Tranh cãi thật - giả trong triển lãm “tranh trở về từ Châu Âu”
(Dân trí) - Triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu về” gồm những bức tranh do ông Vũ Xuân Chung sưu tập khai mạc vào 10/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã nhận rất nhiều ý kiến trái chiều về độ thật - giả của các bức tranh.
Triển lãm trưng bày 17 tác phẩm mà ông Vũ Xuân Chung cho biết là đưa về “từ châu Âu về”. Trong đó có hơn 10 bức tranh sơn dầu và sơn mài của “tứ trụ” mỹ thuật Việt Nam: Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái. Tuy nhiên, sau khi đến xem tận nơi những bức hoạ này nhiều người đã cho rằng, 15/17 tranh được triển lãm là tranh giả hoặc tranh kém chất lượng, không đạt chuẩn… Hai bức còn lại là bức sơn dầu “Trừu tượng” của Tạ Ty (sáng tác 1952) và bức sơn mài “Cô gái” của Nguyễn Sáng (sáng tác 1980) độ giả/thật có thể là 50/50.
Hoạ sĩ Nguyễn Xuân Đông, Nguyên Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. HCM cho rằng, hiện nay việc tranh giả và tranh thật ở Việt Nam còn tồn tại rất nhiều vấn đề, kể cả trong bảo tàng lẫn ở các nhà sưu tập. Chỉ những các nhà nghiên cứu, nhà phê bình, hoạ sĩ hoặc người xem mới có thể phát hiện ra. Nếu phát hiện ra được thì cũng cần có tiếng nói để trả lại những giá trị đích thực cho tác phẩm tranh gốc. Việc triển lãm những bức tranh không phải tranh gốc hoặc có sự cẩu thả về thẩm mỹ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến mỹ thuật nước nhà.
“Những bức tranh giả hoặc kém chất lượng mỹ thuật gây ảnh hưởng lớn đế hình ảnh của nền mỹ thuật nói chung và ảnh hưởng đến thị hiếu của người xem nói riêng. Giá trị của tác giả và tác phẩm cũng bị giảm đi rất nhiều. Nó cũng nói lên việc thẩm định tác phẩm hội hoạ còn non kém, không được chỉn chu và kỹ càng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng về mỹ thuật phải rà soát lại tất cả thực hư trong lĩnh vực mình quản lí và lưu trữ chứ thể buông lỏng thế này được. Nó sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hình ảnh của những người làm mỹ thuật nước nhà”, hoạ sĩ Nguyễn Xuân Đông nói.
Hà Tùng Long