Trong vai một khách hàng, phóng viên Dân trí đến bất kỳ một cửa hàng băng đĩa nào trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Q1 – TP HCM để hỏi về "Bụi đời chợ Lớn" đều bị lắc đầu, câu trả lời chung là “Ở đây không bán”. Không chỉ "Bụi đời chợ Lớn", một số phim khác không được lưu hành tại Việt Nam dù đã rất cũ như: The Hunger Game cũng “không có” dù mới cách đây vài ngày còn được bày bán công khai.
Tuy vậy, ở cửa hàng gần cuối đường Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Huệ, một thanh niên trẻ vẫn cầm đĩa "Bụi đời chợ Lớn" đi ra khỏi cửa hàng, bà chủ khẳng định đó là “đứa cháu, cho mượn coi chứ chị không bán phim đó”.
"Bụi đời chợ Lớn" đã không còn được bán công khai như trước (ảnh: Minh Nga). Đĩa lậu đi vào hoạt động bí mật với nhiều trò tinh vi hơn.
Bám theo “đứa cháu” để dò hỏi “Làm sao mua được đĩa?”, cậu này cười lớn cho biết, vì là khách quen nên bà chủ mới bán cho chứ người lạ “thì quên đi”. Nằn nì mãi, cậu mới bày cách cho, đi lên một cửa hàng khá nhỏ, lại hơi khuất góc gần chợ vòng xoay chợ Bến Thành để mua vì “anh chủ “chiến” lắm, không sợ gì hết. Tuy nhiên, người chủ rất “chiến” này cũng từ chối không bán nhưng lại nói: “Mang USB qua đây, anh chép cho, chứ bán đĩa không có đâu, 8000/lượt chép.”
Khi đã trở nên “quen”, M (chủ cửa hàng) mới cho biết, mấy ngày gần đây cũng bị kiểm tra khá nhiều nên mọi người không bán nữa. Hơn nữa nhu cầu cũng giảm đi nhiều, “Mấy ngày đầu bán được hơn 30 đĩa/ ngày, giờ ít hơn. Nhưng nếu mang USB tới thì khác, chép nhanh gọn, nó nằm sẵn trong máy tính cá nhân, lại không phải để sẵn đĩa ở nhà nên không ai kiểm tra thấy được.”
Trên mạng vẫn tràn lan những phim bị cấm hoặc phim lậu
Phía góc bùng binh Hùng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Thái Tổ... xưa nay nổi tiếng vì chuyên bán đĩa sex thì nay có thêm việc bán đĩa... "Bụi đời chợ Lớn". Chiều 11/7 khi phóng viên "lượn" qua đây, vẫn có một vài người đứng sau gốc cây xà cừ lớn, chào bán cả phim sex lẫn "Bụi đời chợ Lớn". Do đặc thù ở đây chỉ có những cá nhân riêng lẻ, không có cửa hàng, không cầm theo đĩa, chỉ níu kéo người đi đường chào bán nên cơ quan chức năng rất khó kiểm tra. Vậy nên, cả cả "Bụi đời chợ Lớn" lẫn “phim người lớn” vẫn được bày bán công khai.
Giá một đĩa "Bụi đời chợ Lớn" được đẩy lên 12 – 15 ngàn/đĩa, thậm chí có nơi bán 20 ngàn/ đĩa (cao gấp đôi đĩa phim bình thường) vì lý do "hàng hiếm".
Trở lại câu chuyện với cậu “cháu” của bà chủ cửa hàng trên đường Huỳnh Thúc Kháng, cậu sinh viên năm 3 cho biết mình mua để cho bạn gái xem chứ sinh viên như cậu không mua đĩa "Bụi đời chợ Lớn". Lý do là trên các trang mạng “có đầy, xem miễn phí. Chỉ có mấy thằng ngu (nói xong biết hớ cậu xin lỗi rồi cười trừ) mới mua đĩa ở cửa hàng thôi. Anh cứ lên trang (...) thiếu gì? Hơi đâu mà mất tiền mua trong thời buổi này?”
Quả vậy, với "giới xem phim thành thạo", dù bộ đã có lệnh cấm nhưng họ vẫn xem phim như thường tại các trang xem phim trực tuyến. Chỉ cần một khẩu lệnh đơn giản gõ lên trang tìm kiếm, hàng loạt kết quả đã được hiện ra. Và chỉ với một cái click chuột, các lệnh cấm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đều vô hiệu.
Tất cả giới xem phim và cả giới làm phim đều hiểu rằng, ngay khi bộ phim bị tung lên mạng, nghĩa là- mọi lệnh cấm đã vô nghĩa, mọi lệnh thu hồi đều đã trở nên "vô phương cứu chữa"!
Phan Anh