Sân khấu phía Bắc èo uột vì “mắc bệnh” cao đạo

“Sân khấu miền Bắc èo uột như hiện nay một phần là do mắc bệnh cao đạo, cứ tưởng mình là ngôi sao người ta sẽ xúm vào, sẽ chạy theo nhưng ai ngờ khi ngoảnh lại, chả còn ai theo mình nữa”, NSND Nguyễn Đình Quang nói.

Sau nhiều biến động về nhân sự trong năm qua, ngày 30/3 Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Nhà hát đồng hành cùng báo chí đến với công chúng”. Mục đích của buổi tọa đàm cuối cùng để làm sao thông tin được những tác phẩm mới tới khán giả- người quyết định sự tồn tại của một nhà hát.
 
Không cần bán vé, không màng báo chí


 

Không cần bán vé, không màng báo chí

 

Buổi tọa đàm có rất nhiều nhà báo theo dõi mảng sân khấu đã đưa ra những trăn trở, suy nghĩ cũng như khó khăn khi tiếp cận nguồn tin từ đa phần các nhà hát.

 

“Rất ít nhà hát có quan hệ thường xuyên với báo chí. Tâm lý bao cấp vẫn đang bao trùm sân khấu phía Bắc, một năm được chỉ tiêu bao nhiêu vở, giải ngân hết là xong, không quan tâm lắm đến việc bán vé. Vậy nên nhiều khi tôi vào trang web của một số nhà hát, tôi chẳng tìm thấy thông tin gì mới cả”, nhà báo Tố Lan cho biết.

 

Đồng quan điểm, nhà báo Cao Ngọc cho rằng: “Tôi luôn luôn chủ động hỏi các mối quan hệ thân thiết xem nhà hát của anh/chị có gì mới chưa. Trong thời buổi nhiều show truyền hình hút khách, nhiều mối quan hệ như vậy, nếu nhà hát không chủ động gửi thông tin từ quá trình dựng vở, cho tới khi công diễn thì nhà báo không thể nào theo dõi hết. Tôi thấy sân khấu nhiều năm qua không có scandal gì? Tôi không biết nên vui hay nên buồn”.

 

Còn nhà báo Thúy Hiền thì cho rằng, sân khấu đang né báo chí, mà điều này thì vô cùng tai hại. Báo chí rất cần cho mọi lĩnh vực, sân khấu cũng không ngoại lệ. Để các tác phẩm gây được sự chú ý  từ khán giả, ngay từ khâu tìm kịch bản tới quá trình dựng vở, nó phải thu hút được sự quan tâm của báo chí.

 

Các ý kiến của nhà báo đều thống nhất rằng các nhà hát nên có bộ phận chuyên trách truyền thông với báo chí, chủ động cung cấp đầy đủ về tác phẩm, lịch diễn và các vấn đề nghề nghiệp với nhà báo.
 

 

Mỗi vở chỉ mời 3 nhà báo

 

Đó là lời khẳng định của NSƯT Tuấn Hải, Nhà hát Kịch Việt Nam. Tuy nhiên, anh cho rằng, thời gian vừa qua đã có những bài báo viết về tác phẩm sân khấu khen quá hoặc chê quá khiến cho người nghệ sĩ xấu hổ khi được khen, hoặc tức giận, đóng cửa với báo chí khi bị chê quá đà. Đó cũng chính là lý do nhiều nghệ sĩ né báo chí.

 

NSƯT Trung Kiên, Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, nhiều năm nay, khi nhà hát của anh công bố vở mới, nhưng vì kinh phí, lãnh đạo nhà hát chỉ cho phép mời 3 nhà báo tham dự. Cho nên nhiều vở diễn được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng báo chí không vào cuộc đưa tin.

 

NS Mai Phương, đoàn kịch Quảng Ninh thì rất bất ngờ khi được dự tới buổi tọa đàm này lại được gặp nhiều…nhà báo đến thế. Từ trước tới nay chị chỉ biết diễn, làm nghề chứ ít khi tiếp xúc với báo chí.

 

Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh cho rằng, nhà hát không bế quan tỏa cảng nhưng việc chưa đưa thông tin kịp thời tới khán giả, báo chí cũng một phần vì Nhà hát chưa có một địa điểm diễn xứng tầm. Nhiều khi lịch diễn, lịch tập phải phụ thuộc vào sân khấu đi thuê nên khó chủ động. Ông rất buồn vì “anh cả đỏ” của sân khấu đã kỷ niệm 60 năm thành lập rồi mà nhà hát vẫn xập xệ.

 

Thiếu "sao", lăng xê kém

 

Nhà báo Kim Ngân cho rằng, vở diễn muốn thu hút được sự quan tâm của khán giả, báo chí thì ngoài nội dung tác phẩm, cách dàn dựng hay thì còn phải tập trung vào lăng xê một ngôi sao. Các vở diễn nên có một ngôi sao.

 

“Sân khấu phía Bắc èo uột nên nhà báo cũng không khai thác được gì sâu để viết một bài hay. Hiện nay có sự mất thăng bằng giữa sân khấu miền Bắc và miền Nam. Sân khấu miền Bắc èo uột như hiện nay một phần là do mắc bệnh cao đạo, cứ tưởng mình là ngôi sao người ta sẽ xúm vào, sẽ chạy theo nhưng ai ngờ khi ngoảnh lại, chả còn ai theo mình nữa”, đó là lời nhận xét của NSND Nguyễn Đình Quang.

 

Sân khấu miền Bắc nên xem lại, cần phải bỏ ngay “căn bệnh” cao đạo. Để sự nghiệp sân khấu phát triển, các nhà báo sân khấu phải nhiệt tình hơn để tìm kiếm thông tin. Các nhà hát phải thay đổi phương thức hoạt động. Công tác PR quảng cáo trước và cả sau vở diễn cần thúc đẩy hơn nữa. Phải có những bài báo tranh luận về sự đúng sai, hay dở của vở diễn lúc đó mới có thể gây chú ý từ phía khán giả, NSND Nguyễn Đình Quang nhấn mạnh.

 

Theo Tình Lê

Vietnamnet