Việt Nam thân thương:

Nhớ lắm Tết quê

(Dân trí) - Ký ức không lùi xa, nhưng giờ tôi đã xa vùng quê yêu dấu, xa cái Tết súng sính quần áo mới để dành; xa những viên pháo chuột, xa những hòn bi, cây đánh đáo và chiếc diều cùng lũ bạn rong chơi quên cả bữa cơm chiều cuối năm...

Khi trở lại cánh đồng khô gốc rạ

Hương hoa tràm thoang thoảng đâu đây

Bông sậy đua đưa mùa gió chướng

Tết lại về vàng rực mấy cành mai...

Trong ký ức của mình, mùa gặt xôn xao khi ngọn gió chướng thổi về. Bông sậy, bông lau nở trắng bờ kênh. Hoa tràm cũng đơm đầy mật ngọt gọi đàn ong về làm tổ... Đâu đó tiếng chày quết bánh phồng, cốm dẹt xen lẫn với tiếng pháo vọng về...

Và, Tết đã đến cận kề!

Nhớ lắm Tết quê


Tuổi thơ của tôi gắn với cánh đồng lúa mùa một vụ, với cánh rừng tràm U Minh Hạ và gần sát rừng mắn ven bờ biển Tây. Chính xác hơn là ngay vùng đất của Bác Ba Phi mà sau này Nhà nước mới phong cho ông là Nghệ nhân Văn hoá dân gian. Nói thế, để mọi người dễ hình dung về một vùng đất xa mù mà từng có một thời phải "tự cung, tự cấp".

Tết đến, làm gì có chợ để đi mua sắm. Lâu lắm, Má tôi mới có dịp ra chợ Cà Mau vì mỗi lần đi về phải mất hai ngàyđò. Bởi vậy, mà lũ trẻ chúng tôi mãi nhớ tới một điều - quần áo mới để dành tết mặc! Đến bây giờ, ở quê tôi khi thấy ai mặc áo mới lúc ngày thường đều bị chọc - sao không để tết hả mặc - là vậy!

Vì là "tự cung, tự cấp" nên Ba tôi luôn dành sẵn một con heo lớn nhất chuồng để ăn tết cho gia đình có tới 9 nhân khẩu và chia cho bà con hàng xóm. "Chia" ở đây không phải là tặng không, nhưng cũng khác với bán. Nếu bán là trao hàng lấy tiền ngay, còn kiểu chia thịt lại mang tính đổi chác hàng hoá là chính.

Những năm sau giải phóng tôi đã lớn, nhưng chưa phải là thanh niên nên Ba thường giao cho tôi "trọng trách" là đi mời bà con trong xóm đến chia thịt. Vậy là cứ chiều 28 tết là tôi lên đường và khấp khởi chờ đến rạng sáng 29 Tết để xem mổ heo.

Sáng ra, bà con trong xóm bắt đầu kéo đến và đứng chật ních cả sân. Thịt được cắt, cân và giao cho mọi người theo yêu cầu. Nếu ai có tiền thì trả trước cũng được, nhưng nếu chưa có tiền mặt thì ghi vào sổ và tính bằng lúa, hoặc tính bằng công gặt, công cấy đến mùa vụ kế tiếp. Tôi lại được đảm trách phần ghi chép này.

Nhớ lắm Tết quê


Phần đông bà con cùng nghèo như nhau nên ít ai có tiền mặt mà phần lớn chuyển sang trả bằng công lao động. Tôi nhớ lúc ấy, cứ 1 ký thịt bằng 1 công gặt (1 ngàn mét vuông lúa) và 800 gram bằng 1 công cấy (tương đương giá trị thịt và thuê công lao động lúc ấy). Bây giờ nghĩ lại thấy thương bà con mình quá, vì muốn có miếng thịt trong mấy ngày tết cho con nhà mình mà ba mẹ chúng phải đổi bằng mồ hôi mới có!

Lạ nhất là giá trị các loại thịt hồi ấy khác hẳn, hay nói cách khác là trái ngược so với các hàng thịt bán ở chợ bây giờ. Đắc nhất là mỡ, kế đến là thịt nạc, lòng, đầu, chân giò, bét cùng là xương (có cả sườn). Xương tính 2 ký kể 1 mà cũng chẳng ai ngó tới. Cái thời bao cấp người dân ở quê tôi thiếu nhất hai chất béo và ngọt, nên mỡ heo được chuộng là vậy!

Thế là mỗi năm mổ heo, gia đình còn lại đủ đầu, giò, xương, lòng... và Má để lại một phần thịt kho Tàu và một ít mỡ làm bánh tét. Phế phẩm còn lại Má chế biến đủ thứ món cho mấy ngày tết. Ruột thì làm dồi, bao tử khìa nước dừa, lỗ tai ngâm dấm, sườn ram và muối sả ớt, xương hầm củ cải muối hoặc đu đủ... Nhờ thừa kế tay nghề nấu ăn ở miệt vườn Vĩnh Long mà món nào của Má cũng hết sức tuyệt vời!

Ký ức không lùi xa, nhưng giờ tôi lại xa vùng quê yêu dấu, xa cái Tết súng sính trong bộ áo mới để dành; xa những viên pháo chuột bé xíu và hộp diêm giấu Má trong túi quần; xa những hòn bi, cây đánh đáo và chiếc diều cùng lũ bạn rong chơi quên mất cả bữa cơm chiều cuối năm mà Má không nỡ trách...

Ký ức mãi không lùi xa mà nó vẫn hiện ra đúng lúc. Có thể chỉ là một ngọn gió chướng cũng đủ để ta nhớ đến quê nhà với mùi rơm rạ, với miếng bánh phồng mới nướng... còn thơm ngát Tết quê!...

Nguyễn Thường