Việt Nam đã “choáng ngợp” trước đoàn làm phim Đông Dương như thế nào? (I)

(Dân trí)- Để phục vụ một cảnh quay, đạo diễn Pháp đề nghị phía Việt Nam cung cấp cho họ những thông số về thủy triều ở Hạ Long. Trong khi, các nhà làm phim Việt Nam còn “quay cuồng” tìm kiếm, họ đã nhận được từ Pháp gửi sang những thông số cụ thể hàng trăm năm...


Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ khi đoàn làm phim “Đông Dương” (Indochine) của đạo diễn Pháp- Régis Wargnier đến Việt Nam quay phim, nhưng những kỷ niệm trong quá trình được cộng tác với họ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của đạo diễn Tất Bình. Đạo diễn Tất Bình chia sẻ, ông cảm thấy may mắn và học được rất nhiều khi được tham gia cộng tác với các đoàn làm phim quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt với đoàn làm phim “Đông Dương” (từ năm 1989-1990). Bộ phim đã đoạt giải Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 1992.
 
Việt Nam trên phim Đông Dương
Việt Nam trên phim "Đông Dương"

Đạo diễn Tất Bình nhớ lại: “Có thể nói, những năm của thập kỷ 80 thế kỷ trước là những năm “được mùa” trong lĩnh vực hợp tác làm phim giữa Việt Nam với nước ngoài, đặc biệt với Cộng hòa Pháp. Ở miền Bắc, cùng lúc chúng ta tham gia cung cấp dịch vụ cho hai phim Điện Biên PhủĐông Dương. Phía Nam, hãng phim Giải phóng trợ giúp nước Pháp làm phim Người tình. Đó là quãng thời gian đầy hào hứng với giới làm nghề. Chúng ta vẫn gọi là hợp tác làm phim, nhưng thực chất là ta cung cấp dịch vụ như: giấy phép, nhân sự, tổ chức sản xuất... cho họ”.

Theo đạo diễn Tất Bình, “Dù gọi tên những hoạt động đó theo cách nào, cái được lớn nhất của chúng ta là tiếp cận với một nền điện ảnh tiên tiến của phương Tây. Cá nhân tôi, và tôi tin chắc với nhiều đồng nghiệp của mình cũng cảm thấy như vậy, là chúng tôi đã học tập được rất nhiều”.

“Họ có các thông số về thủy triều ở Hạ Long cả trăm năm để phục vụ một cảnh quay”

Có rất nhiều kỷ niệm vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của đạo diễn Tất Bình. Trong đó, ấn tượng khó quên nhất đối với ông là tính chuyên nghiệp của các nhà làm phim Pháp, từ những năm 80-90 thế kỷ trước.
 
Một cảnh quay ở Hạ Long
Một cảnh quay ở Hạ Long

“Từng bộ môn, từng cá nhân đều nắm rất chắc công việc của mình. Làm việc với họ, chúng tôi thấu hiểu một điều rằng: điện ảnh thực sự là một nền công nghệ, không chỉ đòi hỏi sức sáng tạo về nghệ thuật mà còn mang tính công nghiệp rất cao”- đạo diễn Tất Bình kể lại.

Trong phim “Đông Dương”, có một trường đoạn các nhân vật bị nhốt vào cũi, để dưới biển. Thủy triều sẽ dâng cao dần, từ khi mới ngang ngực cho tới lúc mấp mé cằm của họ. Các nhà làm phim Pháp quyết định không dùng kỹ xảo (dù họ có khả năng thực hiện) mà sử dụng thủy triều thật. Phía Pháp yêu cầu các nhà làm phim Việt Nam tìm kiếm giúp họ toàn bộ thông số về thủy triều ở khu vực đó trong vòng vài chục năm qua.

Trong khi đoàn Việt Nam đang “quay cuồng” đi tìm kiếm thông số thủy triều ở các cơ quan chuyên môn Việt Nam, các nhà làm phim Pháp đã có từ Pháp chuyển sang tất cả những số liệu đó, được thống kê không chỉ trong vài chục, mà là cả trăm năm.

Đạo diễn Tất Bình vẫn nhớ, những nhà làm phim Pháp đã tính toán như thế nào để đúng vào ngày đó, giờ đó, thủy triều sẽ từ từ dâng cao đúng mức mà họ muốn để quay được một cảnh phim.
 
Một cảnh quay ở Hạ Long
Đạo diễn Tất Bình kể lại chuyện đã được tham gia làm phim Đông Dương năm 1990 cùng đạo diễn Pháp Régis Wargnier

“Có thể vào thời điểm này chúng ta thấy việc đó là bình thường, nhưng ở thời điểm đó, chi tiết này cho chúng tôi thấy sự chuẩn bị tỷ mỷ của họ khi làm phim. Sự chuyên nghiệp của họ còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác. Tại hiện trường, các thành viên của đoàn làm phim khi di chuyển đều gần như là chạy, không có chuyện đủng đỉnh, lờ đờ, đến muộn... Không khí làm việc luôn khẩn trương, sôi động. Âm nhạc cũng được sáng tác trước khi bấm máy để khi quay, âm nhạc được bật lên, tạo cảm xúc cho diễn viên nhập vai”- và Tất Bình khẳng định, tính chuyên nghiệp từ những việc nhỏ nhất ấy của đoàn làm phim Pháp đã khiến các nhà làm phim Việt Nam “choáng ngợp”.

.....

(Còn nữa)

H.H