Quán cà phê có tuổi đời "thách thức thời gian" trên phố cổ Hà Nội
(Dân trí) - Cà phê Thái tồn tại ở Hà Nội gần 100 năm với sự tiếp nối qua 4 thế hệ, không chỉ là ly cà phê đến tay khách hàng mà còn là tình yêu, tâm huyết của người làm nghề.
Sẽ thật không quá khi xem Hà Nội như đại diện tiêu biểu của vương quốc cà phê.Có lẽ chưa bao giờ sự bùng nổ của các thương hiệu cà phê lại mạnh mẽ như thời điểm hiện tại. Vậy nên để có chỗ đứng vững trong lòng khách hàng theo cách mà cà phê Thái đang làm không phải là điều dễ dàng.
Truyền nhân đời thứ tư của cà phê Thái là anh Nguyễn Đức Hiếu (SN 1987), chia sẻ câu chuyện gia đình, anh cho biết: "Những ngày đầu cà phê Thái ra đời là bằng gánh hàng rong khắp phố cổ trên vai cụ Nguyễn Văn Đến (SN 1908) từ năm 1926. Thời đó các cụ chỉ tự rang bằng tay, giã cà phê thủ công bằng cối. Sau nhiều năm thăng trầm cụ đã dừng chân tại số nhà 27 Triệu Việt Vương để gây dựng cơ nghiệp như hiện tại".
Để có một ly cà phê thơm ngon đúng điệu là vô vàn cách pha chế với công thức khác nhau. Một điểm đặc biệt của cà phê Thái đó là phương pháp rang cà phê gia truyền: "Cho đến bây giờ khi có máy móc hiện đại hỗ trợ rất nhiều,tôi vẫn tự tay rang cà phê bằng củi. Mọi công đoạn đều thủ công 100%, từ quay trên bếp rang, đổ ra thúng nan tre, sau đó làm nguội bằng tay.
Điểm đặc biệt quan trọng chính là điều tiết ngọn lửa, khi thả một thanh củi thì sẽ phải mất vài giây hoặc vài phút để có nhiệt độ thích hợp trong giai đoạn rang mong muốn. Tôi muốn giữ gìn cách rang cà phê truyền thống, không phải vì ngại thay đổi mà như một cách bảo tồn một "di sản" nho nhỏ của Hà Nội".
Hạt cà phê được anh Hiếu tuyển chọn từ ba vùng Điện Biên, Buôn Hồ, Phủ Quỳ. Chính vì lẽ đó, uống một cốc cà phê ở Thái sẽ cảm nhận được hương thơm dịu dàng của núi rừng Tây Bắc, chút vị đậm sâu mặn mòi như giọt mồ hôi ngấm trong từng tất đất của xứ Nghệ, và chất men say mãnh liệt của đại ngàn Cao Nguyên.
Với anh Hiếu, vị cà phê như đã ngấm trong từng tế bào. Một chàng thanh niên cũng đã mang hoài bão, đi khắp nơi trên thế giới cuối cùng vẫn chọn quay về để giữ gìn tinh hoa của gia đình truyền lại. " Trước đây mỗi khi xa nhà tôi đều mang theo cà phê. Nhưng chỉ cần đợt chân về lại Hà Nội là tôi lại muốn ran gay quán, ngồi lê la vỉa hè, nhìn xe cộ qua lại, đó là không khí chỉ có ở Hà Nội, rất riêng.
Sau này khi ông nội tôi (ông Nguyễn Văn Thái) đã yếu, một mình bố tôi gánh trên vai cơ nghiệp của gia đình nên tôi quyêt định gác lại mọi thứ về nhà tiếp quản và phụ giúp bố giữ gìn nghề gia truyền".
Giữa Hà Nội phồn hoa, quán cũ cà phê Thái vẫn ở đó. Ngay bên cạnh, anh Hiếu đã sửa sang và xây dựng thêm một quán hiện đại, khang trang hơn nhưng nhiều người vẫn chọn ngồi thưởng thức cà phê trong căn nhà đơn sơ. Có lẽ bởi không gian ấy hợp với hương vị cà phê mộc mạc, gần gũi của Thái gắn liền với biết bao thế hệ người Hà Nội.
Một bức tường được chính tay anh Hiếu vẽ với dòng chữ "Đến Hà Nội làm cốc Nâu"như một nét riêng không đâu có được. Anh Hiếu lý giải: "Đến- trong câu nói là tên cụ ông, người đã khai sinh ra quán. Nâu- là tên con trai của tôi. Một câu nói bình thường nhưng với tôi đó là sự kỳ vọng về một thế hệ tiếp nối của cà phê Thái. Có tổ tông cội nguồn đã khai sinh, có niềm hy vọng về tương lai không xa".