Nhà hát rục rịch “sáng đèn” nhưng canh cánh nỗi lo doanh thu

Hà Tùng Long

(Dân trí) - Trước tình hình dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, các nhà hát đã rục rịch kế hoạch “sáng đèn” kéo khán giả trở lại với sân khấu. Tuy nhiên, vẫn còn đó canh cánh nỗi lo không có doanh thu.

"Tung" nhiều chương trình đặc sắc để kéo khán giả

Theo đó, Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị tiên phong lên lịch biểu diễn trong tháng 9 và tháng 10 với nhiều vở diễn đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Vở “Bộ cảnh phục” sẽ công diễn vào 12/9, “Trại hoa vàng” diễn vào 13/9. Một số vở của cố tác giả Lưu Quang Vũ như “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” và “Tin ở hoa hồng”... cũng sẽ lần lượt được biểu diễn để phục vụ khán giả từ trung tuần tháng 9 đến đầu tháng 10.

Nhà hát rục rịch “sáng đèn” nhưng canh cánh nỗi lo doanh thu - 1

Cảnh trong vở "Trại hoa vàng" sắp công diễn của Nhà hát Tuổi trẻ.

NSƯT Chí Trung cho biết, bộ phận tổ chức biểu diễn của Nhà hát Tuổi Trẻ đã triển khai bán vé trực tiếp và online cả tháng qua. Các buổi diễn sẽ được thực hiện theo quy chuẩn đảm bảo giãn cách xã hội và an toàn phòng, chống dịch.

Một số nhà hát khác cũng đang khẩn trương triển khai nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng cao với sự hỗ trợ về kinh phí của Bộ VHTT&DL. Cụ thể, Nhà hát Cải lương Việt Nam với các vở “Bên ánh sao Khuê” diễn vào 12/9 diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, “Vì sao lạc xứ” diễn vào 19/9 tại Rạp Kim Mã, “Bão ngầm” công diễn vào 26/9 tại Rạp Âu Cơ và “Người đi tìm minh chủ” diễn vào 2/10 tại Rạp Kim Mã.

Nhà hát Đương đại Việt Nam với chương trình “Áo lụa Hà Đông” cũng sẽ diễn ra vào 26/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội; Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc với chương trình Kỷ niệm ngày khởi nghĩa Bắc Sơn tại Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn vào ngày 26/9; Nhà hát Múa rối Việt Nam diễn “Gala Phù thủy” từ 20/9 tại 361 Trường Chinh, Hà Nội.

NSND Tống Toàn Thắng - PGĐ Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng cho biết, Liên đoàn sẽ tổ chức biểu diễn lại thường xuyên từ ngày 12/9 này với nhiều chương trình đặc sắc. Đặc biệt, ngày 25/9 Liên đoàn sẽ cho ra mắt vở “Lời nguyền của bà tiên” do NSƯT Thanh Mai và Thanh Tùng dàn dựng. Vở diễn được tập luyện kỹ càng suốt từ tháng 3 cho tới nay mới công diễn.

Vẫn nơm nớp lo sợ dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng

NSND Triệu Trung Kiên - quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết: “Bộ VHTT&DL có kế hoạch hỗ trợ mỗi Nhà hát trung bình 5 suất diễn nhưng Nhà hát Cải lương Việt Nam mới chỉ diễn một suất vở “Chuyện tình Khau Vai”.

Nhà hát rục rịch “sáng đèn” nhưng canh cánh nỗi lo doanh thu - 2

Cảnh trong vở cải lương "Bên ánh sao Khuê" sẽ công diễn vào 12/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Ở thời điểm hiện tại, khi nhận thấy dịch bệnh đang dần được kiểm soát, chúng tôi mới “dám” lên lịch 4 suất còn lại. Một phần vì Nhà hát không có địa điểm diễn, kinh phí thuê rạp từ 20 đến 30 triệu/1 suất là quá cao trong khi việc bán vé thu tiền đối với cải lương là rất khó, nhất là sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chúng tôi không dám mạo hiểm”.

Dẫu vậy, NSND Triệu Trung Kiên vẫn tâm sự thật lòng là lãnh đạo Nhà hát Cải lương Việt Nam luôn canh cánh nỗi lo về doanh thu bởi việc kéo được khán giả trở lại với sân khấu thời điểm này vô cùng khó. Bởi, ngoài tâm lý e ngại dịch bệnh thì việc nghỉ dịch quá lâu cũng khiến nhiều người không còn hứng thú với thói quen đến Nhà hát xem kịch như trước.

Theo NSND Tống Toàn Thắng, có rất nhiều kế hoạch biểu diễn ở các nhà hát đã phải lùi lại vì dịch bệnh. Nhưng ý tưởng sáng tạo cho nghệ thuật vẫn được các nghệ sĩ chắt chiu và chờ đợi để có cơ hội tỏa sáng trên sân khấu.

“Việc khởi động biểu diễn đợt 2 này, Ban Giám đốc Liên đoàn cũng khá lo lắng không biết khán giả đã thực sự sẵn sàng để đến rạp hay chưa? Liên đoàn đang phải chấp nhận bài toán thử thách về doanh thu. Tuy nhiên, chúng tôi đã xây dựng tính chủ động cho các đoàn và nghệ sĩ để họ tự tập luyện, tự lên kế hoạch diễn đón đầu. Nếu như việc biểu diễn ở sân khấu lớn không khả thi, Liên đoàn vẫn luôn có những nhóm nhỏ nghệ sĩ sẵn sàng đi biểu diễn theo đơn đặt hàng của các cơ quan, trường học”.

Tuy nhiên, điều khó khăn lớn nhất đối với Liên đoàn Xiếc Việt Nam đó là làm sao có thể giữ chân được đội ngũ diễn viên trẻ, đang là lực lượng nòng cốt ở nhiều đơn vị nhưng lại đang chỉ ở diện hợp đồng. Vì không biểu diễn, không có doanh thu đồng nghĩa với việc không có tiền để trả lương cho lực lượng này.

“Ở một số Nhà hát, diễn viên còn có thể xoay sở để duy trì cuộc sống bằng đóng phim, đóng quảng cáo, dự sự kiện… còn ở các đơn vị nghệ thuật đặc thù như: xiếc, múa rối, cải lương, chèo, tuồng… thì đó là điều rất khó khăn.

Hiện nay, Liên đoàn Xiếc đang tổ chức bếp ăn tập thể, hỗ trợ bữa trưa để diễn viên trẻ có đủ dinh dưỡng đáp ứng cho việc tập luyện, còn bữa tối thì chưa biết trông vào đâu. Dẫu còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng chúng tôi vẫn hy vọng với sự hỗ trợ của Bộ VHTT&DL, sân khấu sẽ hồi sinh”, NSND Tống Toàn Thắng nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm