và làm việc tại TPHCM. Sau 6 năm ở trọ nơi Sài Gòn đô hội, chị đã "tậu" được nhà riêng và chuyển về sống trong ngôi nhà mới hồi đầu năm nay.
Mong muốn tô điểm không gian sống và có nguồn thực phẩm sạch tại gia, chị sửa sang, thiết kế thêm ban công ở cả hai tầng với tổng diện tích khoảng 6m2 để làm vườn trồng các loại rau trái giữa mùa dịch.
Mỗi ban công rộng gần 3m2. Ở tầng một, chị Kim chủ yếu trồng các loại rau và cây thân leo. Còn tầng hai dành làm không gian cho cây ăn trái.
"Đợt Tết năm nay, mình đã mua được nhà ở Sài Gòn. Ngôi nhà nhỏ, không có chỗ trồng cây nên mình sửa lại và xây thêm ban công. Mình rất thích cây cối và luôn ao ước có một khu vườn nhỏ cho riêng mình để thoải mái trồng các loại cây yêu thích. Vậy nên khi có nhà mới, mình đã bắt tay ngay vào thực hiện ước mơ ấp ủ từ lâu", chị Kim nói.
Thời gian đầu làm vườn do chưa có kinh nghiệm nên chị trồng cây thất bại. Chị chỉ mua đất tribat, chưa nắm được đặc tính từng cây để phân bổ ánh sáng phù hợp nên cây thiếu dinh dưỡng, không đủ nắng và bị héo, chết.
Dần dần học hỏi kiến thức, tham khảo kinh nghiệm trên mạng, cô gái 32 tuổi đã biết cách làm vườn, trồng cây ở ban công.
Tùy vào đặc tính từng cây và tình hình thời tiết hàng ngày mà chị sắp xếp, bố trí chậu phù hợp, tránh để cây bị thiếu hoặc thừa nắng hay bị úng nước do trời mưa...
Vì trồng rau theo phương pháp truyền thống, nói không với việc sử dụng thuốc, phân bón hóa học nên chị Kim thường xuyên theo dõi, quan sát quá trình phát triển của rau trái trong vườn.
"Trời mưa nhiều thì cây thường hay có sâu bọ nên ngày nào mình cũng ra canh bắt sâu. Để cây hấp thụ được các chất dinh dưỡng cần thiết, mình ủ thêm rác nhà bếp và vỏ trứng rồi rải lên đất trồng. Khi phát hiện cây có sâu bệnh, mình xịt dung dịch nước tỏi ớt hoặc nước rửa chén để loại bỏ các côn trùng, sâu bọ gây hại cho cây", chủ nhân khu vườn chia sẻ kinh nghiệm trồng rau trái ở ban công hiệu quả.
Tuy ban công có diện tích khiêm tốn nhưng nhờ được bố trí khoa học mà nữ gia chủ có thể đặt cả trăm loại chậu khác nhau, thoải mái trồng đủ những giống rau trái yêu thích.
Ở khu vườn nhỏ dưới tầng một, chị Kim trồng hàng chục loại rau trái khác nhau như cải ngọt, cải thìa, cải thảo, xà lách, cải bẹ, cà rốt, bắp ngô thái, bí đỏ hồ lô, ớt chuông, cà tím, khoai lang, rau muống...
Ngoài ra còn có các loại thân leo như dưa chuột, cà chua, mướp hương, đậu đũa, chanh dây... và một số giống rau thơm gồm sả, tía tô, gừng.
Trong vườn ban công tầng 2 hiện có nhiều loại cây ăn trái như ổi, chanh, lựu, dâu tằm, quất, vải thiều, mãng cầu, nho... Bên cạnh đó còn có cả giống cây ngoại như cherry surinam, chuối đỏ Dacca, nho lùn pháp, cherry brazil, mâm xôi, phúc bồn tử, dưa pepino, việt quất.
Để cây cối trong vườn khỏe mạnh, phát triển tốt, nữ gia chủ sử dụng hỗn hợp đất thịt trộn với xơ dừa, trấu, trùn quế rong biển, super lân và vôi nung.
Ngoài trồng bằng đất theo phương pháp truyền thống, chị Kim còn trồng thủy canh. Những chai trà sữa, ly cà phê nhựa bị bỏ đi được chị tích trữ, tái chế và tận dụng làm chậu trồng cây.
Trồng thủy canh giúp rau phát triển tốt, ít sâu bệnh lại tối ưu không gian, phù hợp với khu vực có diện tích nhỏ. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi kỳ công hơn, phải thay nước hàng tuần để tránh muỗi và lăng quăng.
"Mình bỏ hạt giống vào viên nén rồi đặt trong rọ, chế nước trồng, vừa hạn chế được rác thải từ nhựa, tiết kiệm diện tích, vừa có rau sạch ăn mà không phải đi chợ thường xuyên. Nước trồng thủy canh cần pha thêm dung dịch để cây có đủ chất dinh dưỡng cần thiết mới phát triển được. Khi mới làm thì nên trồng rau muống, gần 2 tuần là có thể thu hoạch rồi", chị Kim chia sẻ.
Không chỉ có các loại rau và cây ăn trái, chị Kim còn trồng thành công nấm, cho thu hoạch "mỏi tay". Nhờ thế mà các bữa cơm mùa dịch của gia đình chị vẫn đa dạng các loại thực phẩm, đầy đủ dinh dưỡng.
Sau vài tháng làm vườn ban công, cô gái trẻ không chỉ cung cấp được nguồn rau trái sạch sử dụng hàng ngày mà còn có thêm chốn thư giãn riêng giúp giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi.
Đặc biệt trong mùa dịch, khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, chị Kim không còn cảm thấy tẻ nhạt, "cuồng chân" nhờ có vườn nhỏ xanh tốt "chẳng thiếu gì".