Huế:

Vụ trùng tu bia cổ Quốc học: Điều chỉnh lại màu sắc và một số họa tiết trên bia

(Dân trí) - Trước nhiều dư luận phản ứng chuyện trùng tu bia cổ Quốc Học có vấn đề, UBND TP Huế đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các nhà nghiên cứu về việc trùng tu bia Quốc Học ngày hôm qua 17/1.

Cuộc họp có sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, lịch sử Huế, một số đơn vị liên quan nhưng hạn chế mời báo chí.

Nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu Huế đã đưa ra góp ý thẳng thắn với lãnh đạo TP Huế tại cuộc họp này như về màu sắc của bia, hoa văn họa tiết, và nhiều vấn đề khác…

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế đã ghi nhận các ý kiến. Đồng thời hứa sẽ chỉ đạo điều chỉnh, khắc phục một số vấn đề liên quan như tông màu vàng hiện tại khá lòe loẹt, cần chỉnh lại; về họa tiết hoa văn nếu cái nào làm sai thì cũng phải điều chỉnh lại cho hợp lý giống như nguyên gốc.

Bia Quốc Học đã gần trùng tu xong (ảnh chụp chiều 17/1)
Bia Quốc Học đã gần trùng tu xong (ảnh chụp chiều 17/1)

Lãnh đạo TP Huế cũng thừa nhận là có sự bất ổn trong khâu tư vấn, thiết kế việc trùng tu bia Quốc Học.

Cũng trong cuộc họp này, ông Nguyễn Văn Thành chỉ đạo các đơn vị liên quan lập một bộ hồ sơ về bia Quốc Học tương tự như bộ hồ sơ di tích. Trong bộ hồ sơ đó, những yếu tố lịch sử, thẩm mỹ của công trình, danh sách những người Pháp và người Việt tử trận trong Thế chiến thứ nhất được ghi trên cái khánh của bia… sẽ được đưa vào hồ sơ.

Một số hạng mục tại Bia Quốc Học sau khi trùng tu
Một số hạng mục tại Bia Quốc Học sau khi trùng tu

Khá nhiều nhà nghiên cứu cũng cho ràng nếu chính quyền TP Huế tổ chức cuộc họp lấy ý kiến này trước khi trùng tu bia Quốc Học thì đã không xảy ra tình trạng bia bị biến đổi màu sắc, mất đi nhiều hoa văn họa tiết cổ.

Theo TS.Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, hãy nhìn rộng ra và vị tha hơn thì sẽ thấy Đài Chiến sĩ Trận vong hay còn có tên gọi là bia Quốc Học như một di tích lịch sử, một di sản văn hóa. Công trình này đã gần 100 tuổi đi cùng đoạn dài thời gian lịch sử.

Tượng đài này có 2 ý nghĩa quan trọng: Một là khắc ghi một niềm vui của chiến thắng hay một nỗi buồn của chiến bại trong quá khứ. Hai là tưởng nhớ những người đã nằm xuống vì một nỗi đau chung. Nó còn có ý nghĩa là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Trùng tu Bia Quốc học Huế hay nhiều công trình di sản hiện nay đang có nhiều khoảng trống bị bày ra, buộc chúng ta phải xử lý trong thời gian tới.

Hãy vị tha và xem Bia Quốc Học như một di tích lịch sử - ý kiến của TS. Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế (ảnh chụp bình phong bia Quốc Học chiều 17/1)
"Hãy vị tha và xem Bia Quốc Học như một di tích lịch sử" - ý kiến của TS. Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế (ảnh chụp bình phong bia Quốc Học chiều 17/1)

Bia Quốc Học xưa.

Bia Quốc Học xưa.

Đại Dương