Nhà văn Nguyễn Quang Thiều:

Tranh chấp bản quyền thơ “Tổ quốc gọi tên mình”: Chưa nên kết luận vội vàng

(Dân trí) - Nhà văn Nguyễn Quang Thiều phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam là người được ủy quyền thay Hội Nhà văn Việt Nam phát ngôn về vấn đề tranh cãi bản quyền giữa nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và ông Ngô Xuân Phúc. Trao đổi với Dân trí, ông cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, bài thơ Tổ quốc gọi tên mình chưa đăng ký bản quyền ở Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam của Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Thưa nhà văn Nguyễn Quang Thiều, những tranh cãi về vấn đề bản quyền giữa nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và ông Ngô Xuân Phúc trong bài thơ "Tổ quốc gọi tên mình" thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận mấy ngày qua, quan điểm của Hội nhà văn Việt Nam về vấn đề này như thế nào?

Những tác phẩm mà tác giả đã đăng ký ở trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam nếu vướng vào những tranh cãi thì hội sẽ lên tiếng và có trách nhiệm giải quyết vấn đề đó. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, tác phẩm Tổ quốc gọi tên mình chưa đăng ý bản quyền tại Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam của Hội nhà văn Việt Nam. Vì thế phía Hội chưa thể lên tiếng được. Quan điểm của hội là trước mắt sẽ tôn trọng tất cả ý kiến của hai bên. Nhà thơ Quế Mai là hội viên của hội nên nếu trong trường hợp cô ấy đang bị xâm phạm bản quyền hay bị xâm phạm danh dự, phía Hội sẽ đứng ra bảo vệ. Tuy nhiên hiện tại vẫn đang là những trao đổi giữa hai bên về bản quyền bài thơ và việc này chưa ngã ngũ. Cho nên Hội nhà văn VN vẫn tiếp thu và tôn trọng ý kiến của cả hai phía. Khi hai bên đồng ý đưa ra pháp luật để giải quyết thì lúc đó Hội Nhà văn VN cũng như các cơ quan chức năng có liên quan sẽ đứng ra giải quyết. Quan điểm của hội là luôn bảo vệ quyền tác giả cho dù họ có thể hay không phải là thành viên của hội.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng bản quyền văn học ở Việt Nam hiện nay?

Thực ra mới mấy năm nay, nhà nước ta mới chú trọng và ban hành đạo luật bản quyền. Lúc đó các cơ quan có chức năng trong việc bảo vệ bản quyền tác giả mới bắt đầu thực hiện nhưng tính thực thi chỉ ở trong một phạm vi hẹp và còn tồn tại nhiều vấn đề.

Bảo vê bản quyền rất quan trọng đối với mỗi tác giả bởi nó không chỉ liên quan đến quyền lợi mà còn là danh dự của người viết. Ở Việt Nam, chuyện một tác giả ra hàng sách hay đọc tác phẩm của mình ở một chỗ nào đó rồi mới biết là chuyện rất bình thường. Họ thậm chí không được người in sách thông báo lấy một câu chứ chưa nói đến chuyện chi trả nhuận bút hay tiền bản quyền.

Ngoài những tồn tại đó thì thái độ của chính các tác giả cũng được xem là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng bản quyền vẫn đang bị coi nhẹ?

Lỗi này thuôc về cả hai phía. Thứ nhất, người Việt vẫn còn e ngại và thiếu trách nhiệm trong việc  bảo vệ bản quyền của chính mình và người khác.

Ở Việt Nam, mấy năm nay, vấn đề bản quyền đã đi được một bước quan trọng nhưng tình trạng vẫn là tệ nhất so với thế giới. Sao chép một cách tùy tiện nhưng lại không bị xử lý hoặc chỉ xử lý đối với các nhà xuất bản có hành vi vi phạm bản quyền một cách có hệ thống. Nghĩa là chỉ bề nổi. Còn đối với các cá nhân sử dụng lẫn nhau thì vẫn chưa được để ý kiểm tra, kiểm soát.

Bản thân tôi đã nhiều lần chứng kiến tác phẩm của mình bị ăn cắp, bị in lậu hay sử dụng mà không được xin phép nhưng vẫn cố tình “lờ đi”. Một là tôi cho rằng, mình có nói thì cũng không giải quyết được gì, hai là tự an ủi, thôi thì dù sao người ta cũng yêu quý tác phẩm của mình. Thế nhưng những cái tặc lưỡi như thế rất nguy hiểm, vô tình tiếp tay cho nạn vi phạm bản quyền.

Thứ hai, các cơ quan sử dụng bản quyền ở Việt Nam có một tư duy rất buồn cười là: Chúng tôi sử dụng tác phẩm của các ông là may rồi, là một cách PR, quảng cáo tên tuổi tác giả. Nhưng chúng tôi không cần thế và quan điểm đó cần phải loại bỏ.

Theo tôi, cơ quan thực thi luật bản quyền và đơn vị thu lợi từ việc sử dụng bản quyền đó cần có cơ chế làm việc hợp lý để bảo vệ quyền lợi cho tác giả. Nhưng để làm được điều này không dễ. Bởi ý thức về bản quyền của chúng ta rất lác đác, thậm chí không có. Nhiều người nghĩ rằng, tác phẩm mình in ra rồi, người khác in lại vài lần cũng không sao. Bản quyền nảy sinh vấn đề tiêu cực là vì thế. Không chỉ cơ quan chức năng mà bản thân tác giả cũng chưa thực sự ý thức hết giá trị bản quyền của tác phẩm do mình sáng tạo nên.

Anh đánh giá thế nào về bài thơ Tổ quốc gọi tên mình? Nó có gần gũi với tiếng nói và tâm hồn của một người lính?

Đánh giá cái hay thì vô cùng. Với tôi, đó là một bài thơ có ý tưởng, cảm xúc, hay trong ý nghĩa viết về chủ đề biển đảo. Cộng hưởng với âm nhạc, bài thơ đã thức tỉnh được lòng yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc.

Tính sáng tạo của thơ ca rất kỳ lạ. Có người viết rất nhiều. Mỗi tác phẩm đều có dấu ấn nhưng tựu trung lại là đều đều. Nhưng cũng có người suốt cuộc đời chỉ viết duy nhất được một tác phẩm và tác phẩm đó sống mãi, tồn tại qua nhiều thế hệ. Đó quả là sức mạnh ghê gớm nhưng sau đó thì họ không sáng tác thêm được nữa.

Còn ấn tượng của anh về nhà thơ Quế Mai?

Khi ra mắt tập thơ, trong đó có bài thơ Tổ quốc gọi tên mình, Quế Mai cũng có hỏi ý kiến của tôi. Tôi có khuyên Mai lấy tên bài thơ làm tên tập thơ. Nhưng tôi ấn tượng nhiều hơn về những bài thơ cô ấy viết về quê ngoại, hay thân phận giống như cái cây bị đứt khỏi mảnh đất của mình, sống nơi đất khách, nỗi thương nhớ cố hương vì xa cách. Đó là những bài thơ rất hay, xúc động ấn tượng. Còn bản thân tác giả Quế Mai càng ngày càng được bạn đọc đón nhận nhiều hơn.

Viết về thân phận con người là một ở sở trường của nhà thơ Quế Mai. Vậy theo anh Bài thơ Tổ Quốc Gọi tên mình có bị lạc điệu so với những tác phẩm khác của chị ấy?

Không thể nói nó lạc điệu được vì sự sáng tạo là không có giới hạn. Tôi cũng không để ý đến sự lạc điệu. Trong thời điểm đang có những tranh chấp như thế này, chúng ta không cẩn thận sẽ làm sự việc bị hiểu nhầm.

Đối với bản thân tôi, nhiều lần viết xong một bài thơ tôi vẫn tự nghĩ tại sao mình lại có thể nghĩ ra được những điều như thế nhỉ, vì nó không giống với mình. Nhưng sự sáng tạo là không thể lý giải. Có những sự va đập về cảm xúc mà phải đến một lúc nào đó nó bộc phát thành thơ.

Theo anh, làm thế nào để phân định ai là tác giả của bài thơ này?

Theo tôi đã đến như thế này thì cả hai phía, chị quế Mai và Anh Ngô Xuân Phúc đều phải có trách nhiệm đưa ra các bằng chứng minh chứng cho việc sáng tác bài thơ. Chúng ta phải dựa trên nhiều thứ, có những phán quyết trong lòng mà không thể nói ra vì cần phải có chứng cứ, phải có tính công bằng.

Tôi nghĩ, để hai người ngồi lại thỏa thuậnvới nhau  lúc này là rất khó, cho nên việc có thể là phải đi tìm bằng chứng. Bản thân Quế Mai phải có những động thái mạnh mẽ hơn. Dư luận đang dấy lên nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có người nghiêng về Mai, có người bênh ông Phúc. Kể  cả với tôi lúc này có thể tôi đang nghiêng về ai đó nhưng tôi không thể phát biểu vì như thế sẽ bất lợi cho người còn lại. Khi sự việc chưa rõ ràng thì chúng ta chưa nên đưa ra kết luận vội vàng.

Nhưng xảy ra những tranh chấp như thế này đã là điều rất đáng buồn. Bài thơ này đã được nhiều người biết đến sau khi phổ nhạc. Ai là tác giả không còn quan trọng nữa.

Có người cho rằng nhà thơ Quế Mai đang chịu nhiều áp lực hơn vì chị là người nổi tiếng?

Tôi nghĩ anh Phúc cũng có những áp lực lớn trước gia đình, cơ quan, bạn bè. Một người lính trước đó chưa mấy ai biết đến nay bỗng nhiên có những phát ngôn mạnh mẽ như thế mà chưa có bằng chứng trong tay, anh ấy cũng có những áp lực riêng.

Đào Bích

Tranh chấp bản quyền thơ “Tổ quốc gọi tên mình”: Chưa nên kết luận vội vàng - 2