Thật giả lẫn lộn trên truyền hình thực tế đang khiến lòng tin bị tổn thương?

(Dân trí) - Những nhân vật và chuyện đời được nhà sản xuất truyền hình thực tế “dựng” nên để “câu kéo” lòng thương của khán giả đã và đang làm cho lòng tin của khán giả bị tổn thương. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia văn hoá và giới đạo diễn truyền hình.

Sự thật phía sau những giọt nước mắt

Mới đây, chương trình “Tuyệt đỉnh song ca 2017” gây xôn xao dư luận khi giới thiệu hai thí sinh Lê Thanh Hoàn Nguyên (1990) và Lê Thanh Nhất Nguyên (1991) là sư đang trụ trì ở một ngôi chùa của tỉnh Long An. Thậm chí, thông cáo báo chí mà nhà sản xuất gửi đến cơ quan truyền thông còn nhấn mạnh đây là hai “nhà sư triệu view”. Tuy nhiên, ngay sau đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An đã ngay lập tức khẳng định những người có bộ dạng giống sư này không phải là sư.

Trước áp lực của dư luận, nhà sản xuất chương trình đã buộc phải thừa nhận và đính chính hai thí sinh này không phải nhà sư mà chỉ là người tu hành tại gia. Sau đó, do không chịu nổi áp lực, hai thí sinh này cũng đã rút khỏi cuộc thi.

Tương tự, vào năm 2014, cư dân mạng được một phen dậy sóng khi phát hiện ra thí sinh mang tên Nguyễn Thị Huyền Minh có thân phận đáng thương trong chương trình “Nhân tố bí ẩn” chính là Anh Thuý, cựu thành viên của nhóm nhạc Mây Trắng. Theo đó, ngay ở tập đầu tiên của chương trình, giọng ca này đã khiến nhiều người thương cảm khi kể rằng, mình làm phụ bàn và bị tai nạn khi đang phục vụ khách, mặt có quá nhiều vết sẹo trên mặt nên không dám để lộ diện mà phải đeo mặt nạ để biểu diễn. Cô cũng được nhà sản xuất dựng một phóng sự hậu trường “hoành tráng” để nói lên thân phận của cô gái “dường như” không quen với son phấn, chỉ biết giấu mình sau những lớp vỏ bọc.

Tuy nhiên, khi bị dân mạng “bóc mẽ” sự thật, nhà sản xuất buộc phải thừa nhận sự thật và bản thân Nguyễn Thị Huyền Minh cũng phải thú nhận mình chính là Anh Thuý. Dù sau đó cô đã gửi lời xin lỗi tới nhà sản xuất, khán giả và mong được tha thứ nhưng vì áp lực dư luận quá lớn nên cô buộc phải rút lui khỏi chương trình.

Cũng trong “Nhân tố bí ẩn 2016”, thí sinh Trần Nguyên Bảo đã khiến nhiều người rơi nước mắt khi nghe cậu trải lòng trên truyền hình về một tuổi thơ cơ cực và căn bệnh trầm cảm đã ám ảnh cuộc sống của mình. Tuy nhiên, không lâu sau đó, nhiều người tá hỏa khi phát hiện Trần Nguyên Bảo từng tham gia cuộc thi Vietnam Idol và hoàn toàn không có biểu hiện của một chàng trai mang “số phận bi kịch”. Thậm chí, cậu còn rất tự tin, vui vẻ, hài hước và có nhiều hành động hơi “quái”. Khán giả hết sức phẫn nộ vì cho rằng mình đã đặt tình thương nhầm chỗ và Trần Nguyên Bảo “bi thảm hóa” câu chuyện của mình nhằm lợi dụng lòng thương từ phía khán giả. Mặc dù sau đó nhân vật chính đã lên tiếng giải thích cũng như nhận lỗi lầm nhưng lòng tin của khán giả dành cho cậu đã về mức số âm.

Trên đây chỉ là 3 câu chuyện mang tính điển hình về phía thí sinh và nhà sản xuất. Ca sĩ Tùng Dương còn từng thẳng thắn thừa nhận mất dần niềm tin vào truyền hình thực tế khi hé lộ những “góc tối” về việc sắp xếp kết quả, trao “nhầm” quán quân.

Lòng tin bị tổn thương?!

Thực tế, khán giả ngày nay rất tinh tế và nhạy cảm. Bất kể nhà sản xuất hoặc thí sinh có ngụy trang tài giỏi cỡ nào thì ngay sau đó sự thật cũng được phơi bày. Và khi sự thật đã được phơi bày thì chương trình khó lòng lấy lại được lòng tin.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng - Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, bà không đồng ý với kiểu dựng nên những câu chuyện thương cảm để lấy nước mắt của khán giả truyền hình trên truyền hình thực tế gần đây. Đó là sự thiếu công bằng đối với khán giả nếu không muốn nói là lợi dụng lòng nhân ái của số đông.

Câu chuyện của Anh Thúy trong Nhân tố bí ẩn 2014 từng khiến giả dấy lên nhiều thất vọng. Ảnh: TL.
Câu chuyện của Anh Thúy trong "Nhân tố bí ẩn 2014" từng khiến giả dấy lên nhiều thất vọng. Ảnh: TL.

Ở một khía cạnh khác, việc làm này sẽ tạo ra những tác động xấu đối với xã hội, đánh mất lòng tin của số đông đối với các chương trình truyền hình.

“Người ta thường nói: “Một mẩu bánh mỳ thì vẫn là bánh mỳ”. Những câu chuyện không được xây dựng dựa trên sự thật sẽ không bao giờ đến được với trái tim của khán giả và nếu lạm dụng sẽ bị tẩy chay. Các chương trình truyền hình thực tế, dù với mục đích gì cũng không được phép đánh bóng hoặc tô hồng sự thật. Nó sẽ làm tổn thương lòng nhân ái của số đông và tự đánh mất lòng tin của khán giả với chương trình”, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Đạo diễn Dũng Nghệ cũng khẳng định rằng, tất cả các chương trình truyền hình thực tế đều phải có format và kịch bản chi tiết trước khi quay. Để tạo nên sự hấp dẫn, cuốn hút khán giả… thì cách tốt nhất là đánh thẳng vào cảm xúc của người xem. Thủ pháp này rất hiệu quả và có sức lan tỏa rất lớn vì nó khơi gợi được tính nhân văn, chạm tới lòng trắc ẩn của đông đảo khán giả.

Nhưng có một thực tế, với sự bùng nổ đến chóng mặt của các chương trình truyền hình thực tế hiện nay thì những câu chuyện riêng tư có sức lay động kiểu “từ zero đến hero" không phải lúc nào cũng có.

“Vậy thì các nhà sản xuất và ê-kíp phụ trách nội dung của các chương trình truyền hình thực tế phải làm sao để có thể gây sự chú ý của khán giả xem truyền hình? Họ không còn cách nào khác là phải đồng lõa với thí sinh, thậm chí là cố tình dựng lên những câu chuyện về những nhân vật "ảo" để đánh lừa khán giả.

Mấy chiêu trò này thời gian đầu cũng có tác dụng nhưng gần đây đã bị khán giả tinh ý phát hiện nên họ đang có xu hướng quay lưng lại với chương trình truyền hình thực tế. Điều này khiến cho doanh thu quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng và khiến nhiều chương trình đình đám một thời đã hoàn toàn biến mất trên sóng truyền hình. Khai thác số phận con người để lan tỏa những điều tốt đẹp rất đáng để khuyến khích. Nhưng dàn dựng thô thiển, đánh lừa khán giả là một chiêu trò rẻ tiền cần phải bị lên án và tẩy chay”, đạo diễn Dũng Nghệ bày tỏ.

Hà Tùng Long