Ở nhà mùa dịch, học ông bố đảm Sài Gòn trồng nấm bào ngư xám năng suất
(Dân trí) - Lần đầu tiên tự tay trồng nấm tại nhà, anh Lương bất ngờ khi những cây nấm bào ngư xám "lớn nhanh như thổi". Nấm sau khi thu hoạch có thể chế biến được rất nhiều món ăn như nấu canh, xào, chiên...
Anh Hoàng Lương hiện đang sinh sống tại quận 9, TPHCM. Bắt đầu trồng nấm từ đầu tháng 7, ông bố đảm chọn trồng nấm bào ngư xám vì loại này phổ biến, dễ chăm sóc, tất cả các thành viên trong gia đình đều ăn được.
Ban đầu, anh Lương tìm hiểu kinh nghiệm trên mạng xã hội, anh chỉ cần xem qua một lần, áp dụng trồng và thành công ngay trong lần đầu tiên.
Cách đặt phôi và chăm sóc
Anh Lương tìm mua phôi nấm trên mạng, xem phản hồi của khách hàng cũ rồi chọn nhà cung cấp uy tín. Khi mua phôi về, xem tơ trên phôi đã phủ kín chưa, tơ màu trắng, nếu kín rồi thì để 5 tiếng để ổn định, sau đó đặt phôi vào nơi tránh ánh nắng, gió, có màn che càng tốt vì nấm thích không gian tối.
Đặt phôi ngiêng 30 độ, miệng phôi nghiêng xuống dưới để khi tưới, nước sẽ không đọng ở nắp gây ứ và mốc phôi, có thể đặt phôi chồng lên nhau hoặc treo lên. Sau đó mở nắp phôi ra (nắp phôi thường bằng bông) sốc lạnh phôi bằng cách tưới thật nhiều nước. Tưới đẫm nước khoảng 5 phút rồi kéo rèm lại khoảng 3 ngày là thấy nấm con nhú lên.
Hàng ngày phun nước bằng bình xịt nhẹ 4 lần. Nấm ra rất nhanh, khi nấm con xuất hiện thì khoảng 2-3 ngày sau là thu hoạch.
Khi nấm đạt màu xám, tai nấm không để to quá ảnh hưởng chất lượng tới các đợt sau, thu hoạch xong đợt 1 cho phôi nghỉ 2 tiếng sau đó nhét bông vào nắp phôi lại để qua 1 bên 5 ngày không cần tưới.
Trong 5-7 ngày những phôi đó sẽ lên tơ và làm lặp lại quy trình ban đầu, khác là không cần sốc nhiệt chỉ cần phun nước hàng ngày. Nếu thấy trên thân phôi xuất hiện nhiều nấm con thì có thể rạch trên thân vài đường cho nấm lên từ thân phôi.
Cách thu hoạch
Một tay giữ chân nấm, tay kia lắc nhẹ và lấy ra. Sau khi lấy ra, thấy còn chân nấm thì dùng thìa hay vật dụng nhỏ vệ sinh chân nấm sạch sẽ, không để lại chân nấm dư trên phôi. Vật dụng làm cho phôi này xong thì rửa sạch rồi làm tiếp cho phôi khác để tránh lây nhiễm bệnh.
Gia đình anh Lương thường nấu nấm bào ngư với tôm và các loại rau của nhà trồng được như: Rau mồng tơi, rau cải, mướp, bầu… Ngoài ra có thể xào, hoặc tẩm bột chiên cho trẻ con ăn rất béo ngậy, chúng rất thích.
"Mình rất bất ngờ và vui khi lần đầu thấy nấm lên liên tục, từ ngày trồng nấm, sáng nào các con mình cũng dậy đòi đi hái nấm, tưới nấm, rất thích thú", ông bố đảm chia sẻ.
Ngoài nấm, anh Lương còn tận dụng không gian trên sân thượng để trồng rất nhiều cây ăn trái và rau như: mướp, bầu, bí đỏ, khổ qua, dưa lưới, đậu bắp, mồng tơi, cải bó xôi, cà chua, rau ngót…
Anh chia sẻ bí kíp, khi trồng các cây như mướp, khổ qua, bầu trồng để tránh hư hại nhà thì nên đặt chậu cách sàn khoảng 20cm hoặc 1 viên gạch để hạn chế đọng nước. Ngoài ra, dùng chậu nhựa mỏng hoặc túi.
Anh trộn đất trồng theo tỷ lệ: 60% đất thịt, còn lại phân bón và các loại trấu, xơ dừa, vỏ lạc,... nên dùng phân trùn quế, trong quá trình trồng có thể tự làm phân bón cho cây từ rác sinh hoạt trong gia đình như vỏ rau củ, vỏ trứng, vỏ chuối... mang đi ủ. Để tránh có mùi hôi và phân hủy nhanh thì mua thêm men vi sinh về trộn vào ủ, khoảng 15 ngày mang tưới cây rất xanh và đất không bị bón cục.
Khi cây lên tốt, nên tỉa bớt lá để tập trung dinh dưỡng nuôi trái, đối với các cây loại dây leo như mướp, bí, bầu, khi cây lên được gần 2m thì cắt hết các nhánh con xung quanh. Khi cây bắt đầu leo giàn thì bấm ngọn để cây mọc nhánh, nhánh nhiều thì tỷ lệ hoa và trái nhiều hơn. Khi nhánh con ra tầm 1m thì bấm ngọn.
Còn với các loại rau làm gia vị, khi cây lên được 30cm thì ngắt ngọn để mọc nhánh con. Cứ có nhánh là ngắt ngọn để tránh cây ra hoa. Còn với cà chua, khi cây chuẩn bị ra hoa thì bón kali để cây đậu quả nhiều hơn.