Tục thờ lửa của người Khơ Mú

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Trong căn nhà gồm 3 gian bếp của người Khơ Mú, thần lửa hiện diện ở mọi nơi. Tục thờ lửa cũng gắn với tục thờ tổ tiên và những nghi lễ tâm linh của cộng đồng Khơ Mú.

Dân gian của người Khơ Mú có câu: "Người Khơ Mú ăn theo ngọn lửa, người Thái ăn theo nước". Hàm ý chỉ tập quán canh tác lúa nước của cộng đồng người Thái còn người Khơ Mú lại quen đốt nương, làm rẫy, nghĩa là ăn theo ngọn lửa đốt nương.

Thế nhưng với người Khơ Mú, ngọn lửa cháy trên nương chỉ là một thứ mang tính bề nổi trong tập quán sống cũng như lối canh tác của cộng đồng với khoảng 75 nghìn dân (tính riêng ở các huyện miền núi Nghệ An). Đối với người Khơ Mú ngọn lửa không chỉ mang lại ấm no mà còn là một vị thần được cộng đồng thờ phụng. Lửa có một vai trò khá đặc biệt trong văn hóa tâm linh của người Khơ Mú ở xứ Nghệ.

Tục thờ lửa của người Khơ Mú - 1

Một bản người Khơ mú ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Nơi cư ngụ của thần lửa chính là trong căn bếp ngôi nhà sàn của người Khơ Mú. Quan niệm này có phần giống tín ngưỡng thờ ông Táo của cộng đồng người Việt. Nhưng ở người Khơ Mú, thần bếp hiện hữu hàng ngày trong ngôi nhà với 3 căn bếp. Các bếp lửa này được đặt ở những khu vực khác nhau, có thể là những không gian riêng biệt trong ngôi nhà.

Theo nghiên cứu của ông Vi Văn An, Tiến sĩ dân tộc học thì ngôi nhà người Khơ Mú (ở Nghệ An)  thường chỉ có 3 gian. Khi bước vào gian đầu tiên của ngôi nhà đã gặp gian bếp ở phía đối diện với buồng ngủ, thường là phía bên tay trái đi vào. Căn bếp này phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày của gia đình.

Cũng giống như người Thái, bếp của người Khơ Mú thường có hình vuông được đắp bằng đất nện, khung gỗ hình chữ nhật. Phía trên bếp là nơi để hong khô lương thực, thực phẩm, bảo quản thức ăn và các vật dụng hàng ngày. Khách khứa đến chơi có thể ngồi quanh bếp lửa này.

Tục thờ lửa của người Khơ Mú - 2

Đối với người Khơ Mú, ngọn lửa không chỉ mang lại ấm no mà còn là một vị thần được cộng đồng thờ phụng.

Căn bếp đặc biệt nhất của người Khơ Mú đặt ở chính giữa ngôi nhà. Đây là bếp "ma nhà" là nơi thờ tổ tiên. Cũng là địa điểm hiện diện quan trọng nhất của thần lửa. Trong truyền thống, người phụ nữ là bà, là mẹ trong nhà sẽ giữ cho lửa trong căn bếp này không bao giờ tắt.

Vì là phần quan trọng của ngôi nhà nên việc chọn ngày giờ dựng căn bếp này khi làm nhà sàn cũng được người Khơ Mú rất chú ý. Ông Lương Phò Bi, trú bản Huồi Phuôn, xã Keng Đu (Kỳ Sơn) - chia sẻ: "Làm nhà đã phải chọn một ngày khác và khi đắp bếp, bỏ vào khuôn lại phải chọn ngày giờ khác. Đó cũng là giờ để đón tổ tiên về ở nhà mới, phải mổ gà và có rượu cần để cúng mời tổ tiên. Phải chọn ngày giờ làm bếp đúng với quy định thì người nhà mới được khỏe mạnh, làm ăn suôn sẻ".

Chính vì quan trọng như thế nên người Khơ Mú có tục kiêng, chỉ có con cháu trong nhà được vào căn bếp này. "Thậm chí khi con gái đã đi lấy chồng cũng không được phép vào bếp nhà nữa", ông  Bi chia sẻ thêm.

Theo quan niệm của người Khơ Mú ở xã Keng Đu thì khi phạm đến điều cấm kỵ này là đã phạm đến thần lửa, phạm đến tổ tiên. Người ta thậm chí phải làm lễ sửa lại bếp để chuộc lỗi với tổ tiên, với thần lửa. Tuy nhiên, có những lễ trọng của người Khơ Mú, căn bếp lại trở thành nơi nấu nướng chính. Đó là dịp làm lễ mổ trâu khi gia đình có điều kiện để cúng lên tổ tiên. Thường thì mỗi nhà trong suốt quá trình cư trú lâu dài đều phải làm lễ này một lần. Một dịp nữa vào lễ cúng họ hàng năm. Những thành viên là con trai, cháu trai trong dòng họ được phép vào bếp này nấu nướng và thờ phụng cho tổ tiên, cho thần lửa.

Tục thờ lửa của người Khơ Mú - 3

Nghi lễ cầu mùa của người Khơ Mú.

Đối với người Khơ Mú, bếp lửa thường gắn với cuộc sống thường nhật của người phụ nữ. Hàng ngày, công việc đầu tiên của một phụ nữ Khơ Mú là nhóm bếp lửa rồi mới làm việc khác. Theo ông Vi Văn An thì đây là cử chỉ chăm sóc của con dâu trong nhà đối với thần bếp và cũng là tổ tiên của mình.

Căn bếp thứ ba thường chỉ dùng để đồ xôi. Đó cũng là bếp trong cùng của ngôi nhà. Tuy nhiên căn bếp này gắn với tục cúng mẹ lúa của cộng đồng diễn ra vào tháng mười Âm lịch hàng năm. Người Khơ Mú ở một số xã như: Keng Đu, Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), vẫn giữ tục này. Nó gắn liền với tục mừng lúa mới của cư dân bản địa. Các nghi lễ như đồ xôi,  dâng lễ vật lên mẹ lúa được thực hiện trong gian bếp này.

Ngày nay, cùng với sự thay đổi trong đời sống kinh tế, thì ngôi nhà sàn cũng có những biến đổi nhất định. Người Khơ Mú có những bố trí linh hoạt hơn trong ngôi nhà. Tuy nhiên, các bếp lửa vẫn được bố trí riêng biệt với những chức năng khác nhau. Lửa vẫn là đối tượng tâm linh, một vị thần của cộng đồng.