Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên lịch sử:
Từ “máu trộn bùn non” đã cất lên những giai điệu anh hùng
(Dân trí)- Trước khi nhắm mắt, có 2 ca khúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp muốn nghe lại trong phút lâm chung là “Quảng Bình quê ta ơi” và “Hò kéo pháo”. Đằng sau ca khúc “Hò kéo pháo” còn nhiều những ký ức chưa kể...
Những ngày lịch sử đã viết nên những giai điệu lịch sử
Nhạc sỹ Hoàng Vân vẫn nhớ, ngày ấy, ông còn rất trẻ. Ông 23 tuổi (nhạc sỹ sinh năm 1930), là biệt phái viên và là cộng tác viên của báo Quân đội Nhân dân. Ông là quân số của sư đoàn 312 (60 năm đã trôi qua, người nhạc sĩ già vẫn nhớ rõ những hình ảnh, tình cảm, kỷ niệm với Sư đoàn trưởng của mình là Lê Trọng Tấn, sư đoàn phó là Đàm Quang Trung). Trong một lần được Sư đoàn trưởng giao nhiệm vụ đi đón đoàn Tổng Cục Chính trị, Hoàng Vân đã có những ngày sống trong nỗi gian khó, khổ cực nhưng đầy lạc quan của các chiến sĩ ở Điện Biên.
Đó là thời điểm mang tính quyết định của lịch sử, thời điểm thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”. Để giữ bí mật việc sử dụng những khẩu pháo lớn trong chiến dịch, Bộ Chỉ huy ra lệnh tất cả lực lượng pháo binh phải kéo pháo trở về vị trí tập kết ban đầu. Giữa lúc bộ đội ta đang mệt mỏi vì vừa phải kéo pháo vào trận địa, chưa kể trước đó còn phải mở đường và ngụy trang đường, bây giờ lại phải kéo pháo ngược trở lại, cộng thêm địa hình hiểm trở khiến nhiệm vụ càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Khoảng 60 chiến sĩ được giao kéo một khẩu pháo. Ngày cũng kéo, đêm cũng kéo. Trời mưa, đường trơn. Giữa sự oanh tạc của pháo binh Pháp, những chiến sĩ Điện Biên đã lặng lẽ kéo những khẩu pháo nặng khoảng 40 tấn vượt qua địa hình nhiều dốc cao, vực sâu (có chỗ phải vượt qua núi cao 1450m). Cứ như thế, 36 khẩu pháo cao và 24 khẩu lựu pháo đã được kéo ra khỏi mặt trận đúng thời điểm để kịp thời gian tấn công.
“Hò kéo pháo” đã vang lên khắp các mặt trận Điện Biên năm 1954
“Đêm đó tôi đang ở dưới hầm, nửa mơ nửa tỉnh, khát nước quá định sang hầm bên cạnh lấy cái bi- đông uống một ngụm. Vừa mới chui lên mặt đất, tôi nghe thấy tiếng gà rừng gáy. Lúc ấy tiếng gà gáy khơi gợi nhiều cảm xúc lắm. Tiếng gà gáy khiến tôi có cảm giác như một hiệu lệnh báo trước một sự kiện ngoài tưởng tượng sắp xảy ra”- Nhạc sỹ Hoàng Vân nhớ lại.
Đêm hôm sau, nhạc sỹ Hoàng Vân viết xong ca khúc Hò kéo pháo. “Ban đầu, tôi chỉ định dán lên tờ bích báo làm kỷ niệm. Sau đó ông chỉ huy nhìn thấy và cho phổ biến bài hát trong sư đoàn. Rồi ca khúc đến tai Đại tướng Võ Nguyên Giáp- khi đó là Tổng tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ. Tướng Giáp bảo: “Sao lại chỉ hát trong sư đoàn, hãy dạy cho tất cả toàn bộ mặt trận hát ca khúc này!”. Từ đó, ca khúc Hò kéo pháo được vang lên ở khắp các mặt trận Điện Biên”- nhạc sỹ Hoàng Vân kể.
Kể tiếp những ký ức xưa, người nhạc sỹ già trầm lắng: “Trận Điện Biên Phủ kéo dài từ cuối năm 1953 đến đầu năm 1954, lúc ấy phải giữ bí mật nên chỉ gọi là chiến dịch Đông- Xuân, không ai gọi tên là chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự chuẩn bị cho trận Điện Biên phủ là quá công phu, cẩn thận, chu tất. Mọi việc đều bí mật. Mọi người chỉ biết sắp đánh to, đánh trận quan trọng, cấp trên dặn dò là cứ sẵn sàng để đánh. Có những lần đang hành quân bị bom napan ném ngay trước mặt, xung quanh là đồi cỏ danh, như là cây mía khô, bốc cháy ngùn ngụt. Nhưng các chiến sỹ vẫn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ pháo. Ngay trong đêm phải kéo nhau hành quân đi chỗ khác, mỗi người phải mang theo một cái xẻng ngoài những vật dụng cá nhân, để tự đào hầm cá nhân, phủ cành cây lên rồi chui vào đó ngủ. Đào đến mức những cái xẻng bị vẹt đi mất một nửa. Nhiều khi không biết mình đang ở rừng gì, núi gì, chỉ biết là mình đang ở trong lòng chảo Điện Biên Phủ..”.
Và với nhạc sỹ Hoàng Vân, những ngày tháng ở Điện Biên Phủ năm ấy cũng mãi mãi là những ngày tháng thiêng liêng nhất, đáng sống nhất, trong cuộc đời.