Chuyện tình kỳ lạ của danh hoạ Trần Văn Cẩn với người vợ kém 36 tuổi:
“Ông lão” 61 tuổi bỗng hoá thành chàng trai mới bước vào tuổi yêu
(Dân trí) - Ngỡ rằng tình yêu đến muộn, mọi thứ sẽ không được lãng mạn như thuở đôi mươi nhưng trái lại vợ chồng danh hoạ Trần Văn Cẩn đã thực sự được yêu và được sống. Hai trái tim đầy khát vọng đã biết lần tìm ở nhau những cung bậc yêu thương để xóa nhòa ranh giới về tuổi tác.
Mang yêu thương xóa nhòa tuổi tác
Trong số những kỷ vật tình yêu mà bà Hồng còn lưu giữ, ngoài những bức tranh danh họa Trần Văn Cẩn vẽ về bà còn có rất nhiều bức thư viết tay. Đó là những bức thư ông nắn nót viết cho bà với những lời lẽ đầy trìu mến và yêu thương trong những ngày ông đi công tác xa nhà hoặc bà phải sơ tán về vùng chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Nội) vì chiến tranh…
Bao nhiêu năm qua, dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng những kỷ vật gắn liền với những tháng ngày hạnh phúc bên ông luôn được bà Hồng nâng niu, gìn giữ… Mỗi một bức thư, mỗi một tấm ảnh, mỗi một kỷ vật, mỗi một ký ức... đối với bà là một hạnh phúc lớn lao mà bà không bao giờ có lại được trong đời. Vì lẽ đó, khi bê chồng thư của người chồng quá cố ra cho người viết xem, nước mắt bà Hồng cứ thế dàn giụa không thể ngưng lại được.
Trước khi đọc cho tôi nghe những bức thư ông viết cho bà, bà Hồng kể, thời còn sống độc thân, danh họa Trần Văn Cẩn rất ít nói và khép kín. Ngoài thời gian ở trường với cương vị của một người quản lý, mỗi khi về nhà ông dành phần lớn thời gian cho việc vẽ. Với ông, vẽ dường như là cách để ông trút bầu tâm sự, là cách ông nói chuyện với những người xung quanh. Có lẽ, cuộc sống lầm lũi, đơn độc, ưu tư... của một người đàn ông không vợ đã làm khuất lấp đi sự lãng mạn vốn có của người nghệ sỹ trong ông. Nó chỉ được bộc phát ra một cách hiếm hoi khi ông thả hồn mình vào những tác phẩm nghệ thuật. Thế nhưng khi ông yêu bà và bắt đầu cuộc sống hôn nhân thì mọi thứ đã đổi thay đến kỳ lạ. Nỗi cô đơn thường trực trong ông dường như tan biến lúc nào không hay biết thay vào đó là một cậu thanh niên mới bước vào tuổi yêu. Tất cả mọi thứ trong cuộc sống được ông lãng mạn hóa lên như những bức tranh đầy màu sắc ông vẽ.
“Cuộc sống của chúng tôi lúc đó đầy ắp tiếng cười dù ngoài kia bão tố vẫn chưa thôi giăng kín. Chúng tôi thực sự được yêu, được sống và được hạnh phúc. Mỗi khoảnh khắc sống gần nhau là những hạnh phúc kéo dài gần như bất tận. Dù đã ngoài 60 nhưng ông luôn yêu thương và chiều chuộng tôi hết mực. Trong những bữa ăn ông luôn pha trò để tôi vui hơn và lúc nào cũng chỉ sợ tôi buồn...”, bà Hồng nhớ lại.
Bà kể thêm, ngày 8/3 hàng năm cũng là ngày sinh nhật của bà. Những ngày này dù bận đến mấy ông cũng cố gắng sắp xếp thời gian ở trường để dành riêng cho bà. Ông đưa bà đến những nơi bà thích, rồi đưa bà đi ăn uống, sau đó tặng cho bà một bó hồng rất to... loại hoa mà cả ông và bà đều yêu thích. Có lần vì không mua được hoa nên ông đã vẽ tặng bà một bức tranh hoa hồng cắm trong lọ thủy tinh rất đẹp, bên cạnh là bức tượng mà bà vừa tạc xong và đề “Tặng Hồng nhân ngày sinh nhật 8/3”. Bức tranh ấy bao năm qua vẫn được bà cất giữ như một báu vật của tình yêu, của cuộc đời.
Còn bà, cô gái trẻ đang vào độ đẹp nhất của cuộc đời thì không lúc nào không tìm cách bù đắp để xua tan trong ông những u buồn, lạnh lẽo. Bà thấu hiểu từng nghĩ suy, từng sở thích và từng thói quen thường nhật của ông. Bà sẻ chia và đồng cảm với ông như một người bạn đời tri kỷ. Mỗi lần rảnh rỗi, bà lại tận dụng thời gian để nấu cho ông những món ông thích, mời những người bạn ông quý đến nhà chơi để ông vui hơn. Đặc biệt là làm mẫu cho ông vẽ trong những bức tranh ông cần.
Ngần đấy thời gian sống bên nhau, dù chênh nhau đến ba con giáp nhưng lúc nào ông bà cũng xưng hô với nhau “anh”, “em” ngọt ngào như vợ chồng son trẻ. Trước lúc đi ngủ, bao giờ ông bà cũng có thói quen đọc sách cho nhau nghe. Vào những lúc rảnh rỗi họ lại đưa nhau đi xem phim, đi dã ngoại... để tìm cảm hứng sáng tác. Quấn quýt lấy nhau không rời nên mỗi khi một trong hai người đi xa là họ lại nhớ nhau khôn nguôi.
Những cánh thư đầy con chữ yêu thương
Do điều kiện công việc, do chiến tranh nên họa sỹ Trần Văn Cẩn và bà Trần Thị Hồng thường xuyên phải xa nhau. Những chuyến công tác có khi kéo dài hàng tháng nhưng cũng có khi cả năm ròng. Lúc người này ở nhà thì người kia lại ra đi, lúc người kia trở về thì người ở nhà lại lên đường công tác. Thời gian bên nhau chỉ đo đếm bằng những tháng ngày ngắn ngủi nhưng tình yêu của họ vẫn mãnh liệt, nồng nàn đến diệu kỳ. Nhịp cầu tình yêu của họ trong những tháng năm này là những cánh thư đầy con chữ yêu thương với những lời lẽ hết sức ngọt ngào mà ngay cả những đôi lứa mới yêu nhau cũng phải thầm ghen tỵ.
“8/1/1972: Anh vừa được thư Hoa (Theo bà Hồng thì trong rất nhiều bức thư gửi cho bà, họa sỹ Cẩn thường gọi bà trìu mến bằng hai chữ "Diệu Hoa". Diệu Hoa là cái tên mà nhà chùa Tây Phương đặt cho bà Hồng lúc bà cùng họa sỹ Cẩn và họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung lên công tác ở đây) do anh Dân đưa, bỏ qua khe cửa. Thế là 2 tuần kể từ khi Hoa đi anh mong tin em hằng ngày, sốt ruột quá Hoa à. Em nói đúng đấy, anh cũng ước có cánh để bay lên với em dù là một chốc lát, cũng như Hoa ước về với anh. Nhưng dù không nói thì hằng ngày từ khi em đi tâm trí anh vẫn để cả vào em. Lắm lúc anh ngơ ngẩn như mất hồn, có khi làm việc cũng thấy ngán. Anh thật không ngờ Hoa ạ! Anh thật không biết nói sao cho hết nỗi lòng, anh nhớ thương em. Mỗi vật, mỗi chỗ đều gợi cho anh nhớ đến hình ảnh của em. Càng xa em anh lại càng thấm thía hơn, mến hơn tính hồn nhiên và cũng rất lạ của em. Kể cả những khi em hờn hay cáu kỉnh cũng làm anh cáu lây. Anh mong tin em từng ngày, rất sốt ruột. Không biết em đi đường ra sao, có gì trắc trở không? Nếu như chuyện thần giao cách cảm là có thật thì chắc em cũng phải nóng lòng lắm vì anh cứ luôn miệng nhắc đến em. Bây giờ được thư em anh tạm yên tâm nhưng vẫn cứ thấy những dòng chữ em viết anh lại càng thêm nhớ...
Đêm nay viết cho Hoa trời trở lạnh, mưa lăn tăn. Không biết ở trên đấy có mưa không, chắc là lạnh nhiều. Hoa có lạnh không Hoa ơi? Chăn có đủ ấm không? Hoa phải cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé, phải đề phòng sốt rét rừng đấy. Nhớ đừng để cho muỗi đốt nhất là chập tối muỗi anopheles nó ra kiếm ăn đấy... Anh rất mừng vì nhận được tin tức của Hoa, Hoa kể cho anh nghe khá nhiều chuyện làm anh còn thèm.
Anh để cho trí tưởng tượng của anh đi theo Hoa đi vào rừng, vào suối lấy trám vì thế hình ảnh của Hoa lại hiện trong anh lồng vào với hình ảnh Hoa tung tăng hái hoa rừng trên đồi Tây Phương dạo nào. Những hình ảnh quá khứ xen lẫn với hiện tại, ôi sao mà quá nhớ Hoa ạ! Chính anh dù bảo với Hoa trước hôm Hoa đi là đừng có bịn rịn mà phải lao vào công việc thì cũng chính anh những ngày sau khi Hoa đi đã phải tự bảo anh hãy tập trung vào công việc mà sao chật vật quá chừng...”
Đây là lá thư họa sỹ Cẩn viết cho bà Hồng lúc bà đi công tác ở Tân Trào. Những lời lẽ yêu thương, nỗi nhớ nhung dâng đầy và cả những lo lắng rất thường tình của một người đàn ông đã bước qua ngưỡng lục tuần dành cho người con gái ông yêu là minh chứng cho tình yêu mãnh liệt không còn ranh giới tuổi tác.
"21/5/1974: ...Em thương mến! Có lẽ đúng là có linh tính thật hay sao ấy, hôm qua ở cơ quan về anh vẫn đọc sách như mọi ngày thế mà sao anh bỗng dưng cảm thấy như em gọi anh ấy! Anh như vừa thấy em thò tay từ ô tô ra vẫy anh và anh vừa vẫy vừa rượt theo xe em và thế là anh xuống nhà dưới thì vừa gặp bác bưu điện bỏ thư vào hòm thư của anh. Anh nghĩ là thư em. Mà quả đúng như thế thật, thế có lạ không?...".
Đến bây giờ bà Hồng không thể nhớ nổi là hai người đã gửi cho nhau bao nhiêu bức thư trong những chuỗi ngày liên miên công tác nhưng những cánh thư còn lại hiện được bà nâng niu, gìn giữ như một kỷ niệm đẹp của tình yêu. Bà không dám giở nó ra xem trừ khi có việc gì đó quá cần thiết, bởi mỗi lần nhìn thấy những dòng chữ thân thương của ông, kỷ niệm ngày nào lại ùa về khiến lòng bà thổn thức.
Hà Tùng Long