Tiếp vụ tượng 12 con giáp: Những tượng xấu khác thì sao?

Tin mới nhất quanh tượng 12 con giáp ở Khu du lịch Hòn Dấu đó là nho giả, lá giả tạm thời được dùng che bộ phận nhạy cảm, thay cho váy và quần hôm trước. Hai nhà điêu khắc tiếp tục bình luận về chất lượng nghệ thuật của nhóm tượng, đồng thời nêu giải pháp đối với chúng.


Tượng 12 con giáp lại được đeo lá nho, chùm nho tại Hòn Dấu, Đồ Sơn. Ảnh: H.D

Tượng 12 con giáp lại được đeo lá nho, chùm nho tại Hòn Dấu, Đồ Sơn. Ảnh: H.D

Nhà điêu khắc Khúc Quốc Ân: Nên chôn xuống biển để lộ phần đầu tượng.

Sẽ không có chuyện gì nếu những bức tượng này được sáng tạo bởi tác giả có chuyên môn, tay nghề cao. Thậm chí nó còn có thể trở thành những bức tượng độc đáo nữa. Rất tiếc.

Nó không nghệ thuật ở chỗ xét theo làm theo lối tả thực, cổ điển thì những bức tượng này rất yếu về chuyên môn, cụ thể về cơ thể học, tỷ lệ và chỗ khớp nối các bộ phận cho dù tác giả mong muốn biến tác phẩm của mình thành những tòa thiên nhiên hay kiệt tác.

Hóa thân thành 12 con giáp (phần đầu và thân) không ăn nhập, gượng ép theo kiểu “đầu Ngô mình Sở “. Người sáng tác yếu về chuyên môn, ông chủ khu du lịch lại hiểu biết nghệ thuật rất hạn chế, nên việc xử lý rất lúng túng khi mặc váy, quần hoặc lấy nho giả, lá giả che đi bộ phận nhạy cảm. Trong truyền thống điêu khắc của người Việt, có nhiều nơi thể hiện bộ phận sinh dục nam nữ nơi thì hóm hỉnh nơi thì thiêng liêng mà cả người Việt và du khách nước ngoài đều thích thú chiêm ngưỡng. Vậy thì bộ phận sinh dục không có “tội” gì khi nó là bộ phận trong tác phẩm nghệ thuật dưới bàn tay tài hoa. Tượng của nhà điêu khắc Lê Công Thành chẳng hạn, không thấy dung tục càng không ai dám sờ vào chỗ nhạy cảm kể cả nếu nó có đặt tại Khu du lịch Hòn Dấu này. Làm kè chắn sóng hay chôn xuống biển để lộ phần đầu tượng khỏi mặt nước có lẽ là giải pháp tối ưu đối với số phận 12 bức tượng này.

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt: Giữ hay cất nên hỏi công nhân môi trường.

Có người hỏi về tượng 12 con giáp, tôi hỏi lại tại sao hỏi tôi. Đúng tôi là nhà điêu khắc, nhưng đấy không phải là tượng, tôi coi là cục đá!

Cục đá thì phải hỏi công nhân vệ sinh, vì nó là rác và đồ phế thải thuộc phạm vi những người quét rác, đổ thùng. Nên hỏi công nhân vệ sinh, nếu anh công nhân vệ sinh bảo đẹp nghĩa là nó thích hợp với thẩm mỹ anh công nhân vệ sinh. Còn nếu công nhân vệ sinh bảo xấu thì nó là vấn đề của vệ sinh môi trường, ô nhiễm môi trường chứ không nằm trong phạm vi điều chỉnh của nghệ thuật.

Sự việc vừa rồi mọi người rất dễ chê xấu, phản cảm và xử lý kém, tôi thì nhìn hơi khác đi. Tôi nghĩ một doanh nghiệp Hòn Dấu không nổi tiếng lắm bỗng nhiên cả nước biết đến, hiệu quả truyền thông không gì tốt bằng. Việc doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự quan tâm tới nghệ thuật trước hết phải ghi nhận. Tuy nhiên, chủ đầu tư có hiểu biết không thực sự tốt, năng lực thẩm mỹ không ở mức cao cho nên họ gặp tai nạn do tác giả thôi. Bản chất họ muốn làm đẹp nhưng gặp tai nạn, không phải do họ muốn. Họ cũng phục thiện đấy chứ, ai nói gì cũng làm theo rất hồn nhiên và cầu thị.

Việc doanh nghiệp “tằng tịu” với nghệ thuật cần được khuyến khích, vấn đề nằm ở tác giả. Anh tác giả nói trên báo rằng, làm ra cái gì cũng bán được. Hàng thịt, anh đóng quan tài, người đóng chạn và làm gốm có thể nói thế vì sản phẩm phục vụ dân sinh thì kiểu gì cũng bán được thôi. Tuy nhiên, không thể coi đó là tiêu chí đánh giá trong nghệ thuật-cứ bán được là đẹp! Trong khoa học nghệ thuật đôi khi không phải những cái không bán được là dở, bán được là tốt. Tôi nghĩ trường hợp anh bạn tác giả này cũng tai nạn thôi.

Bộ tượng có ở Hòn Dấu có lâu rồi, gần đây mọi người mới phát hiện ra và làm ầm lên, do đám đông quá chán và mệt mỏi với những vụ án lớn, cháy nhà trong khi nhìn 12 con giáp đấy vui nên họ bàn tán nhiều. Theo quan điểm của tôi, sản phẩm ấy xấu thì đúng, tuy thế rất nhiều tượng xấu khác do cơ quan nhà nước hoặc bằng tiền ngân sách dựng lên cũng chẳng kém. Chẳng qua không ai để ý, hoặc vì của cơ quan nhà nước, mọi người ngại chê nên chúng mới thoát nạn.

“Nếu tượng này phải di chuyển, thay đổi hoặc xây nhà cho người khác khỏi nhìn thấy, tôi nghĩ cũng cần xem lại hàng loạt tượng khác trên đất nước này. Xử lý 12 con giáp ở Hải Phòng có thể tạo tiền lệ rằng những vật phẩm văn hoá gây ô nhiễm văn hoá nên coi là rác, cần xử lý triệt để. Vừa rồi tượng ở Bắc Kạn trẻ con trèo lên đổ gây nguy hiểm tính mạng, một loạt tượng đài khác thi công ẩu và xấu. Một bên là thi công xấu, một bên thi công kém thì bản chất cũng là rác, vì vậy tôi nghĩ nên nhìn rộng ra, làm công bằng hơn chứ không nên chỉ chăm chăm vào sản phẩm ở Hòn Dấu”.

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt

Theo Toan Toan - Vi Khanh (ghi)
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm