NSƯT Phạm Bằng: “12 năm vợ ra đi, tôi như người mất tất cả”
(Dân trí) - Trong buổi trò chuyện cuối năm với phóng viên Dân trí, người nghệ sĩ già gửi gắm những tâm sự nặng lòng về nghề diễn hài và về cả những nỗi cô đơn trong cuộc sống riêng…
“Làm hài không cẩn thận sẽ tự bôi nhọ chính mình”
Cuối năm luôn là dịp làm ăn rôm rả của các diễn viên hài. Tuy nhiên, số lượng đĩa hài nhảm luôn chiếm số đông. Là nghệ sỹ đã có chỗ đứng riêng trong lòng khán giả, hẳn NSƯT Phạm Bằng phải có cách riêng để “né tránh” những vai hài nhảm?
Kịch bản luôn là tiêu chí số 1 để tôi quyết định có nhận vai hay không. Tôi luôn đọc và chọn kịch bản rất kỹ. Theo tôi nghĩ, việc quyết định lựa chọn một kịch bản cũng đánh giá trình độ hiểu biết và tầm nhận thức của người nghệ sỹ. Nhận một kịch bản, tôi đọc và xếp loại nó: tốt- trung bình hay là yếu kém đến độ không cứu vớt được.
Cuối năm có nhiều nơi mời, nhưng khi đọc kịch bản xong tôi thường phải từ chối vì đa số các kịch bản đều nông cạn, nhảm nhí, nhân vật “không đâu vào đâu”. Lời thoại hạ đẳng, chợ búa.
Chẳng lẽ, kịch bản hài bây giờ lại “bi” đến thế?
Trong suy nghĩ của tôi, ở lĩnh vực văn học, sân khấu nghệ thuật, hài là quan trọng nhất, khó làm nhất. Khi đạo diễn, diễn viên làm tốt, vở hài ấy có thể gây tiếng vang, có hiệu quả và mức độ ảnh hưởng đến xã hội rất lớn. Nhưng khi vở hài làm không tới, tác dụng ngược của nó cũng vô cùng tai hại. Những khán giả có trình độ, họ sẽ đánh giá ngay người diễn viên làm hài, họ sẽ cho rằng, người diễn viên đang làm hề, rỗng tuếch, thậm chí là rẻ tiền… Chính vì vậy, tôi rất sợ và ngại đóng những kịch bản kém chất lượng.
Trong cuộc đời mình, tôi đã làm nhiều vai hài. Trong đó có những vai có thể xếp vào diện “để đời” được. Ví dụ như vai Lý trưởng trong vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của anh Lưu Quang Vũ. Kịch của Lưu Quang Vũ xuất sắc chính bởi những vai diễn thâm thúy, sâu sắc. Vai hài của tôi chỉ là vai thứ chính, mang tính chất điểm xuyết, những cười rất thâm thúy.
Bởi vậy, nhận mỗi vai diễn, tôi đều chắt lọc, nghiên cứu, đầu tư rất kỹ lưỡng.
Theo ông, ranh giới nào để phân biệt diễn viên hài chuyên nghiệp và diễn viên hài “mua vui”?
Nói thật, nhiều thể loại hài bây giờ tôi không thể chấp nhận được. Nhiều loại hài đang xem tôi phải tắt đi vì không “tiêu thụ” nổi. Như tôi đã nói ở trên, tác dụng ngược của hài rất kinh khủng, khi “làm hề mua vui” những diễn viên hài đang bôi bác chính mình, đang thể hiện một trình độ rỗng tuếch, thậm chí, đang bôi nhọ chính hình ảnh của mình.
Diễn hài phải biết tiết chế, biết chừng mực. Nhiều khi diễn ở sân khấu, tôi thấy có những diễn viên còn chiều theo tiếng cười khán giả, làm đủ mọi trò, đủ mọi động tác để mua lấy tiếng cười, điều đó rất nguy hiểm- như là sự bôi nhọ chính mình.
Tôi vẫn nhớ thời làm hài với các anh Trịnh Mai, Trịnh Thịnh, Văn Hiệp… Giờ, nghệ sỹ trẻ họ làm hài đã khác đi. Giá trị của hài kịch đã bị hiểu theo cách khác. Hài với chúng tôi ngày xưa không phải là sự “phồng mồm, trợn mắt”, mà giá trị của hài nằm ở sự châm biếm, đả kích một cách trí tuệ.
Hài rất gần với Hề. Hài có giá trị châm biếm. Hề- chỉ là sự bôi bác. Nếu không cẩn thận sẽ rẻ tiền.
“Tôi không mặc cả với nghề”
Vẫn có sự so sánh giữa những nghệ sỹ hài miền Nam và miền Bắc. Trong khi nghệ sỹ hài miền Nam có thể sống vương giả, đắt sô, nghệ sĩ hài miền Bắc lại... “an phận” hơn. Có lẽ do đặc thù về tiếng cười của 2 miền khác nhau?
Với tôi, tiếng cười của khán giả luôn là phần thưởng lớn nhất. Về vật chất, chúng ta đang ở trong giai đoạn khó khăn chung. Tôi không toan tính gì với tiếng cười. Không bao giờ đòi hỏi cát-sê. Đi làm phim, đòi giá thế này, thế kia, tôi ngại lắm. Tôi làm nghề không mặc cả, không đòi hỏi. Luôn lấy tiếng cười của khán giả làm phần thưởng.
Về tiếng cười, có lẽ sự thưởng thức ở 2 miền Nam- Bắc cũng có sự khác biệt nhất định. Nhưng dù ở miền nào, tiếng cười cũng luôn phải gắn với đời sống thực tế. Và tôi nghĩ, khán giả ở miền nào cũng thích những tiếng cười có ý nghĩa.
Bản thân ông là nghệ sỹ đi trước, ông đánh giá như thế nào về thế hệ diễn viên hài trẻ hiện nay?
Với thế hệ diễn viên trẻ hiện nay, tôi nhìn thấy những Xuân Bắc, Tự Long, Quang Thắng… là những nghệ sỹ có tài, chịu học hỏi. Tôi chỉ muốn dặn các cậu ấy rằng, những người làm hài hãy chịu khó lắng nghe, đừng đưa cái Tôi lên cao quá, cũng đừng chấp nhận những tiếng cười dễ dãi.
Khán giả họ xem đấy, cười đấy, nhưng cũng đánh giá nghệ sĩ hài ngay đấy.
“Vợ ra đi, tôi như người mất đi tất cả”
Đã có những bàn luận về cuộc sống phía sau màn nhung của các diễn viên hài. Đằng sau tiếng cười NSƯT Phạm Bằng mang đến cho khán giả là cuộc sống cô đơn, lặng lẽ. Sau sự ra đi của bác gái, dường như tiếng cười của NSƯT Phạm Bằng cũng đã khác đi?
Từ khi vợ tôi ra đi, tôi như người đã mất đi tất cả. Tôi chẳng còn lại gì. Đã 12 năm trôi qua, tôi phải học cách sống một mình, học cách làm quen với mất mát.
Trong gia đình không có người phụ nữ, cuộc sống tự nhiên thiếu hụt, hụt hẫng quá nhiều. Vợ tôi xưa nay lại là người gánh vác mọi việc. Tôi có được sự nghiệp như hôm nay, được làm nghề như thế này là nhờ có 98% công sức của vợ.
Vợ chồng tôi có 4 người con, gần như một tay vợ tôi chăm lo, quán xuyến. Ngày xưa, thời bao cấp khó khăn, vất vả như thế, tôi đi diễn suốt, một mình vợ ở nhà lo toan cho 4 đứa con ăn học. Chiến tranh ác liệt, bố mẹ 2 bên gia đình đều mất, tôi đi diễn ở khắp các công trường, xí nghiệp, mặt trận có khi hằng năm mới về, vợ tôi không có ai đỡ đần, cứ cặm cụi một mình làm việc lo cho các con.
Tôi thuộc biên chế nhà hát kịch Việt Nam, đi diễn gần 20 năm trời như thế. Bốn lần vợ sinh nở, chỉ có một lần tôi ở nhà, 3 lần kia đều do vợ tự lo, gách vác. Bởi vậy, khi bà ấy ra đi, cuộc sống của tôi thực sự mất thăng bằng…
Bởi vậy, tiếng cười của NSƯT Phạm Bằng bây giờ đã ưu tư hơn, buồn hơn, lặng lẽ hơn…?
Nhà tôi đi hơi sớm, dù lúc ấy đã 65 tuổi, nhưng với tôi vẫn là sớm. Giá bà ấy ở lại thêm vài năm nữa để tôi đỡ hụt hẫng. Nhưng là chuyện số phận rồi, ông trời đã quyết, không thay đổi được.
Nghĩa vợ tình chồng sâu đậm, tôi không nghĩ đến chuyện đi bước nữa vì sẽ không gặp được ai như bà ấy cả.
Một năm nay tôi không đi diễn thường xuyên nữa, năm ngoái tôi mổ 2 lần. Nhuệ khí đã nhụt đi. Sức khỏe kém, dù đã phục hồi hơn, cộng thêm những ưu tư về gia đình… có lẽ là những rào cản không nhỏ đối với tôi khi đi làm hài.
Nhưng khi đã nhận một vai diễn, tôi tự biết mình là diễn viên hài, là người mang tiếng cười đến cho khán giả, phải dẹp hết mọi ưu tư trong lòng, để tập trung cho công việc.
Không được phép để những muộn phiền cá nhân ảnh hưởng đến việc mang tiếng cười đến cho khán giả.
Hiền Hương thực hiện