Tượng 12 con giáp ở Hải Phòng: Đám đông khiến chuyện “vuốt đuôi” trở nên khôi hài?
(Dân trí) - Cho đến nay, dù vườn tượng 12 con giáp ở Hòn Dáu - Hải Phòng đã được quây kín không cho khách đến tham quan nữa để trưng cầu ý kiến từ các cơ quan chức năng nhưng những ồn ào về câu chuyện này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Càng "khắc phục" lại càng bị chửi
Điều đáng nói là cứ mỗi lần bị số đông “ném đá”, chủ của khu du lịch Hòn Dáu lại buộc phải tìm cách “khắc phục” để làm hài lòng dư luận theo chỉ đạo. Khổ nỗi, càng “khắc phục” lại càng bị chửi… khiến cho câu chuyện “vuốt đuôi dư luận” càng trở nên khôi hài.
Nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn – “cha đẻ” của bộ tượng 12 bức tượng con giáp cho biết, anh tạo tác những bức tượng này từ năm 2007 để tặng cho khu du lịch Hòn Dáu. Trước đó, tượng được trưng bày rải rác trong khu du lịch nên không có ý kiến gì. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây khi đưa tất cả các tượng tập trung lại một chỗ thành “vườn tượng 12 con giáp” thì mới xảy ra chuyện.
Ngay khi xảy ra chuyện, Sở Du lịch Hải Phòng ngay lập tức đưa ra 3 yêu cầu để chủ vườn tượng lựa chọn: Một là chuyển toàn bộ 12 pho tượng trên ra khỏi khu vực tham quan; Hai là gọi thợ đến chỉnh sửa những chỗ nhạy cảm của tượng sao cho phù hợp; Ba là mặc quần áo nghiêm chỉnh cho tượng. Chủ của vườn tượng là ông Hoàng Văn Thiềng đã chọn phương án mặc quần - váy cho tượng.
Tuy nhiên, tượng vừa được mặc quần - váy chưa được bao lâu thì ngay lập tức đã bị “chửi” là phản cảm, xấu tệ, bôi bác… Để tránh bị chửi, chủ vườn tượng lại thay quần - váy bằng chùm nho – lá nho giả che lên những chỗ kín của mỗi tượng đồng thời gắn biển cấm trẻ em dưới 18 tuổi đến xem tượng.
Động thái này lại tiếp tục tạo ra một “cơn bão” chỉ trích và lên án mạnh mẽ hơn trước. Để vừa lòng dư luận, ông Hoàng Văn Thiềng hứa thời gian tới sẽ cho di chuyển các bức tượng trên vào khu vực riêng, có rào chắn và biển quy định độ tuổi vào tham quan. Mặt khác, sẽ nghiên cứu thêm việc đóng khố hoặc che chắn cho các bức tượng bằng lá cây để đỡ gây phản cảm.
Dường như dư luận chỉ bớt căng thẳng khi Đoàn kiểm tra liên ngành của Hải Phòng đến làm việc với Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dấu và đề nghị dừng việc tham quan để chờ ý kiến từ cuộc trưng cầu nghệ thuật từ các nhà chuyên môn.
Dư luận bĩnh tĩnh hơn chắc câu chuyện đã khác?
Chia sẻ trong “90 phút để hiểu”, Thạc sỹ - MC Trịnh Lê Anh cho rằng, nghe ngóng câu chuyện ở nhiều góc độ anh thấy thời gian qua chủ khu du lịch Hòn Dáu đã rất chịu khó lắng nghe và điều chỉnh. Và bản thân anh ngay từ khi mới nhìn thấy những pho tượng này đã cười phá lên vui vẻ, không cảm thấy khó chịu hoặc bức xúc gì cả.
“Du lịch chúng tôi tôn vinh hai yếu tố quan trọng là lạ và mới. Cứ lạ và mới là nguồn đầu vào cho du lịch rất tốt. Nếu không có lạ và mới thì khu du lịch xem như vứt đi.
Vẫn biết du lịch phục vụ đại chúng và mỗi người có một cái “gu” riêng. Anh hợp “gu” nào, anh dùng “gu” đấy. Du lịch không thể hướng đến một cái gì đó đại trà, nhang nhác nhau.
Nếu những pho tượng này nằm trong bảo tàng lớn, gặp phải những tranh cãi lớn về tính nghệ thuật… thì câu chuyện có thể được mổ xẻ theo hướng gay gắt. Còn đây là những bức tượng được đặt trong một khu du lịch thì cũng không nên chửi người ta nặng lời đến thế”, MC Lê Anh nói.
Nam MC này cũng cho rằng, nếu anh là chủ của khu du lịch Hòn Dáu thì khi bộ tượng này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận lẫn truyền thông như vậy nên tổ chức một buổi họp báo để nói rõ mọi ngọn ngành cơ sự.
“Qua sự việc này tôi thấy sự chỉ đạo tương đối lúng túng của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương sở tại bởi tôi biết chủ khu du lịch không muốn làm như thế. Người chủ “khắc phục” bằng cách mặc quần - váy cho tượng hoặc gắn chùm nho - lá nho che bộ phận nhảy cảm của tượng là vì “buộc” phải thế”, MC Lê Anh chia sẻ.
Nam MC họ Lê cũng cho rằng, anh không ủng hộ cách làm dịu dư luận bằng việc mặc quần áo cho tượng. Theo quan điểm cá nhân Lê Anh, đó là một cách che giấu nhìn thẳng vào sự thật và anh không cổ vũ cho cách làm đó.
“Nếu tôi là chủ của khu du lịch Hoàn Dáu thì tôi sẽ hơi bất mãn vì sự phản ứng của công chúng. Tôi không khẳng định bộ tượng đó là rất đẹp hoặc đầy tính nghệ thuật nhưng chúng ta đang cổ vũ ứng xử với nhau bằng lối bình luận có tính xây dựng cơ mà.
Tại sao lại cứ đua nhau nhảy vào nhà người khác để chửi rủa, chê bai, dè bỉu, mạt sát… Tôi cho rằng, bộ tượng được đặt trong khuôn viên của khu du lịch nên cũng không hoàn toàn gọi đó là chốn công cộng. Vì vậy mà tôi nghĩ dư luận cũng nên cẩn trọng hơn trong việc đưa ra những bình luận của mình.
Thực ra, ở đây vẫn chủ yếu trên mạng xã hội và người ta tạo ra một trào lưu rồi “thêm mắm thêm muối thêm mì chính” để mọi thứ trở thành một chủ đề bàn luận với nhau. Và rõ ràng chúng ta thấy, câu chuyện bị “to” lên từ khi nó được mặc quần bơi - váy bơi chứ ban đầu không đến nỗi như thế”, MC Lê Anh bày tỏ.
Đồng tình với ý kiến của MC Lê Anh, nhiều chuyện gia cũng cho rằng, việc đặt bộ tượng 12 con giáp trong khu du lịch Hòn Dáu không vi phạm quy định nào của pháp luật. Và đám đông cũng không nên “góp gió thành bão” hoặc biến mình thành những “anh hùng bàn phím” để dồn người trong cuộc vào chân tường. Những lượt dòng chia sẻ, những dòng trạng thái, những lời bình luận, những cái like… vô cảm của mỗi người vô tình tạo nên sự bùng nổ của những cuộc tranh cãi thừa tiêu cực mà thiếu thiến chí xây dựng.
“Nhìn nhận cả một quá trình thì câu chuyện liên 12 con giáp ở Hòn Dáu - Hải Phòng trở nên khôi hài như hôm nay phần nhiều là vì chúng ta thiếu tính xây dựng. Nhiều “anh hùng bàn phím” tự cho mình cái quyền “ném” ra những lời chỉ trích, bình luận, “kích nổ” đám đông để… “truy cùng” mà không nghĩ họ cũng là một cá thể trong cộng đồng này.
Bản thân họ cũng phải có trách nhiệm làm cho xã hội này tốt đẹp, văn minh và phát triển hơn. Một bộ phận mạng xã hội đôi khi dễ bị dẫn dụ vào trạng thái “bầy đàn”, nếu nhìn nhận ở góc độ nào đó cũng giống như những chú bò tót cứ thấy màu đỏ lại hăng máu lao vào bất kể hậu quả”, một chuyên gia nói.
Hà Tùng Long