Nghệ sĩ loay hoay tìm cách “cứu” sân khấu thoát khủng hoảng đại dịch
(Dân trí) - NSND Hồng Vân, NSƯT Chí Trung, NSƯT Trần Ly Ly... những người đứng đầu các nhà hát lớn đang phải "căng não" nghĩ kế để cứu sân khấu thoát khỏi cơn khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Chưa kịp “hồi sinh” đã tái biến động
NSƯT Trần Ly Ly - Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho biết, theo kế hoạch đã được lên lịch từ hồi tháng 5/2020, 12 nhà hát thuộc Bộ VHTT&DL sẽ lần lượt triển khai các chương trình nghệ thuật chất lượng cao để phục vụ khán giả sau khi đã kiểm soát được đại dịch Covid-19.
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sẽ có tour diễn vở ballet “Hồ thiên nga” vào ngày 23/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, 26/8 tại Festival Huế 2020 và 29 - 30/8 tại Đà Nẵng, điểm dừng chân là TP.HCM… Để chuẩn bị cho kế hoạch lưu diễn dài hơi này, trong 2 tháng qua, 150 nghệ sĩ - công nhân viên của nhà hát đã dốc sức tập luyện.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện tại, kế hoạch mang “Hồ thiên nga” đi lưu diễn xuyên Việt không biết sẽ dời lại đến lúc nào.
NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cũng cho biết, ngay khi kiểm soát được dịch, nhà hát đã lên kế hoạch cho các chương trình biểu diễn nhằm kéo khán giả trở lại với sân khấu. Đặc biệt, bắt đầu từ tháng 8/2020, nhà hát sẽ công diễn vở “Bộ cảnh phục” cùng loạt chương trình nằm trong tháng kỷ niệm 32 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Ngoài ra, nhà hát cũng bắt tay dựng vở “Trại hoa vàng”, hài kịch ca nhạc chủ đề an toàn giao thông “Đường tắt - mắt duyên”. Nhưng dịch Covid-19 tái bùng phát đã khiến cho mọi thứ phải thay đổi hoàn toàn.
NSND Hồng Vân cũng cho biết, sân khấu Hồng Vân ở Phú Nhuận (TP.HCM) đã phải “cửa đóng then cài” vì đại dịch 5 tháng ròng rã. Mãi đến cuối tháng 5, sân khấu mới mở cửa trở lại nhưng chỉ hoạt động cầm chừng bởi khán giả vẫn chưa dám mua vé đi xem kịch. Sân khấu Chợ Lớn cũng lâm vào cảnh lỗ chồng lỗ khi chưa kịp tạo ra lợi nhuận đã dính dịch.
“Ngỡ đã kiểm soát được dịch nên chúng tôi có nhiều kế hoạch cho việc kéo khán giả trở lại sân khấu. Nhưng trước tình trạng tái bùng phát dịch, chúng tôi buộc phải huỷ hết các suất diễn và đóng cửa sân khấu tiếp”, NSND Hồng Vân chia sẻ.
Loay hoay nghĩ kế “cứu” sân khấu thoát khủng hoảng
NSƯT Trần Ly Ly cho hay, những ngày qua, với tư cách là người đứng đầu nhà hát, chị vừa phải ra sức động viên tinh thần anh chị em nghệ sĩ, vừa phải “vắt óc” nghĩ kế để “cứu” nhà hát. Theo đó, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên không thể tụ tập đông người nhưng nhà hát vẫn phân chia ca kíp để tập luyện hàng ngày.
Đặc biệt, vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” – dự án trọng điểm của nhá hát dự kiến sẽ công diễn vào tháng 10/2020 vẫn phải tập luyện để kịp tiến độ. Đây là vở nhạc kịch nhằm khơi gợi tinh thần nhân văn của mỗi con người, đồng thời cũng là “cứu cánh” tinh thần – vật chất của tập thể nghệ sĩ nhà hát.
“Tôi thực sự rất buồn khi các kế hoạch biểu diễn của nhà hát phải hoãn huỷ bởi đại dịch. Nhưng lo lắng hơn cả vẫn là tinh thần của anh em nghệ sĩ. Mấy hôm rồi tôi không ngủ được nhiều, cứ nghĩ đến đời sống anh em sẽ gặp khó khăn những ngày tới lại căng óc để bàn tính”, NSƯT Trần Ly Ly tâm sự.
Tương tự, NSƯT Chí Trung cho biết, vé của đêm diễn 1/8 đã được bán hết sạch. Vì thế, khi chương trình dừng lại, nhà hát phải chủ động thương lượng với khách để dời lịch sang một buổi khác, khi tình hình dịch bệnh đã kiểm soát được.
Riêng chương trình kỷ niệm 32 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhà hát cũng phải trao đổi với Đài Truyền hình Việt Nam để thực hiện ghi hình rồi phát sóng chứ không thể thực hiện được trực tiếp như kế hoạch ban đầu. Và dù không thể tổ chức biểu diễn nhưng toàn bộ nghệ sĩ của nhà hát vẫn phải tập luyện và dựng vở theo đúng kế hoạch.
“Việc hoãn các chương trình biểu diễn sẽ không tránh khỏi tổn thất về kinh tế. Nhưng may mắn là tinh thần của anh chị em nghệ sĩ không bị dao động nhiều như trước. Mọi người vẫn chăm chỉ tập luyện theo kịp kế hoạch đã đề ra. Nếu mọi thứ tốt đẹp, ngay sau khi kiểm soát được dịch, nhà hát sẽ ra 4 chương trình và chùm kịch ngắn về Covid-19”, NSƯT Chí Trung cho biết.
NSND Nguyễn Quang Vinh - quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Cơ quan quản lý nhà nước rất thấu hiểu tình cảnh mà các nhà hát đang gặp phải và sẽ có các biện pháp hỗ trợ. Vừa qua, gói kích cầu các chương trình nghệ thuật chất lượng cao để phục vụ khán giả sau đại dịch Covid-19 đã triển khai rất hiệu quả, Cục sẽ khởi động kế hoạch áp dụng công nghệ điện tử nếu tổ chức biểu diễn nghệ thuật không thể diễn ra tại rạp hát bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc này mang tính toàn cầu nhưng không có nguồn thu ngay nên sẽ có gói hỗ trợ kích cầu từ nhà nước”.
Theo người đứng đầu Cục Nghệ thuật biểu diễn, khi đã áp dụng và đầu tư công nghệ thì khán giả sẽ được xem đi xem lại những sản phẩm nghệ thuật mà mình yêu thích. Chính vì thế, các chương trình nghệ thuật sẽ phải làm thật kỹ lưỡng, công phu và chất lượng. Giá trị nghệ thuật cũng sẽ được đo bằng tính hấp dẫn khán giả. Cục sẽ cùng các đơn vị nghệ thuật thẩm định sản phẩm trước khi giới thiệu công khai trên mạng xã hội và các kênh truyền thông.