Nhạc sĩ An Thuyên- “Hồn tôi bến quê neo đậu”
(Dân trí) - Âm nhạc của An Thuyên luôn trĩu nặng nghĩa tình quê hương, thấm đẫm chất Ví-Giặm, và mênh mang một không gian miền Trung…
Những năm 90 của thế kỷ trước, khi chương trình Làn sóng xanh còn rầm rộ, khi những ca khúc nhạc trẻ sôi động đang ồn ào phổ biến, một ca khúc mang âm hưởng dân gian của nhạc sĩ An Thuyên xuất hiện và ngay lập tức đã khiến biết bao trái tim yêu nhạc xúc động.
Khác biệt, trữ tình, da diết- “Ca dao em và tôi” của nhạc sĩ An Thuyên đến từ dân gian đã “đánh bại” tất cả những âm nhạc ồn ào, sôi động đang “làm mưa làm gió” sân khấu nhạc trẻ lúc bấy giờ để trở thành ca khúc được yêu thích nhất, và đưa tên tuổi Quang Linh trở thành ca sĩ được yêu thích nhất năm 1997.
Âm nhạc của nhạc sĩ An Thuyên nổi bật với những ca khúc trữ tình mang âm hưởng dân gian
“Ca dao em và tôi” đưa đến cho người nghe một bức tranh âm nhạc lộng lẫy về làng quê. Vừa thân quen gần gũi, vừa tươi đẹp, tráng lệ. Người nghe được “tưới mát tâm hồn” với những ca từ “giản dị mà lộng lẫy” như “Đêm ra đồng em đổ ánh trăng vàng đi” hay “Trưa nắng hè gọi nhau râm ran chè xanh”…
Được biết, “Ca dao em và tôi” được nhạc sĩ An Thuyên ấp ủ suốt hơn 10 năm trời với cảm hứng từ tích “Trương Chi-Mỵ Nương” và mối tình bi thương bị chối bỏ… Với cảm hứng ấy, với hơn 10 năm trời ấp ủ ấy, An Thuyên đã đưa đến cho người nghe một giai âm trĩu nặng tình quê hương, một bản tình da diết- lãng mạn- thân quen như bước ra từ những câu hò, điệu ví.
Với âm nhạc của nhạc sĩ An Thuyên- điều dễ dàng cảm nhận, dễ dàng thẩm thấu (và ngay lập tức phải lặng người lắng nghe) đó chính là chất dân gian, là điệu ví câu hò thấm đẫm trong giai điệu, là “đồi chè/ánh trăng”, là “bến sông/con đò”… đẹp đẽ trong ca từ, câu viết.
Hình ảnh làng quê trong âm nhạc của An Thuyên luôn thân thương, gần gũi khiến những ai đi xa đều muốn trở về...
Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hà Tĩnh mình thương, Neo đậu bến quê… Những ca khúc như bước ra từ âm nhạc dân gian của nhạc sĩ An Thuyên trĩu nặng tình quê hương, da diết âm hưởng Ví-Giặm, và mênh mang một không gian miền Trung.
Người nhạc sĩ yêu quê hương như máu thịt ấy khiến người nghe phải xúc động với “ngô mướt dài bãi quê”, với “đàn trâu chậm ngoài đê”, với “sông Lam biết khi mô cho cạn”… Bởi trong mỗi ca từ, trong mỗi giai âm, gia điệu của An Thuyên đều là mối tình quê tha thiết, tràn đầy, dai dẳng.
Chính mối tình quê tràn đầy đã giúp âm nhạc của An Thuyên vừa cất lên đã gần gũi, thân quen với người nghe nhạc. Những ai đi xa, những ai còn đang “tắm mình” trong làng quê đều bắt gặp và nhận ra- chính không gian ấy, cảm xúc ấy, tình yêu ấy… đều là của mình. Vì thế, người ta dễ xúc động với âm nhạc của An Thuyên, với chất quê kiểng, với chất dân gian của An Thuyên. Cho dù, trong âm nhạc của ông, làng quê với đồi chè, dòng sông, bến nước… hiện lên vừa gần, vừa xa, vừa hiện hữu vừa nhớ nhung, vừa thân thương vừa lộng lẫy.
Cũng giống như Ca dao em và tôi, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hà Tĩnh mình thương… ca khúc “Neo đậu bến quê” ngay khi ra mắt đã khiến bao trái tim yêu nhạc xúc động. Người ta xúc động với từng ca từ, từng nốt nhạc chứa đầy tình yêu trong ấy. “Ngô mướt dài bãi quê/ Gió chiều chiều dịu mát/Đàn trâu chậm ngoài đê/Vẫn đi về lối cũ… Xuống đò một mình tôi/ Với dòng sông tuổi thơ/ Và một giọng đò đưa/ Vẫn neo đậu bến xưa/ Lang thang đi bốn phương trời/ nay về sông quê tắm mát/ sông Lam biết khi mô cho cạn…”.
Bây giờ, khi ngồi nghe lại bài hát này, câu hò cuối bỗng xót xa và ám ảnh đến thế.
….Người νề neo đậu bến mô
Hồn tôi, bến quê neo đậu..
Đột ngột giã từ, đột ngột ra đi, nhưng người nhạc sĩ với mối tình quê hương thấm đẫm ấy hẳn sẽ luôn chỉ hướng đến một nơi để trở về, một nơi để neo đậu.
Hào Hoa- Bích Ngọc