Bí mật đen tối đằng sau những câu chuyện cổ tích nổi tiếng
(Dân trí) - Chuyện cổ tích thường là những câu chuyện trong sáng dành cho thiếu nhi, để gieo vào các em những quan niệm đạo đức đầu tiên. Tuy vậy, ở thuở sơ khai, những câu chuyện cổ tích nổi tiếng nhất đã có những chi tiết khiến người lớn đọc được cũng phải “rùng mình”.
Những câu chuyện cổ tích thời xa xưa thường đưa mọi thứ lên tới cực điểm một cách quyết liệt: cái ác lên tới cực điểm và sự trừng phạt cũng lên tới cực điểm. Điều này có thể bắt gặp trong cả truyện cổ tích phương Đông và phương Tây.
Trải qua quá trình tồn tại hàng trăm năm, dần dần, những chi tiết này đã được thay thế hoặc giảm nhẹ để phù hợp với tiêu chí giáo dục trẻ em. Hãy cùng lật lại những chi tiết rùng rợn từng một thời tồn tại trong những câu chuyện cổ tích nổi tiếng hàng đầu thế giới, để thấy rằng cổ tích xa xưa của phương Tây cũng có những chi tiết đáng sợ như thế nào…
Trong những phiên bản đầu tiên của truyện cổ tích “Cô bé quàng khăn đỏ” tồn tại ở nhiều nước Châu Âu từ khoảng thế kỷ 10, con sói đã giết hại bà của cô bé quàng khăn đỏ rồi cải trang thành bà cụ để đánh lừa cô bé, khiến cô bé vô tình ăn thịt bà mình trong bữa tối mà không hề hay biết.
Đến giờ đi ngủ, con sói bảo cô bé thay đồ ra rồi hẵng lên giường ngủ. Nó liền vứt đồ của cô bé vào lò sưởi để đốt cháy hòng xóa mọi dấu vết tội ác. Đến đây thì có nhiều phiên bản khác nhau bắt đầu tồn tại. Phiên bản bi kịch nhất là con sói ăn thịt cô bé và… hết chuyện.
Cũng có phiên bản kể rằng cô bé nhận ra con sói đang cải trang thành bà nên đã tự bày kế trốn thoát, ngoài ra, còn có những phiên bản cho xuất hiện một nhân vật thứ 3 cứu giúp cô bé quàng khăn đỏ, như bác thợ săn hay cô thợ giặt.
Phiên bản đầu tiên của truyện cổ tích “Người đẹp ngủ trong rừng” được viết lại bởi nhà sưu tầm truyện cổ tích người Ý - Giambattista Basile (1566-1632). Khi đó, tác phẩm có tên “Mặt trời, Mặt Trăng và Talia”. Trong phiên bản này, một ông vua khi đi dạo chơi đã tình cờ tìm thấy Talia - người đẹp ngủ trong rừng - nhưng không thể nào đánh thức nàng dậy.
Bị quyến rũ bởi nhan sắc của người đẹp, ông vua đã “yêu” nàng rồi sau đó bỏ đi. Một thời gian sau, Talia sinh ra một cặp sinh đôi, hai đứa trẻ không ngừng mút ngón tay nàng và khiến chất độc của mũi quay độc bị hút ra, nhờ đó, nàng tỉnh dậy. Một ngày kia, ông vua nọ quay trở lại tìm nàng và họ yêu nhau say đắm.
Hoàng hậu - vợ của nhà vua - biết chuyện, mụ đã lừa Talia, định đem nấu hai con của nàng thành bữa ăn cho nhà vua, nhưng bác đầu bếp nhân hậu đã nghĩ cách cứu sống hai đứa bé. Đến lượt Talia lại bị hoàng hậu bày kế thiêu sống. Nhà vua kịp thời đến cứu nàng và trừng phạt hoàng hậu đích đáng. Nhà vua liền cưới Talia và từ đó gia đình họ sum họp hạnh phúc.
Phiên bản cổ xưa nhất của “Người đẹp và quái vật” do nữ nhà văn người Pháp Gabrielle-Suzanne Barbot de Villeneuve (1695-1755) ghi chép lại. Câu chuyện của Villeneuve khi đó dài tới hơn 100 trang, chứa đựng rất nhiều những câu chuyện nhỏ trong tổng thể câu chuyện lớn.
Trong truyện của Villeneuve, quái vật vốn là một chàng hoàng tử mồ côi cha từ khi còn nhỏ, mẹ chàng lên ngôi và phải chèo chống để bảo vệ vương quốc mà chồng bà để lại, hàng năm trời bà phải có mặt ngoài chiến trận để giữ yên bờ cõi.
Hoàng hậu để con lại cho một bà tiên chăm sóc mà không hề hay biết “bà tiên” này thực tế là một mụ phù thủy độc ác. Khi chàng hoàng tử lớn lên và trở thành một thanh niên, mụ phù thủy đã cố quyến rũ chàng, nhưng bị hoàng tử cự tuyệt, mụ ta liền biến chàng thành quái vật.
Có tới gần 350 phiên bản khác nhau kể về “Cô bé lọ lem”, tuy vậy, chỉ có một số phiên bản chứa đựng những tình tiết nhân văn và có hậu theo kiểu phim hoạt hình Disney. Trong đó, câu chuyện được kể lại bởi anh em nhà Grimm - “Aschenputtel” (bản tiếng Đức) - không hề có những chú chuột vui nhộn hay bà tiên tốt bụng.
Thế lực siêu nhiên giúp đỡ cô bé lọ lem trong truyện là cái cây mọc trên ngôi mộ của mẹ lọ lem. Lọ lem đã nuôi lớn nhánh cây trồng trên mộ mẹ bằng nước mắt đau khổ của mình, khi cây lớn, một chú chim tới sống trên cây và làm bạn với lọ lem. Chính cái cây và chú chim sẽ làm nên những phép màu giúp lọ lem đi dự tiệc.
Trong truyện, tiệc của hoàng tử được tổ chức trong 3 ngày, lọ lem xuất hiện rực rỡ nhất trong ngày thứ 3 với đôi giày bằng vàng. Hoàng tử dùng chiếc giày vàng rớt lại của lọ lem để thử chân các cô gái, ai đi vừa sẽ được hoàng tử lấy làm vợ. Khi sứ giả đến nhà lọ lem, hai cô con gái riêng của bà mẹ kế đã bày cách, một cô cắt ngón chân, một cô cắt gót chân để đi vừa chiếc giày.
Nhưng máu rớt ra đã khiến hoàng tử khiếp sợ trước dã tâm của hai cô gái. Cuối cùng, chàng đã tìm ra chủ nhân đích thực của chiếc giày. Trong ngày cưới của lọ lem và hoàng tử, hai cô chị xấu xa xin làm phù dâu, ngay lập tức, có hai con chim bay đến… mổ vào mặt hai phù dâu khiến hai người bị mù.
Chúng ta vốn rất quen thuộc với câu chuyện trong phim hoạt hình Disney kể về nàng tiên cá Ariel và chàng hoàng tử Eric. Trải qua nhiều khó khăn, thử thách, họ đã dành cho nhau tình yêu đích thực và sống bên nhau hạnh phúc mãi mãi.
Tuy vậy, trong câu chuyện của nhà văn người Đan Mạch Hans Christian Andersen, câu chuyện cay đắng nói về sự khác biệt đẳng cấp và những khát khao vô vọng đã không có được kết thúc đẹp như vậy.
Nàng Ariel đã đánh đổi tất cả với hy vọng có được tình yêu của hoàng tử, nhưng rồi hoàng tử buộc phải cưới một nàng công chúa của nước láng giềng, từ bị bắt ép, hoàng tử dần chuyển sang tự nguyện, khi bất ngờ chàng yêu say đắm vị hôn thê được hứa gả cho mình.
Số phận nàng Ariel đã được định đoạt, nàng sẽ phải chết ngay sau hôn lễ của hoàng tử bởi cô dâu không phải là nàng. Cách duy nhất để Ariel không phải chết là… nàng phải đâm chết hoàng tử, như vậy, Ariel sẽ lại được làm tiên cá và trở về sống dưới đại dương. Nhưng cuối cùng, nàng đã không thể làm hại người mình yêu và quyết định hy sinh chính mình.
Anh em nhà Grimm đã sưu tầm câu chuyện cổ tích này từ dân gian và viết lại lần đầu tiên hồi năm 1812. Họ đã nhiều lần sửa lại câu chuyện cho tới tận năm 1854 mới cho ra phiên bản cuối. Trong phiên bản đầu tiên của “Nàng Bạch Tuyết”, nhân vật phản diện trong truyện chính là… người mẹ chất chứa lòng ghen tị của Bạch Tuyết.
Trong bản thảo không chính thức của anh em nhà Grimm, mẹ của Bạch Tuyết đã đưa nàng vào rừng hái hoa rồi bỏ lại Bạch Tuyết trong rừng, tuy vậy, tình tiết này đã được thay đổi, khi ra mắt phiên bản chính thức đầu tiên, anh em nhà Grimm đã để một người hầu làm việc này.
Về sau, nội dung câu chuyện còn được thay đổi nhiều nữa, nhân vật người mẹ ghen tị với sắc đẹp của con gái đã được thay thế bằng bà mẹ kế phù thủy độc ác để câu chuyện phù hợp với quan niệm đạo đức.
Có rất nhiều phiên bản truyện cổ tích “Hoàng tử ếch” nhưng không phải trong phiên bản nào chú ếch cũng trở thành chàng hoàng tử đẹp trai sau khi được nàng công chúa hôn. Trong phiên bản ban đầu do anh em nhà Grimm thực hiện, một nàng công chúa đang chơi trong rừng thì để mất quả bóng vàng của mình.
Trong lúc tức giận vì mất quả bóng, một chú ếch đã nhảy ra, hứa tìm lại quả bóng cho nàng với điệu kiện nó sẽ được ngủ chung giường với nàng. Nàng công chúa đồng ý, nhưng không hề có ý định thực hiện lời hứa của mình. Cuối cùng, sau khi “phát điên” vì sự quấy nhiễu dai dẳng của chú ếch, nàng đã tức giận ném mạnh chú ếch vào tường và… lời nguyền được hóa giải.
Bích Ngọc
Tổng hợp