Tranh cãi chuyện cha mẹ không dám... đọc truyện cổ tích cho con nghe
(Dân trí) - Truyện cổ tích những tưởng là rất phù hợp dành cho trẻ nhỏ, nhưng đang có những bậc phụ huynh suy nghĩ ngược lại, đặc biệt là những phụ huynh trẻ tuổi.
Một khảo sát vừa được thực hiện đối với 2.000 bậc phụ huynh người Anh ở độ tuổi dưới 30 đã cho thấy một kết quả gây sửng sốt.
Có không ít bậc phụ huynh trẻ tuổi đánh giá rằng những câu chuyện cổ tích vốn rất nổi tiếng lại chứa đựng những yếu tố nội dung, mà họ cho là tàn khốc, không phù hợp với tâm lý trẻ nhỏ. Vì vậy, những bậc phụ huynh trẻ tuổi này quyết định không đọc truyện cổ tích cho các con nghe, dù đó vốn là những câu chuyện mà thiếu nhi thế giới thuộc nằm lòng.
Khảo sát gây bất ngờ này được thực hiện bởi thương hiệu đèn Twinkly. Thương hiệu này đã tung ra một dòng sản phẩm đèn chiếu sáng lấy cảm hứng từ các câu chuyện cổ tích nổi tiếng dành cho thiếu nhi.
Trong quá trình tiến hành khảo sát, thương hiệu này sửng sốt nhận thấy rằng có nhiều bậc phụ huynh hiện đại đánh giá những câu chuyện cổ tích nổi tiếng là lỗi thời, đáng sợ và không còn phù hợp với trẻ nhỏ đương đại. Kết quả khảo sát gây sửng sốt đã thu hút sự quan tâm chú ý của truyền thông - công chúng Anh.
Những con số cụ thể mà khảo sát đưa ra khiến nhiều người phải bất ngờ. Có 25% phụ huynh lựa chọn không đọc cho con nghe những câu chuyện cổ tích mà họ cho là có yếu tố không phù hợp đối với trẻ nhỏ.
Có 46% phụ huynh đánh giá rằng những câu chuyện cổ tích xưa cũ là không còn phù hợp với trẻ nhỏ hiện nay. 77% phụ huynh đánh giá rằng những câu chuyện cổ tích lâu đời có chứa đựng những nội dung phân biệt giới tính, rằng bé trai thì phải thế này, bé gái thì phải thế kia...
Nhìn chung, có tới 90% phụ huynh trẻ tuổi tham gia khảo sát cho rằng chuyện cổ tích có những yếu tố lỗi thời, không còn phù hợp với đời sống và những chuẩn mực văn hóa đương đại.
Chẳng hạn, câu chuyện "Cô bé quàng khăn đỏ" khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy quá dữ dội, đáng sợ. Truyện "Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn", "Người đẹp ngủ trong rừng", "Nàng Lọ Lem" hay "Người đẹp và quái vật" cũng khiến nhiều bậc phụ huynh tham gia khảo sát cảm thấy không hài lòng vì có yếu tố phân biệt giới tính.
Những câu chuyện cổ tích nổi tiếng thế giới đa số đều đã tồn tại cả trăm năm. Đối với nhiều bậc phụ huynh, những câu chuyện này đã trở nên lỗi thời so với đời sống đương đại.
Gần 1/3 số phụ huynh tham gia khảo sát cảm thấy bị sốc khi được biết rằng phiên bản nguyên gốc ban đầu của những câu chuyện cổ tích nổi tiếng thực tế còn dữ dội và đáng sợ hơn nữa.
Gần 1/4 số phụ huynh tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy lo lắng rằng con của họ sẽ bị sợ hãi sau khi nghe những câu chuyện cổ tích có yếu tố "dữ dội".
Dù vậy, khảo sát cũng cho thấy vẫn có tới một nửa số phụ huynh trẻ tuổi cảm thấy ổn thỏa khi đọc cho con nhỏ nghe những câu chuyện cổ tích lâu đời, để từ đó dạy cho trẻ những bài học đầu tiên về cuộc sống, về đạo đức.
1/4 số phụ huynh tham gia khảo sát cũng khẳng định rằng họ vẫn mãi ghi nhớ những ký ức vui vẻ thuở nhỏ, khi được cha mẹ đọc cho nghe những câu chuyện cổ tích, ấn tượng để lại trong ký ức của chính họ không bao giờ là sự sợ hãi, ám ảnh vì một vài tình tiết dữ dội.
Trước kết quả khảo sát gây bất ngờ này, không ít phụ huynh đã lên tiếng bày tỏ ý kiến riêng. Một phụ huynh bình luận: "Những bậc phụ huynh "mong manh" có lẽ chính là lý do lý giải cho việc tại sao một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay khiến chúng ta cảm thấy họ quá mềm yếu, sức chịu đựng kém.
Việc cha mẹ bao bọc con cái quá kỹ càng, chỉ muốn các con nhìn thấy, nghe thấy những điều đẹp đẽ, êm dịu sẽ khiến những đứa trẻ thiếu đi cảm nhận về thực tế cuộc sống trong quá trình trưởng thành, mà thực tế thì luôn có sự khắc nghiệt".
Một phụ huynh khác phân tích: "Những phụ huynh tránh kể truyện cổ tích "dữ dội" cho con nghe, vậy họ có kiểm soát con khi sử dụng điện thoại không? Trên mạng có nhiều nội dung xấu độc, nhiều game bạo lực lắm đấy".
Một người khác lên tiếng: "Tôi thấy bây giờ có nhiều người trưởng thành thích suy diễn. Đối với họ, hầu hết mọi thứ đều có vấn đề và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới họ và con cái họ. Tôi nghĩ những bậc phụ huynh này hoặc là cần đi gặp bác sĩ tâm lý, hoặc là nên tìm cách nào đó để bớt... rảnh rỗi hơn chăng?!".
Thêm một ý kiến nhận được nhiều sự hưởng ứng: "Chúng ta đang sống trong một thời đại mà nhiều người lớn lại có cách suy nghĩ và hành động mong manh như trẻ nhỏ, chính họ khiến cuộc sống của họ và gia đình dễ bị rối loạn, trở nên mệt mỏi và áp lực...
Việc quá cẩn trọng và bao bọc con cái, quá cầu toàn trong từng chi tiết khi nuôi dạy con, muốn con được sống trong thế giới hoàn mỹ theo chuẩn mực của riêng cha mẹ rất có thể lại là "lợi bất cập hại", tạo nên những hiệu ứng tâm lý tiêu cực, khiến cả cha mẹ và con cái cùng thiếu đi sự vững vàng, bền bỉ trước những khó khăn, khắc nghiệt xuất hiện trong cuộc sống thực.
Khi lớn lên, những đứa trẻ sẽ dễ đầu hàng, dễ bỏ cuộc khi đứng trước thử thách, hoặc dễ bị chi phối nặng nề bởi những khó khăn, thử thách gặp phải trong cuộc sống".