Liệu “Nàng công chúa ngủ trong rừng” có bị… cấm?

(Dân trí) - Mới đây, một bậc phụ huynh đã viết đơn yêu cầu trường tiểu học nơi con trai cô đang theo học ngưng giới thiệu câu chuyện cổ tích “Nàng công chúa ngủ trong rừng” tới các học sinh. Sự việc tuy nhỏ nhưng khiến báo chí rất quan tâm.

Liệu “Nàng công chúa ngủ trong rừng” có bị… cấm? - 1

Mới đây, nhiều tờ tin tức của Anh đã đồng loạt đăng tải ý kiến của một bậc phụ huynh viết đơn yêu cầu trường tiểu học nơi con trai cô đang theo học ngưng giới thiệu câu chuyện cổ tích “Nàng công chúa ngủ trong rừng” tới các học sinh. Câu chuyện tuy nhỏ nhưng khiến báo chí và công chúng Anh rất quan tâm.

Khi cậu con trai 6 tuổi của người phụ nữ có tên Sarah Hall, sinh sống ở đô thị North Shields (Anh), bắt đầu đi học tiểu học, trong giáo trình của cậu bé có giới thiệu câu chuyện cổ tích “Nàng công chúa ngủ trong rừng”.

Chị Sarah Hall cho rằng nàng công chúa không hề đồng ý cho chàng hoàng tử xa lạ được phép hôn mình và đối chiếu vào đời sống xã hội hiện nay, hành động của chàng hoàng tử là rất “có vấn đề”, có thể khiến chàng gặp rắc rối với… cảnh sát.

Chị Sarah sợ rằng cậu con trai 6 tuổi của mình sẽ không hiểu được thế nào là thế giới thực tại và thế giới cổ tích, rằng cậu bé sẽ tiếp nhận thông điệp từ câu chuyện cổ tích với ý nghĩ - hành động gần gũi với người khác giới mà mình cảm mến (dù chưa quen biết và chưa được chấp nhận) là hoàn toàn chấp nhận được.

Đối với vị phụ huynh “lo xa” này, câu chuyện cổ tích nổi tiếng thế giới “Nàng công chúa ngủ trong rừng” đã đưa lại cho trẻ nhỏ một thông điệp không phù hợp với thời đại hôm nay:

“Tôi cho rằng có vấn đề trong câu chuyện ‘Nàng công chúa ngủ trong rừng’, nó nằm ở hành động thân mật của hoàng tử trong khi công chúa chưa hề đồng ý. Liệu câu chuyện này có còn phù hợp với đời sống văn hóa của thời đại hôm nay?”.

Liệu “Nàng công chúa ngủ trong rừng” có bị… cấm? - 2

Chị Sarah lo lắng về thông điệp mà những đứa trẻ tiếp nhận khi cảnh hoàng tử đánh thức nàng công chúa tỉnh dậy bằng một nụ hôn luôn khiến những đứa trẻ cảm thấy rất thích thú và ấn tượng mạnh. Người mẹ nhiều lo lắng này sau đó đã liên hệ với nhà trường về vấn đề trên:

“Trong xã hội hôm nay, hành động của chàng hoàng tử là không còn phù hợp nữa. Con trai tôi mới chỉ 6 tuổi và cháu ‘thẩm thấu’ mọi điều xung quanh mình. Tôi không nghĩ cần phải loại bỏ câu chuyện cổ tích này hoàn toàn ra khỏi các sách truyện thiếu nhi.

“Nhưng tôi nghĩ nó sẽ phù hợp hơn cho lứa tuổi thiếu niên, khi bạn có thể có những cuộc trò chuyện thực sự mang tính xây dựng xoay quanh vấn đề này với bọn trẻ. Nhưng tôi rất lo lắng khi kể cả trẻ rất nhỏ cũng có thể tiếp xúc với câu chuyện này”, chị Sarah chia sẻ.

Chị Sarah cũng đề cập tới loạt vụ bê bối quấy rối tình dục xảy ra tại Hollywood và một số nền công nghiệp giải trí khác đang đồng loạt bị phanh phui thời gian gần đây. Những sự việc như vậy khiến chị nghĩ về những thông điệp mà con mình tiếp nhận mỗi ngày với thái độ cẩn trọng hơn.

“Tất cả những điều nhỏ nhặt đều có ý nghĩa và giúp tạo nên sự khác biệt”, chị Sarah khẳng định. Vị phụ huynh này cho rằng có thể còn có những vấn đề tương tự tồn tại trong những câu chuyện cổ tích khác nữa.

Vị phụ huynh người Anh lo ngại rằng nụ hôn trong “Người đẹp ngủ trong rừng” đưa ra thông điệp không tích cực, khiến trẻ nhỏ tưởng rằng trong thực tế, nụ hôn này cũng hoàn toàn chấp nhận được giữa hai người chưa hề quen biết và đặc biệt, khi người nữ chưa cho phép.
Vị phụ huynh người Anh lo ngại rằng nụ hôn trong “Người đẹp ngủ trong rừng” đưa ra thông điệp không tích cực, khiến trẻ nhỏ tưởng rằng trong thực tế, nụ hôn này cũng hoàn toàn chấp nhận được giữa hai người chưa hề quen biết và đặc biệt, khi người nữ chưa cho phép.

Câu chuyện của phụ huynh Sarah Hall đã trở thành đề tài tranh luận từ trên mặt báo cho tới trên mạng xã hội Anh. Có rất nhiều phụ huynh khác lên tiếng chỉ trích chị Sarah Hall, cho rằng vị phụ huynh này đã “trầm trọng hóa” vấn đề và đưa cái nhìn “tiêu cực” vào một câu chuyện cổ tích đẹp đẽ nổi tiếng thế giới.

Rất nhiều phụ huynh đã bênh vực cho vẻ đẹp của câu chuyện cổ tích nổi tiếng và khuyên chị Sarah không nên lo lắng thái quá như vậy, một phụ huynh bình luận: “Ngay cả khi còn là một đứa trẻ, câu chuyện này có từng khiến bạn chạy đi khắp nơi và hôn bất cứ ai bạn gặp không? Không đứa trẻ nào làm vậy cả đâu. Và thực sự câu chuyện cổ tích này không có vấn đề gì hết”.

Sửng sốt với phiên bản “Người đẹp ngủ trong rừng” hồi thế kỷ 16:

Liệu “Nàng công chúa ngủ trong rừng” có bị… cấm? - 4

Phiên bản đầu tiên của truyện cổ tích “Người đẹp ngủ trong rừng” được viết lại bởi nhà sưu tầm truyện cổ tích người Ý - Giambattista Basile (1566-1632). Khi đó, tác phẩm có tên “Mặt trời, Mặt Trăng và Talia”. Trong phiên bản này, một ông vua khi đi dạo chơi đã tình cờ tìm thấy Talia - người đẹp ngủ trong rừng - nhưng không thể nào đánh thức nàng dậy.

Bị quyến rũ bởi nhan sắc của người đẹp, ông vua đã “yêu” nàng rồi sau đó bỏ đi. Một thời gian sau, Talia sinh ra một cặp sinh đôi, hai đứa trẻ không ngừng mút ngón tay nàng và khiến chất độc của mũi quay độc bị hút ra, nhờ đó, nàng tỉnh dậy. Một ngày kia, ông vua nọ quay trở lại tìm nàng và họ yêu nhau say đắm.

Hoàng hậu - vợ của nhà vua - biết chuyện, mụ đã lừa Talia, định đem nấu hai con của nàng thành bữa ăn cho nhà vua, nhưng bác đầu bếp nhân hậu đã nghĩ cách cứu sống hai đứa bé. Đến lượt Talia lại bị hoàng hậu bày kế thiêu sống. Nhà vua kịp thời đến cứu nàng và trừng phạt hoàng hậu đích đáng. Nhà vua cưới Talia và từ đó gia đình họ sum họp hạnh phúc.

>> Bí mật đen tối đằng sau những câu chuyện cổ tích nổi tiếng
>> Đằng sau truyện cổ Grimm là những khoảng tối bạo lực?
>> Mảng tối mang tên “quấy rối”: Chuyện thường ngày trong giới làm phim?

Bích Ngọc
Theo Telegraph/Evening Standard

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm