Tình yêu trọn đời của họa sĩ Vũ Giáng Hương
PGS, họa sĩ Vũ Giáng Hương, người phụ nữ Hà Nội đôn hậu ấy vừa lặng lẽ ra đi sau khi đã giành mọi tâm huyết, sức lực và khả năng của mình để hoàn thành nốt tâm nguyện của người chồng thân yêu - GS.BS Lê Cao Đài.
Chúng tôi xin được kể lại mối tình trọn vẹn, tưởng như chỉ có trong tiểu thuyết của hai ông bà, như một cách tưởng niệm nữ họa sĩ tài hoa người Hà Nội.
Mối tình cô sinh viên Mỹ thuật
Trong căn phòng khách nhỏ của bà tại một ngõ nhỏ sâu hun hút của Hà Nội, chúng tôi ngồi lặng im lắng nghe chia sẻ của bà về những ngày tháng cuối cùng của GS. Bác sĩ Lê Cao Đài:
"Khi biết mình mắc bệnh nan y, quỹ thời gian còn ít, ông ấy làm việc nhiều hơn. Chỉ có lúc nào đau quá ông ấy mới chịu rời khỏi chiếc máy tính. Ông ấy ao ước những trang bản thảo về kinh nghiệm xử lý vết thương chiến tranh, những vấn đề về chất độc da cam được công bố cho mọi người tham khảo. Ông cũng mong ước những đề xuất của mình và đồng nghiệp về việc xử lý hậu quả chất độc da cam ở những vùng đất nhiễm độc sớm được thực hiện, mong muốn có những chính sách cụ thể và thiết thực hơn cho những nạn nhận chiến tranh này….
Nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương. Ảnh Nguyễn Đình Toán chụp tháng 9/1996
Rồi ông ấy ra đi, không kịp hoàn thành tâm nguyện nào cả, ngoài việc xuất bản một cuốn hồi ký về cái bệnh viện dã chiến 211 ở chiến trường Tây Nguyên - nơi ông ấy phụ trách cả chục năm trời trong chiến tranh…"
Họa sĩ Vũ Giáng Hương sinh ra trong một gia đình trí thức gốc Hà Nội. Cha bà là nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng Vũ Ngọc Phan. Bà quen bác sĩ Lê Cao Đài khi ông là Trưởng ban Quân y Trung đoàn 88 Đại đoàn 308, còn bà là sinh viên trường Mỹ thuật.
Bà kể: “Chúng tôi thực ra là hiểu nhau và thấy hợp với nhau ở chỗ là đều thích văn chương, văn học và nghệ thuật. Hồi đó tôi cũng như tất cả những cô con gái khác là rất thích bộ đội. Nhưng tôi thì thích những người bộ đội có văn hóa, có học thức. Tôi yêu ông ấy là vì thế. Từ lúc tìm hiểu, cưới nhau cho đến khi hòa bình lập lại, tức là từ năm 1953 đến mãi 1973, phần lớn thời gian chúng tôi xa nhau. Ông ấy ở trong quân đội, tôi đi học, rồi ông ấy đi chiến trường. Sau này cũng vậy, lúc thì tôi đi công tác, lúc thì ông ấy đi. Lần xa nhau lâu nhất là 8 năm ông ấy ở Tây Nguyên. Có lẽ vì ít thời gian bên nhau nên tình cảm của chúng tôi chưa bao giờ thấy phai nhạt”.
Và có lẽ vì thế nên khi ông qua đời, bà đã giành gần hết phần thời gian còn lại để hoàn thành những ước nguyện dở dang của ông?
Vượt qua định mệnh
“Ông ấy qua đời. Dù biết trước điều đó sẽ xảy ra nhưng tôi vẫn không sao tin được là căn nhà này sẽ vắng hẳn bóng ông. Phải mất một thời gian dài tôi không dám động đến những tài liệu ông ấy để lại. Đau xót quá! Với tôi, đó là mất mát thật lớn, không gì bù đắp được.
Nhưng rồi tôi nhớ khi tiễn ông ấy rời cõi tạm, tôi đã thầm hứa với lòng mình và với ông ấy là sẽ làm nốt những gì ông ấy chưa kịp làm” - bà Vũ Giáng Hương hồi tưởng.
Việc đầu tiên bà làm là soạn toàn bộ tư liệu do ông để lại. Bà đọc kỹ lại từng trang nhật ký, từng bức thư ông gửi từ chiến trường, đọc lại cuốn hồi ký “Tây Nguyên ngày ấy” ông đã xuất bản. Bà phát hiện ra, có nhiều đoạn bị kiểm duyệt không cho đăng. Đó là những đoạn nói về cái khổ, đói rét, đảo ngũ, tự sát…. hay ăn cắp nhiều, trông thấy sắn, ngô trên nương, đói quá là bẻ trộm, đào trộm, có anh ngủ dậy thì mất bao gạo để dưới chân…Hay nhiều bệnh binh nhập viện nói, bọn em chỉ cần ăn thôi, không cần chữa gì cả.
Cuộc chia ly ngày ấy. Tranh Vũ Giáng Hương
“Những chuyện này mà nói ra vào thời điểm đó (đầu những năm 80) thì không được. Nhưng giờ thì tôi thấy có thể thêm vào” - bã đã nghĩ vậy.
Thế là cuốn “Tây Nguyên ngày ấy” được bà bổ sung và tái bản năm 2008. Cuốn sách cũng được dịch và xuất bản với ba thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật. Bạn bè thế giới hiểu hơn về cuộc chiến ở Việt Nam, còn thế hệ đi sau cũng hiểu hơn về cuộc sống tại chiến trường, nhất là của các bác sĩ thời chiến.
Cùng với việc tái bản cuốn hồi ký, bà cũng biên tập và xuất bản cuốn "Lê Cao Đài người thầy thuốc - chiến sỹ" từ tư liệu là những bức thư, các bài viết của đồng đội, đồng nghiệp của ông.
Rồi bà một mình tập hợp tư liệu, biên tập, bổ sung và lần lượt xuất bản hai cuốn sách hoàn toàn không phải chuyên môn của bà: "Lê Cao Đài - Ngoại khoa thời chiến" năm 2008, và "Chất da cam trong chiến tranh Việt Nam - Tình hình và hậu quả" năm 2009.
Bà giải thích: “Trước khi ông ấy qua đời ông ấy vẫn luôn mong mỏi thành lập được Hội nạn nhân da cam và Mỹ phải bồi thường về những di chứng của chất độc da cam lên hàng triệu người Việt Nam. Tôi biết, quan hệ của mình với Mỹ có nhiều đoạn rất khó nên chưa đạt được điều ấy. Khi ông mất đi cũng chưa nghiên cứu được nhiều chất độc da cam nhưng có để lại nhiều ghi chép. Vì thế, khi phía Mỹ đòi chứng cứ thì chúng tôi cố ra quyển chất độc màu da cam.
Tôi không ở chuyên ngành ấy nhưng mà tôi tìm tài liệu, hỏi bạn bè nên cuối cùng cũng làm được. Còn quyển về Ngoại khoa trong thời chiến tôi chỉ tập hợp tất cả những vấn đề ngoại khoa ông ấy đã làm trong chiến trường Tây Nguyên thôi. Biên tập rồi nhờ đồng nghiệp của ông ấy xem lại giúp".
Thế là bốn cuốn sách trong đó có hai công trình khoa học của GS Lê Cao Đài đã được xuất bản nhờ tình yêu của bà.
Tôi muốn gửi tình yêu cho ông ấy
Có lẽ trong bà, ngọn lửa tình yêu vẫn còn thôi thúc. Vậy nên giữa năm 2011, cuốn sách "Tình yêu và nghệ thuật" đã được xuất bản dựa trên hàng trăm bức thư của hai ông bà gửi cho nhau trong suốt những năm tháng xa cách, từ 1953 đến tận những năm 80 của thế kỷ 20. Cuốn sách do tự tay bà đánh máy lại từng bức thư, biên tập từng câu chữ.
“Tôi muốn gửi vào đó tất cả tình cảm của mình cho ông ấy”- bà nói trong ánh mắt xa xăm ngấn nước.
Bà dừng câu chuyện ở đó. Nhưng còn một chuyện nữa bà đã làm cho ông mà bà không kể: đó là hàng chục năm trời bà đã đi khắp nơi, thu thập những kết quả ông làm được để đề nghị truy tặng ông danh hiệu Anh hùng. Cả một tập hồ sơ dày cộp bà để trong tủ mà chúng tôi xem được mới thấy lòng kiên nhẫn cộng với tình yêu của người phụ nữ này lớn tới ngần nào. Ấy vậy mà khi cố gắng ấy đơm hoa kết trái thì bà lại hờ hững.
Nghe tôi hỏi bà chỉ nói: “Danh hiệu chỉ là phù du. Đồng nghiệp của ông ấy ai cũng nói ông ấy xứng đáng và lẽ ra phải được tặng danh hiệu này từ khi ông ấy còn chứ không phải truy tặng khi ông ấy đã mất từ lâu. Tôi khi đó cũng nghe theo vì thương ông ấy quá. Nhưng…”.
Nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương qua đời tại Hà Nội ngày 20/8/2011. Lễ viếng nữ hoạ sĩ Vũ Giáng Hương diễn ra tại nhà tang lễ bộ Quốc phòng, Hà Nội từ 7h30 - 9h ngày 25/8. Họa sĩ Vũ Giáng Hương là con gái đầu trong tám người con của nhà văn Vũ Ngọc Phan và nữ sĩ Hằng Phương. Bà thuộc thế hệ học trò khoá đầu tiên của trường Mỹ thuật sau kháng chiến chống Pháp (1955). Dù nổi danh với dòng tranh lụa, nhưng những tác phẩm đồ hoạ, in khắc gỗ của bà như Chùa Thầy, Cầu Hàm Rồng, Bến phà đêm, Đôi chim bồ câu… được các nhà phê bình nghệ thuật đánh giá cao. Bà vừa cho ra mắt cuốn sách Tình yêu và nghệ thuật trong đó phần nhiều dành viết về gia đình và những nghệ sĩ cùng thời. Nữ họa sĩ Vũ Giang Hương từng là là Phó hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. |