Tang lễ nhạc sĩ Phú Quang: Vợ nhạc sĩ khóc nghẹn nhìn mặt chồng lần cuối
(Dân trí) - Sáng nay, 13/12 người thân, bạn bè và khán giả yêu âm nhạc Phú Quang tới tiễn đưa và vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa về nơi an nghỉ cuối cùng.
Tang lễ của nhạc sĩ Phú Quang được tổ chức từ 7h đến 8h45 ngày 13/12 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ truy điệu diễn ra vào 8h45 cùng ngày. Sau đó, thi hài của nhạc sĩ sẽ được an táng tại công viên tưởng niệm Thiên Đức, huyện Phù Ninh, Phú Thọ.
Từ sáng sớm, người thân, bạn bè và người hâm mộ nhạc sĩ Phú Quang đã tập trung tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng để đưa tiễn cố nhạc sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Theo nguyện vọng của gia đình nhạc sĩ Phú Quang, tang lễ được tổ chức ấm cúng, giản dị. Vì sự căng thẳng của dịch bệnh, người đến viếng mang theo khẩu trang, nước rửa tay và giữ khoảng cách an toàn, đảm bảo vệ sinh dịch tễ khi tham gia chương trình tang lễ.
8h45, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đọc điếu văn, thuật lại cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, luôn một lòng cống hiến cho nghệ thuật: "Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Phú Quang là tác giả của hàng trăm ca khúc, phần lớn trong đó là ca khúc về Hà Nội. Ông xứng đáng là 1 tượng đài bất hủ với những bài hát khắc khoải, chứa đựng cả hồn cốt của mảnh đất này. Có thể kể đến một vài tác phẩm nổi tiếng như "Hà Nội ngày trở về", "Em ơi Hà Nội phố", "Chiều phủ Tây Hồ"...
Thậm chí có bài hát không chữ nào nhắc đến Hà Nội nhưng khi giai điệu vang lên, người yêu nhạc đều thấy phong vị Hà Thành chỉ tìm thấy ở mảnh đất ngàn năm văn hiến. Có lẽ, là bởi ông quá yêu Hà Nội như chính ông đã có lần từng nói: "Tôi yêu Hà Nội cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã thấy lá Hà Nội xanh hơn mọi nơi". Phú Quang viết về Hà Nội cũng là viết cho chính mình, viết trả nợ mảnh đất quê hương nơi ông lớn lên, nơi âm nhạc của mẹ cha đã đổ sâu trong con tim, nơi ông hoài thai ước mơ tuổi trẻ, nơi ông ra đi đau đáu nhớ thương và trở về...
Như trong một ca khúc của mình, nhạc sĩ Phú Quang từng viết: "Rồi một ngày chiếc lá sẽ rơi về nơi cuối cùng". Ngày hôm nay, tim người nhạc sĩ ấy đã không còn đập nữa, nhưng những tác phẩm của ông sẽ mãi mãi để lại trong lòng đồng nghiệp, khán thính giả yêu âm nhạc của ông".
Thay mặt gia đình, con trai nhạc sĩ Phú Quang đã gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ đã hết lòng cứu chữa, bạn bè, đồng nghiệp luôn động viên ông trong suốt thời gian qua.
"Bố yêu quý, hôm nay chúng con có mặt ở đây không phải để cùng bố ngồi uống cà phê, nghe bố trò chuyện mà để đưa bố về Phú Thọ, nơi bố sinh ra, gắn bó 5 năm. Nhờ bố, chúng con luôn ý thức làm người tử tế, giữ sự kiêu hãnh của một chính nhân. Gia tài bố để lại cho đời, để lại cho chúng con là sự tự hào. Bố đã dạy chúng con nên người, nuôi dưỡng chúng con bằng tình yêu. Bố đã cố gắng rất nhiều, bố chịu đau đủ rồi, giờ là lúc bố thanh thản. Bố sẽ mãi ở bên chúng con và những người yêu quý bố qua những bản tình ca bất hủ của bố", Phú Vương xúc động nói.
Giây phút cuối tiễn linh cữu rời Hà Nội, tang lễ phát ca khúc "Cho em và cũng là cho anh": "Rồi một ngày chiếc lá sẽ rơi về cuối trời/ Rồi thời gian cũng sẽ trôi qua cùng bao buồn vui/ Những nét chữ xưa cũng sẽ phai mờ theo năm tháng/ Mãi trong lòng ta vẫn còn bài ca".
Vĩnh biệt nhạc sĩ Phú Quang!
Nhạc sĩ Phú Quang đã trút hơi thở cuối cùng vào 8h45 ngày 8/12/2021 (tức ngày 5/11 năm Tân Sửu) tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh hiểm nghèo . Ông hưởng thọ 72 tuổi.
Sự ra đi của nhạc sĩ Phú Quang là sự mất mát lớn đối với nền nghệ thuật nước nhà.
Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949, là con út trong gia đình nhiều đời sống ở Hà Nội. Ông có một tuổi trẻ đầy ký ức Hà Nội, từ những con phố êm đềm tới trận bom B52 trút xuống Khâm Thiên năm 1972. Phú Quang từng chia sẻ ông yêu Hà Nội vì Hà Nội là quê hương. Trong kho tàng hơn 600 bài hát của ông, đa số sáng tác viết về Hà Nội.
Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca. Những bản tình ca ấy được viết xuất phát từ những rung động , xúc cảm từ tình yêu có thật và cả mơ mộng, khát vọng, ám ảnh về tình yêu. Tình yêu trong âm nhạc Phú Quang không chỉ là cuộc tình của con người, mà còn là những giai điệu để tình tự với đất Thăng Long, Hà Nội cổ kính và thanh quý.
Nhiều bài thơ được ông phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như: Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Tình khúc 24, Dương cầm lạnh (thơ Dương Tường), Romance (thơ Ý Nhi), Biển nỗi nhớ và em (thơ Hữu Thỉnh), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)...
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ngoài ca khúc, Phú Quang còn viết nhạc cho hàng trăm bộ phim, vở kịch, ballet. Phú Quang còn là tác giả của nhiều tác phẩm giao hưởng, hòa tấu. Nhiều trích đoạn hòa tấu của ông đã thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam, đặc biệt phần âm nhạc của ông đã góp phần vào thành công của nhiều bộ phim sáng giá của điện ảnh Việt Nam: Bao giờ cho đến tháng Mười (Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh), Ai xuôi vạn lý (Đạo diễn Lê Hoàng), Vị đắng tình yêu (tập 1, Đạo diễn Lê Xuân Hoàng), Hải Nguyệt (Đạo diễn Trần Mỹ Hà)…