Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên lịch sử:
NSND Thanh Vân kể chuyện làm phim “triệu đô” về Điện Biên Phủ
(Dân trí)- “Tôi không mặc định cho nhân vật lấy thân mình chèn pháo là Tô Vĩnh Diện, cũng không đặt tên cho nhân vật lấy thân mình lấp lỗ châu mai là Phan Đình Giót… Ở chiến dịch vĩ đại ấy, chúng ta đã có cả một thế hệ anh hùng”- NSND Thanh Vân chia sẻ.
Nhận 21 tỷ đồng nhà nước đặt hàng, đạo diễn- NSND Thanh Vân đã bắt tay chuẩn bị cho bộ phim “Sống cùng lịch sử” từ tháng 3/2013 và hoàn thành cảnh quay vào tháng 9/2013. Phim sẽ ra mắt khán giả bắt đầu từ 25/4 tới trong Tuần lễ phim kỷ niệm những ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 19/5 và 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn- NSND Thanh Vân quanh trách nhiệm của người nghệ sỹ trước việc sáng tác tác phẩm mang ý nghĩa kỷ niệm một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc.
“Đừng soi vào số tiền 21 tỷ đồng”
“Đến hẹn lại lên”, mỗi dịp kỷ niệm, nhà nước đều đặt hàng đến các hãng phim những bộ phim lịch sử. Năm nay, anh nhận “đơn đặt hàng” 21 tỷ đồng để làm bộ phim kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên lịch sử. Xưa nay, các bộ phim đặt hàng đều bị “soi” rất kỹ. Và thường bị chê. Sức ép của anh khi nhận “đơn đặt hàng” 21 tỷ đồng lần này?
Cách đây 10 năm, nhà nước đã đặt hàng bộ phim Ký ức Điện Biên 13 tỷ đồng. So với thời giá sau 10 năm, số tiền đầu tư thực chất vẫn như vậy. Nếu làm phép so sánh với các bộ phim thương mại được đầu tư hiện nay, con số 10-20 tỷ đồng cũng là con số thông thường.
Tôi nghĩ, khi đi xem phim, khán giả đừng nên chú ý quá vào số tiền sản xuất. Đó là một tâm thế không tốt cho việc xem phim.
Làm một bộ phim tốt nhất với khả năng của anh hay trong quan niệm của anh? Nếu bộ phim “Sống cùng lịch sử” không được lòng công chúng, điều đó không chỉ tiếp tục hạ thấp uy tín của phim đặt hàng, còn là bước lùi về nghề nghiệp của đạo diễn- NSND Thanh Vân. Anh có nghĩ như vậy?
Mỗi đạo diễn sẽ có cách nhìn riêng, cách kể riêng về một sự kiện lịch sử. Cùng một câu chuyện, có người kể rất hay, có người lại nói rất nhạt. Tôi cố gắng kể một câu chuyện thật xúc cảm và gần gũi.
“Sống cùng lịch sử” được làm với thủ pháp đồng hiện. Đây là thủ pháp không mới so với thế giới, nhưng lại khá mới mẻ, lạ lẫm so với Việt Nam.
Bộ phim làm về một nhóm bạn trẻ. Trước chuyến đi về Điện Biên, họ khá bàng quan với lịch sử. Sau khi đến đây, với trí tưởng tượng cộng với những trải nghiệm, họ được đối diện với quá khứ hào hùng của chiến dịch Điện Biên lịch sử, họ hóa thân vào những người dân công, những chiến sĩ… Để từ đó, trong họ có những chuyển biến về mặt cảm xúc và nhận thức quanh sự kiện lịch sử này. Cuối cùng, cảm xúc của họ đã hòa nhập trong cảm xúc chung của cả dân tộc trước sự ra đi của Đại tướng.
“Cảm xúc của đạo diễn là điều quan trọng nhất”
Sử dụng thủ pháp gì để kể chuyện- điều đó có thể quan trọng với đạo diễn, nhưng lại không quan trọng với khán giả. Để đem được cảm xúc đến cho khán giả, theo anh, điều quan trọng nhất là gì?Là cảm xúc của đạo diễn, là kịch bản chặt chẽ, là tài chính “khổng lồ”…?
Cảm xúc của đạo diễn là điều quan trọng nhất. Nếu bản thân đạo diễn vô cảm, anh sẽ không thể truyền đạt cảm xúc đến cho người khác được.
Trong quá trình chuẩn bị cho bộ phim, tôi đã đọc rất nhiều tài liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có cuốn “Những người làm nên lịch sử”. Đây là cuốn sách viết về những hồi ức, những câu chuyện của chính những người đã tham gia chiến dịch Điện Biên. Hồi ức ấy có thể là của một dân công, một văn công, một y tá, một anh lính ở tiểu đội X, trung đội E nào đó… Những câu chuyện rất thật và cảm động.
Mỗi người chỉ kể một đoạn ngắn, nhưng tất cả đều là sự thật. Với tôi, đó là những tư liệu quý báu. Cuốn sách không phải do nhà văn viết nên, mà là những câu chuyện bước ra từ sự thật chiến tranh.
Trong bộ phim, tôi không “mặc định” hành động lấy thân mình chèn pháo là của anh Tô Vĩnh Diện, tôi không đặt tên cho nhân vật lấy thân mình làm giá súng là Bế Văn Đàn, tôi cũng không đặt tên nhân vật lấy thân mình lấp lỗ châu mai là anh Phan Đình Giót… Trong chiến dịch ấy, chúng ta đã có cả một thế hệ anh hùng.
Nếu không phải anh Tô Vĩnh Diện đã lấy thân chèn pháo, chắc chắn, sẽ có những người lính khác sẵn sàng làm việc đó. Hàng ngàn những anh hùng vô danh đã ngã xuống. Tôi muốn bộ phim có sự khái quát lớn hơn- sự khái quát về cả một thế hệ anh hùng đã tham gia cuộc chiến.
Khi không đặt tên cho nhân vật như thế, tôi cũng nghĩ, phim sẽ đỡ bị “soi” về chi tiết kiểu như: diễn viên nhìn không giống anh Bế Văn Đàn, hay tại sao không có chi tiết anh Tô Vĩnh Diện quê ở đâu…
… Nhưng có thể, phim sẽ bị chê về bối cảnh, về câu chuyện, về trang phục?
Chúng tôi vẫn hay đùa với nhau, bao nhiêu tiền cũng có thể ra phim, nhưng phim như thế nào mới quan trọng. Chúng tôi đã làm bộ phim với tâm thế cố gắng để có một bộ phim tốt nhất có thể.
Tôi không có ý định mô tả chi tiết về chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ phim chỉ đưa ra những lát cắt trọng tâm, tiêu biểu nhất. Chiến dịch Điện Biên Phủ có những đặc thù rất riêng, ví dụ như những đoàn dân công tải lương, tải đạn. Ví dụ, việc kéo pháo vào trận địa. Ví dụ, chuyện đào hào… Bộ phim đưa đến những lát cắt mang tính tiêu biểu nhất về chiến dịch Điện Biên để các bạn trẻ trải nghiệm.
Trong phim, những nhân vật của anh đã có sự chuyển biến về cảm xúc, nhận thức trước một sự kiện lịch sử như Điện Biên Phủ. Vậy cá nhân anh, liệu có sự thay đổi nào trong quá trình làm một bộ phim điện ảnh về 56 ngày đêm huyền thoại ở Điện Biên năm 1954?
Có thể do tôi đã lớn tuổi rồi nên nhạy cảm hơn chăng. Khi xem bản dựng chưa có tiếng, tôi thấy lòng rưng rưng. Khi bộ phim được dựng hoàn chỉnh với phần âm nhạc, âm thanh, sự rưng rưng ấy vẫn không mất đi.
Thường, những người làm như chúng tôi phải tỉnh táo để chuyển câu chuyện của mình đến khán giả. Với bộ phim này, trước sự kiện lịch sử vĩ đại của cả dân tộc, tôi rưng rưng với những gì mình làm ra và cũng rất hồi hộp khi phim đến với khán giả.
Hiền Hương thực hiện