Phan Huyền Thư dính nghi án “đạo thơ”
(Dân trí) - Làng văn lại xì xào “nghi án” mới, có ý kiến cho rằng Phan Huyền Thư đã “đạo” ngay trong tập thơ vừa đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, được trao hôm 10/10.
Khá nhiều ý kiến bức xúc cho rằng Phan Huyền Thư đã cố tình “cầm nhầm” thơ của Du Tử Lê - một nhà thơ hải ngoại, nổi danh với dòng thơ trữ tình từ trước giải phóng ở Sài Gòn, đã xuất bản tới hơn 30 ấn bản thơ, công bố tác phẩm trên khá nhiều trang mạng trong và ngoài nước.
"Sẹo độc lập" có thực sự độc lập?
Nguyên văn câu thơ mở đầu bài thơ “Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn” - một bài trong tập “Sẹo độc lập” như sau: “Nếu tôi chết/hãy đem tôi ra biển/vì tôi là hạt muối buồn/kết tủa từ cô đơn/tự ăn mòn mình bằng mơ mộng/Nếu tôi chết hãy ném tôi vào sóng/cào đến xước mặt hoàng hôn/nàng tiên cá hát ru con/mê hoặc đêm trăng những chàng thuỷ thủ…”
Còn câu thơ của Du Tử Lê trong bài “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” như sau: “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/đời lưu vong không cả một ngôi mồ/vùi đất lạ thịt xương e khó rã /hồn không đi sao trở lại quê nhà / Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển / nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi / bên kia biển là quê hương tôi đó / rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì ..”
Ý thơ chủ đạo này được nhà thơ Du Tử Lê đặt vào bài thơ tới 6 lần ở mỗi câu đầu của đoạn, và toàn bộ đã thể hiện ngay trong cái tựa. Bài thơ này là một trong số những bài thơ nổi tiếng nhất của Du Tử Lê. Rất nhiều độc giả Việt Nam yêu thơ đã thuộc bài thơ này, không lẽ Phan Huyền Thư “vô tình” cầm nhầm một ý tưởng sáng tạo nổi tiếng của người khác mà không biết?
Bài thơ của nhà thơ Du Tử Lê đã sáng tác từ năm 1977, công bố khá lâu trên nhiều trang mạng văn chương, và được phổ nhạc nên rất phổ biến trong cộng đồng. Còn bài thơ của Phan Huyền Thư, theo chị công bố, thì từ năm 2008. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận định: “Cái này nếu khắt khe cũng gọi là đạo, vì bắt chước cách khởi ý. Khởi ý là một thao tác quan trọng. Nếu người có tự trọng phải ghi rõ thành đề từ. Nói đúng hơn, bài thơ của Phan Huyền Thư phải gọi là tác phẩm phái sinh, lấy cảm hứng từ câu thơ của người khác để triển khai ý niệm của mình. Hơn nữa, cả bài thơ dù dông dài vẫn không thoát khỏi câu thơ bao trùm của Du Tử Lê!”.
“Một nhà thơ phải viết một tác phẩm phái sinh, nghĩa là bản lĩnh sáng tạo đang chênh vênh. Cần phải xem lại chính mình. Tốt nhất nên tạm ngưng viết để tâm tư lắng đọng lại” - Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói thêm. Là đồng nghiệp, đồng thời là cây bút viết phê bình thơ văn khá nhiều, Lê Thiếu Nhơn có trong tay đầy đủ tất cả các tập thơ đã ấn bản của Phan Huyền Thư. Nói về phong cách văn chương của Phan Huyền Thư, anh nhận định: “Phan Huyền Thư chỉ “diễn” giỏi, còn sáng tác thì bình thường thôi. Hai tập trước của Phan Huyền Thư là “Nằm nghiêng” và “Rỗng ngực” cũng nông. “Sẹo độc lập” có vài bài vượt trội so với chính thơ của Phan Huyền Thư trước đây. Tuy nhiên, thơ Phan Huyền Thư rất ít chất thơ, cô ấy cứ cố tỏ ra khôn ngoan và thích cao giọng lý giải, nhưng lời không chuyển được ý”.
Để trả lời cho câu hỏi “Một người làm thơ có bao giờ cho phép mình “hồn nhiên” mắc một cái lỗi là “rinh” nguyên câu thơ, “thuổng” trọn vẹn ý thơ của người khác về làm chủ đề cho bài thơ của mình?” Lê Thiếu Nhơn khẳng định: “Chả nhà thơ nào lại cho phép mình cầm nhầm thơ của người khác. Đó là đạo đức tối thiểu của người sáng tác. Nếu sau khi công bố, thấy thơ mình vô tình trùng một ý của người khác, thì lập tức bỏ đi, không bao giờ in lại, hay đưa vào sách. Vả lại, trừ giai đoạn mới tập viết, rất dễ bị ảnh hưởng. Còn khi đã chọn lối đi cho mình, thì rất khó xảy ra trường hợp giống ai đó, đặc biệt là chỉ khác nguyên văn chữ “khi” và chữ “nếu”, vì thơ từ tâm tư cá nhân bao giờ cũng riêng biệt”.
Vinh danh và háo danh
Trả lời về câu hỏi liên quan đến sự việc mới phát sinh, Phan Huyền Thư cho rằng bây giờ, khi dư luận ồn ào, chị mới biết về bài thơ này của Du Tử Lê? Thực ra, “nghi án” Phan Huyền Thư “đạo” thơ Du Tử Lê, người trong giới văn chương không chỉ xì xào đã lâu mà còn thẳng thắn bút chiến trên các diễn đàn, mạng xã hội trong vòng vài năm trở lại đây, nhưng nay, bài thơ dính “nghi án” lại được đưa vào một tập thơ đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, vừa mới trao hôm 10/10. Như Phan Huyền Thư “khoe” công khai trên trang cá nhân của chị thì: “bài thơ này đã nằm ngoan trong tập "Sẹo độc lập", được in và được các tiền bối ghi nhận rồi.... nên post lên đây với mục đích " nhắc khéo" về tập thơ được giải. (Nói chung là cũng còn háo danh lắm ạ!)”
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thẳng thắn nói: “Văn chương bây giờ cũng có lợi ích nhóm, chỉ khen ngợi và trao giải cho những ai thường thù tạc với mình. Để nói tập thơ này có xứng đáng đoạt giải hay không, phải xem lại hết các tập thơ khác vào chung khảo cùng với “Sẹo độc lập”. Nếu đặt cạnh thơ… hưu trí, thì chắc cũng chấp nhận được kết quả tôn vinh ấy”.
Phan Huyền Thư từng bị “dính” tai tiếng vụ án đạo văn trong một lần tham gia Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu khi chị viết trên poster nhận xét thơ Thanh Tâm Tuyền. Cá nhân chị đã gửi thư xin lỗi tới các nhà văn Đặng Tiến và Bùi Bảo Trúc - những người mà chị đã sử dụng tư liệu viết về Thanh Tâm Tuyền của họ mà không ghi nguồn, nhưng trả lời báo chí, truyền thông, Phan Huyền Thư vẫn cho rằng chị chỉ “quên không ghi rõ” tên các tác giả này. Việc sử dụng ý tưởng sáng tạo của người khác thiên hạ vẫn gọi “cầm nhầm” là đáng xấu hổ, thậm chí người trong giới còn dè bỉu rằng chuyện “đạo” ở ta phổ biến đến nỗi phải trao giải cho những ai “sao chép” đẹp nhất, có “nghệ thuật” nhất?
Minh Quang