Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên lịch sử:

Hé lộ những chuyện tình cảm động nơi khói lửa Điện Biên

(Dân trí) - Giữa khói bom khốc liệt của chiến trường, Đại đoàn phó Cao Văn Khánh gặp lại người yêu, bà Nguyễn Thị Ngọc Toản. Lễ cưới của hai chiến sỹ Điện Biên diễn ra ngay trong hầm của tướng Đờ Cát vào ngày 22/5/1954 và họ chụp ảnh cưới kỷ niệm trên… tháp pháo xe tăng.

 
Là người trực tiếp phỏng vấn gần 20 nhân chứng lịch sử chuẩn bị cho triển lãm Ký ức Điện Biên khai mạc ngày 6/5 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; chị Việt Hà (phòng nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày- Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam) chia sẻ với phóng viên Dân trí về những câu chuyện tình đẹp, dung dị và cảm động trong khói lửa chiến tranh. Vì tổ quốc, nhiều cô gái trẻ đã không quản ngại gian khổ, để lại tình riêng, cống hiến tuổi thanh xuân phơi phới háo hức đi chiến dịch…

Cô dâu “bỏ trốn”… lên đường đi chiến dịch

Từ một nữ sinh Hà Thành đầy bỡ ngỡ, bà Nguyễn Thị Hồng Minh nhập ngũ, trở thành nữ chính trị viên khi tuổi đời vừa tròn 20. Bà Hồng Minh cùng các nữ quân y chăm sóc thương binh và lo hậu cần trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám ở Quảng Hồng năm 1951.
 
Vợ chồng bà Hồng Minh sau ngày cưới ở Thái Nguyên, tháng 3/1952

Vợ chồng bà Hồng Minh sau ngày cưới ở Thái Nguyên, tháng 3/1952
 
“Chiến dịch Hoàng Hoa Thám đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc và cũng có một “chiến dịch” nữa trong đời con gái của tôi đó là “chiến dịch” chỉ có hai người”, bà Hồng Minh, giờ 84 tuổi bồi hồi nhớ lại. Tình cảm giữa Hồng Minh và anh Hồ Toàn, cán bộ quân y đội điều trị 2 rất gắn bó. Cả hai quyết định tổ chức đám cưới vào ngày 26/12/1951 và giấy mời đã gửi hết cho tất cả bạn bè gần xa.
 
Thời điểm lễ cưới cận kề, bà Hồng Minh lại được giao nhiệm vụ đột xuất lên đường tham gia chiến dịch Hòa Bình vì chiến dịch này thiếu cán bộ chính trị nữ. Dù chưa liên lạc được với chú rể đang ở xa để hoãn đám cưới nhưng bà Hồng Minh vẫn trả lời cấp trên: “Tổ quốc là trên hết, giặc tan em mới trở về!”
 
Vợ chồng bà Hồng Minh sau ngày cưới ở Thái Nguyên, tháng 3/1952
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh: "Sau ngày tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954, vợ chồng về ra mắt gia đình đôi bên và ra hiệu ảnh phố Hàng Bông chụp kỷ niệm những tháng ngày tham gia kháng chiến chống Pháp"

Khi bà Hồng Minh lên đường nhận nhiệm vụ thì đúng như kế hoạch, lễ cưới vẫn diễn ra. Chú rể cùng đoán đón dâu chở đồ lễ rượu nho, bánh ga-tô từ Cao Bằng về Thái Nguyên- nơi đơn vị cô dâu đóng quân thì chỉ nhận được lá thư cô dâu để lại với lời xin lỗi vội vàng.

Bà Hồng Minh kể lại, lúc ấy ông Hồ Toàn rất buồn nhưng có gửi lại mấy câu thơ: “Em ơi em chớ có lo!/ Kiến trong miệng chén khó bò đi đâu/ Vì em anh phải nhỡ tàu/ Xuân này ta sẽ gặp nhau: “em… đền!”

Đám cưới trong hầm của tướng Đờ Cát

Một mối tình khác cũng gắn liền với nhiều thời khắc lịch sử, khiến nhiều người ngưỡng mộ phải kể đến chuyện tình giữa bà Nguyễn Thị Ngọc Toản (sinh năm 1930 tại Huế), y tá đội điều trị 2 trong chiến dịch Điện Biên Phủ với Đại đoàn phó Đại đoàn 38 Cao Văn Khánh.
 
Vợ chồng bà Hồng Minh sau ngày cưới ở Thái Nguyên, tháng 3/1952
Bà Nguyễn Thị Ngọc Toản và ông Cao Văn Khánh chụp sau ngày cưới 23/5/1954, trên chiếc xe tăng tại trung tâm cứ điểm Mường Thanh, gần hầm chỉ huy Đờ Cát

Bà Ngọc Toản xuất thân từ dòng dõi trâm anh thế phiệt, bố là ông Tôn Thất Đàn- một trong 4 vị thượng thư đầu triều Nguyễn, mẹ là bà Phạm Thị Tiên xuất thân từ một gia đình quý tộc nhà ông Phạm Đăng Hưng, có con gái lấy vua Thiệu Trị.

Bà Ngọc Toản gặp ông Cao Văn Khánh lần đầu tiên khi ông đến thăm trường Đại học Y Khoa ở Việt Bắc. Tình yêu giữa hai người chớm nở với nhiều lời ước hẹn. Cuối năm 1953 khi Bộ tổng tư lệnh điều động Đại đoàn 308 lên Tây Bắc chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ, trước khi hành quân ông Khánh đã lên Tuyên Quang gặp người yêu. Lúc chia tay, ông bà cùng hẹn đến ngày chiến thắng sẽ làm hôn lễ tại gia đình.
 
Ông Cao Văn Khánh - bà Nguyễn Thị Ngoc Toàn chụp năm 1955 tại Hà Nội

Ông Cao Văn Khánh - bà Nguyễn Thị Ngọc Toản chụp năm 1955 tại Hà Nội
 
Sau đó, bà Ngọc Toản cũng ra mặt trận phục vụ chiến đấu ở đội điều trị 2 Cục Quân y. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, bà Ngọc Toản đi bộ từ Tuần Giáo đến Mường Thanh để làm nhiệm vụ phiên dịch cho việc trao trả một nữ tù binh Pháp. Tại đây, bà gặp lại ông Cao Văn Khánh trong niềm xúc động nghẹn ngào.
 
Giữa chiến trường vương vất khói bom, ông bà quyết định tổ chức đám cưới. Lễ cưới của hai chiến sỹ Điện Biên được tổ chức giản dị ngay trong hầm của tướng Đờ Cát vào ngày 22/5/1954.
 
Ông Cao Văn Khánh - bà Nguyễn Thị Ngoc Toàn chụp năm 1955 tại Hà Nội
Đoàn đại biểu Bộ quốc phòng đi dự ở Điện Biên Phủ về chụp năm 1984 tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ trái sang, ông Bích, bà Toản, bà Hà và tướng Giáp. Được biết, chính Đại tướng đã cho phép vợ chồng bà Toản tổ chức lễ cưới ngày 22/5/1954 tại hầm Đờ Cát

Bà Ngọc Toản nói, gọi là lễ cưới, nhưng chú rể mặc nguyên bộ quân phục, cô dâu chỉ vuốt lại mái tóc cho gọn gàng. Trong hầm Đờ Cát, chỉ huy cấp trên và đồng đội viết câu khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Chú rể được yêu cầu hát bài Bộ đội về làng, cô dâu hát bài Em bé Mường La để mừng chiến thắng. Mọi người cùng hô vang: “Hoan hô đám cưới Điện Biên”. Sau ngày cưới, cô dâu chú rể ra ngoài, lên ngồi trên… tháp pháo xe tăng chụp bức ảnh kỷ niệm!

Mối tình vượt qua định kiến…

Với bà Ngô Thị Tuyết An, cô gái sinh ra nơi phố cổ Hà Nội, nhớ về Điện Biên là nhớ về mối tình say đắm với người chiến sỹ tên Dương Đình Đạc mà hiện nay là chồng của bà.

Hai người yêu nhau khi họ cùng ở Đội điều trị 2. Tình yêu của họ được đồng đội vun vén. Kết thúc đợt chỉnh quân vào cuối năm 1953, đội 2 dự kiến sẽ tổ chức đám cưới tập thể cho 5 cặp nam nữ trong đó có bà Tuyết An và ông Đình Đạc. Nhưng sắp đến ngày tổ chức thì đơn vị xác định bà An thuộc thành phần gia đình tư sản dân tộc, chi bộ ra nghị quyết bắt họ không được quan hệ yêu đương nữa.

Vì bí mật gặp nhau nên ông Đạc bị chi bộ kỷ luật khai trừ lưu Đảng 6 tháng và chuyển sang Đội điều trị 1 để cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ giữa hai người. Dù bị ngăn cản nhưng họ vẫn quyết tâm yêu nhau, tự hứa cùng công tác thật tốt, hai người đều là bộ đội sau này giác ngộ được xuống thành phần, lúc đó lấy nhau cũng không muộn.

Và niềm tin đó đã trở thành hiện thực, đám cưới của họ được tổ chức vào năm 1955 tại Nghệ An khi cả hai đang thực hiện nhiệm vụ trao trả tù hàng binh.

……

Vỹ thanh

“Đến nay, cả hai chiến dịch chung và riêng của chúng tôi đều tốt đẹp. Chúng tôi đã có dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại”, bà Hồng Minh dù tuổi cao nhưng vẫn giữ được nét mặn mà, duyên dáng tuổi thanh xuân hạnh phúc chia sẻ. Không phụ sự mong mỏi của ông Hồ Toàn, sau khi “bỏ trốn” khỏi lễ rước dâu bà đã “đền” cho ông bằng đám cưới vui vẻ vào ngày 20/3/1952 sau khi chiến dịch Hòa Bình kết thúc. Đêm tân hôn, mấy chị em trong đơn vị đã lấy chăn bộ đội quây thành căn phòng nhỏ làm “buồng uyên ương” cho cặp vợ chồng mới cưới.

Dù ông Hồ Toàn đã mất cách đây vài năm nhưng bà Hồng Minh vẫn luôn trân trọng quãng thời gian hạnh phúc, họ sống gắn bó nắm tay nhau cho đến chặng cuối cuộc đời.
 
Ông Cao Văn Khánh - bà Nguyễn Thị Ngoc Toàn chụp năm 1955 tại Hà Nội

Hiện nay, bà Ngô Thị Tuyết An và chồng, ông Dương Đình Đạc sống hạnh phúc cùng các con cháu tại khu tập thể Bộ đội Biên phòng, phường Quỳnh Lôi

Còn cô y tá đội điều trị 2 trong chiến dịch Điện Biên Phủ ngày nào giờ là GS, BS Nguyễn Thị Ngọc Toản, 86 tuổi đã về hưu. Trung tướng Cao Văn Khánh đã về với thế giới bên kia cách đây hơn 30 năm, nhưng hình ảnh, ký ức về người chồng yêu dấu vẫn tràn ngập trong câu chuyện của người vợ hiền. Tấm ảnh đen trắng chụp cảnh ông và bà trên tháp pháo xe tăng trong ngày cưới hiện được treo trang trọng tại nhà bà ở phố Trần Thánh Tông, Hà Nội. Chứng nhân của đám cưới đặc biệt ấy cũng là hiện vật lịch sử độc đáo của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học.

Với bà Tuyết An và ông Đình Đạc, hiện nay họ vẫn sống hạnh phúc cùng con cháu tại khu tập thể Bộ đội Biên phòng, phương Quỳnh Lôi, Hà Nội. Nhắc lại câu chuyện xưa ở chiến trường Điện Biên, cả hai đều cười rạng rỡ như họ đang sống lại những ngày tháng ở lứa tuổi đôi mươi.

 
Nguyễn Hằng
Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm