Họa sĩ Vũ Giáng Hương, một người Hà Nội vừa ra đi

Một công dân của Hà Nội thanh lịch vừa ra đi. Như người em ruột đã hy sinh của bà, ra đi nhưng sống mãi, trong cuốn sách nhan đề “Ra đi từ Hà Nội”.

Đêm 19 rạng ngày 20/8 vừa qua mưa bão, thậm chí giông tố, sấm sét. Trong những tiếng sét ấy có cả chuông điện thoại của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản, báo tin cho mẹ tôi rằng một người bạn của họ, hoạ sĩ, và nhà hoạt động nghệ thuật Vũ Giáng Hương vừa ra đi.
 

Sinh ra trong một gia đình nổi tiếng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học, cuộc đời Vũ Giáng Hương có lẽ sẽ làm ngần ngại bất kỳ cây bút chân chính nào muốn khắc hoạ bà.

 
Họa sĩ Vũ Giáng Hương, một người Hà Nội vừa ra đi  - 1
Nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương. Ảnh Nguyễn Đình Toán chụp tháng 9/1996

 

Các tác phẩm của bà là một phần của tuổi thơ của chúng tôi, tạo nên một phần tâm hồn, thậm chí nhân cách, của những 5X, 6X chúng tôi. Việc đánh giá công lao của bà đối với đất nước ở tầm quốc gia, và cả quốc tế (bà có tranh trong Tập sách Percea Books và ở Bảo tàng Anh quốc, London) là việc của cơ quan nhà nước. Vì bà còn là người lãnh đạo chủ chốt của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật một thời gian dài.

 

Chỉ là một phó thường dân, tôi không cảm nhận được Vũ Giáng Hương như một người phụ nữ thành đạt, như nhiều bài báo gần đây vẫn viết. Tôi chỉ nhớ bà như một người bạn hiền hậu của mẹ mình. Khi nhìn bà, lớp  “em lớn lên, trong kháng chiến” như tôi, lại hiện lên những ký ức khác, có phần đau đớn: con gái của ông bà mất do tai nạn khi ông còn ở trong chiến trường, còn em ruột bà một nhà bác học mặc áo lính thì hy sinh, sau chiến tranh.

 

Tôi đã ứa nước mắt khi đọc những lời bà kể về tuần trăng mật kháng chiến của hai ông bà với một tờ báo: “Anh (BS Lê Cao Đài) thì thầm với tôi: “Nếu chúng mình có con trai sẽ đặt tên là thằng Quán, em nhé…". Tôi cảm thấy một niềm vui đến với mình, cũng không ngờ đâu cuộc đời còn nhiều chuyện không may đến với chúng tôi sau này”.

 

Lại vẫn một số phận vinh quang và cay đắng…

 

Lớp chúng tôi có bị, chút ít thôi, gò vào những tranh luận “nghệ thuật vị nhân sinh”, hay nghệ thuật vị nghệ thuật. Nhưng lớp chúng tôi vẫn tin vào những gì trữ tình. Lớp cha mẹ, anh chị của U60 chúng tôi thường lãng mạn, tài hoa, có tâm huyết. Họ không đơn giản “chân trần - chí thép”, họ càng không duy ý chí như nhiều học giả phương tây nghĩ. Họ có niềm tin sắt đá cùng một trái tim “biết yêu thương”. Chữ “thương” của tiếng Việt hiện vẫn thách đố cho những ai muốn dịch nó sang tiếng Nga hay Anh.

 

Về trách nhiệm “nghệ thuật vị nhân sinh”, có thể dẫn câu Lady Borton, từng là một người bạn vong niên của gia đình, viết về một tác phẩm của hai ông bà (sinh thời, bà Giáng Hương từng không ít lần thâm nhập vào lĩnh vực của chồng mình): “có tính đột phá, được xuất bản theo một phong cách văn hoá nhấn mạnh vai trò của cộng đồng hơn so với vai trò của cá nhân”. Lady cũng không quên nhận định cả về phong cách “nghệ thuật vị nghệ thuật” của Thế hệ của Lời thề độc lập: “đẹp như những hình thêu thời chiến, trữ tình nhưng không hề bi lụy”.

 

Một công dân của Hà Nội thanh lịch vừa ra đi. Như người em ruột đã hy sinh của bà, ra đi nhưng sống mãi, trong cuốn sách nhan đề “Ra đi từ Hà Nội”.
 

Nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương qua đời tại Hà Nội ngày 20/8/2011. Bà là con gái của nhà văn Vũ Ngọc Phan và nữ sĩ Hằng Phương. Họa sĩ Vũ Giáng Hương từng là là phó hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

 

Theo Lê Đỗ Huy

Bee