Phan Huyền Thư lên tiếng về nghi án “đạo thơ”
(Dân trí) - Có hay không việc Phan Huyền Thư “đạo thơ” Du Tử Lê trong tập “Sẹo độc lập” vừa đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội hôm 10-10?
Tập “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư mới đây được trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015. Trong tập, bài số 18 “Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn” của chị có câu: “Nếu tôi chết, hãy đem tôi ra biển …” đang bị rất nhiều người yêu thơ và giới viết lách trong nghề xì xào nghi án “đạo thơ” Du Tử Lê bởi rất đông độc giả đã thuộc bài thơ nổi tiếng của nhà thơ hải ngoại: “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/đời lưu vong không cả một ngôi mồ/vùi đất lạ thịt xương e khó rã /hồn không đi sao trở lại quê nhà / Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển / nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi / bên kia biển là quê hương tôi đó / rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì...” Bài thơ nổi tiếng này của Du Tử Lê đã được phổ nhạc. Liên lạc với nhà thơ Phan Huyền Thư, chị trả lời về “nghi án” mới như sau:
Hơn ai hết, hơn ai hết, chị chắc chắn biết rõ là mình có hay không "đạo" thơ của người khác? Chị nói gì về “nghi án” này?
Quan điểm của tôi đơn giản thôi, nếu chú Du Tử Lê không có ý kiến gì muốn chị đối chất thì thôi, nên để cho chính tác giả bài thơ đang được nghi vấn là bị" đạo" ý tưởng nhận xét, sẽ khách quan hơn.
Độc giả đang muốn lắng nghe ý kiến chủ quan từ chị trước. Có phải chị quá tự tin vào tác phẩm của mình, và trước đây chị chưa từng nghĩ tới tình huống phải đối mặt hiện tại?
Đúng là tôi tự tin và không lường trước được tình huống này cũng như một ngày, có người chỉ cho tôi thấy một chàng thanh niên có nét hao hao giống con trai nhỏ mới sinh của mình. Tuy nhiên, việc tôi hồn nhiên hay vô trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình trong trường hợp cụ thể là sự gần giống nhau giữa hai câu thơ đã nêu ở đây, tôi hoàn toàn chấp nhận phó mặc thái độ phán xét đó cho độc giả và những ai muốn phán xét nó.
Còn bây giờ, khi dư luận đã bắt đầu xì xào về điều đó mà chị mới biết về bài thơ của Du Tử Lê, trong khi người Việt yêu thơ rất nhiều người thuộc bài thơ này của ông, mà chị có một quãng thời gian dài tới 7 năm sau khi viết ra tác phẩm của mình, để có thể kiểm tra, đối chiếu, chỉnh sửa, cắt gọt, hoặc quyết định có hay không lựa chọn nó để đưa vào tập, thì có thể gọi đó là một sự hồn nhiên? Hay phải gọi đó là sự thiếu trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình?"
Một câu thơ có vẻ giống nhau của hai tác giả khác nhau cũng giống như sự hao hao giống nhau của hai đứa con ruột thịt của họ khi để chúng đứng cạnh nhau. Điều đó khó có thể cho rằng chúng là anh chị em cùng một huyết thống hoặc một trong hai đứa trẻ bị bắt cóc, thất lạc nhau. Điều đó cũng càng không thể quy kết rằng cha mẹ của chúng đã từng có quan hệ gì "bất thường" cho dù họ có quen biết nhau hay không nếu không có sự kiểm chứng, thừa nhận của cả hai người hoặc của sự giám định ADN.
Tôi rất kính trọng nhà thơ Du Tử Lê nên nếu có viết ra một câu thơ gần giống được với câu thơ tài hoa của ông, đối với tôi cũng là niềm vinh hạnh. Trừ khi ông cảm thấy bị xúc phạm hoặc mất mát mà lên tiếng lúc đó tôi sẽ thưa chuyện lại với riêng ông. Còn với ai cho rằng tôi đã " đạo" câu thơ đó, tôi cũng vui vẻ cười và chắc chắn sẽ lặng im vì đó là quyền tối thượng của độc giả.
Hoà Bình