Người phụ nữ khuyết tật "hô biến" vỏ ốc vô tri thành tác phẩm nghệ thuật

Hà Hiền

(Dân trí) - Từng tự ti, thu mình, chị Hiếu không ngờ có ngày mình lấy lại được tự tin, cởi trói bản thân từ những vỏ ốc vô tri, biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật.

Năm lên 4 tuổi, chị Trần Thị Ngọc Hiếu (37 tuổi, ở Đồng Nai) trải qua cơn sốt khiến chị bị bại liệt 2 chân và bàn tay phải. Mọi người ở quê bàn tán, có nhiều câu nói khiến chị mặc cảm, tự ti với ngoại hình của mình.

"Nghe những câu nói đó khiến tôi rất buồn, chỉ trốn trong nhà và khóc", chị Hiếu rưng rưng kể lại biến cố cuộc đời.

Sau 20 năm chỉ làm bạn với 4 bức tường, chị Hiếu quyết định phải bước ra ngoài để cởi trói bản thân và làm gì đó giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ. Chị quyết tâm lên Sài Gòn học nghề và lập nghiệp.

"Công việc đầu tiên của tôi ở Sài Gòn là nhận trông giữ trẻ, ban đầu rất nhiều phụ huynh e dè vì tôi di chuyển khó khăn thì làm sao có thể trông giữ trẻ. Nhưng dần dần tôi khẳng định mình có thể làm được, nên có những lúc cao điểm, tôi trông được 6-7 đứa trẻ", chị nói.

Người phụ nữ khuyết tật hô biến vỏ ốc vô tri thành tác phẩm nghệ thuật - 1
Chị Hiếu đã bén duyên với làm tranh từ vỏ ốc được 7 năm.

Trong suốt thời gian giữ trẻ, chị Hiếu vẫn ấp ủ một mong muốn có 1 công việc ổn định, muốn khám phá những chân trời mới và mơ về 1 nơi, mà ở đó những người phụ nữ khuyết tật có được tiếng nói công bằng.

Chị bắt đầu học làm tranh đá quý, gửi gắm toàn thời gian và tình yêu vào những bức tranh. Cũng tại trung tâm học làm tranh, chị gặp chồng của mình, 2 người nên duyên vợ chồng. Đến nay, anh chị đã có một cô con gái 6 tuổi xinh đẹp, ngoan ngoãn.

Yêu thiên nhiên, đặc biệt là biển, chị bén duyên với những vỏ ốc khi nhận được lời đề nghị làm tranh từ một vị khách người Anh. Ban đầu chị băn khoăn nhưng không từ chối cơ hội, chị đã chọn đến vùng biển Vũng Tàu để tìm nguồn cảm hứng cho lời đề nghị này.

"Đến biển, tôi rất thích nghịch cát và nhìn ngắm những vỏ ốc trôi dạt trên bờ. Những con ốc biển rất đẹp, tôi đã nhặt chúng lên và hỏi tại sao mình không đem về và ghép thử thành những bức tranh", chị Hiếu chia sẻ.

Chị Hiếu quyết định nhận lời đề nghị từ vị khách người Anh và bắt tay làm những bức tranh độc quyền từ vỏ ốc để họ xuất khẩu đi nước ngoài.

Người phụ nữ khuyết tật hô biến vỏ ốc vô tri thành tác phẩm nghệ thuật - 2

Mỗi bức tranh ốc được làm từ 3-5 ngày, tùy vào kích thước và độ khó.

Chị không lựa chọn mua ốc biển từ những người đánh bắt cho dù chúng có hình dạng, màu sắc rất đẹp. Chị chỉ thu mua những vỏ ốc từ những người đi nhặt trên bờ, chủ yếu ở biển Nha Trang, Vũng Tàu.

Sau khi kết thúc hợp đồng với vị khách người Anh, chị thiết kế những sản phẩm riêng cho mình. Không chỉ là tranh ốc, chị còn sáng tạo gắn ốc lên những chiếc cốc, bình hoa, chai thủy tinh, khung ảnh…

Đôi lúc chị dừng lại, ngắm nhìn những "đứa con tinh thần" và tự nói với lòng mình: "Trước đây mình từng tự ti, mặc cảm và trốn trong vỏ bọc của chính mình. Nhưng không ngờ mình đã và đang dùng chính vỏ ốc để tháo gỡ, giúp bản thân tự tin hơn, và đem đến những sản phẩm đẹp, lạ cho người tiêu dùng".

Người phụ nữ khuyết tật hô biến vỏ ốc vô tri thành tác phẩm nghệ thuật - 3
Những chiếc khung ảnh ốc.
Người phụ nữ khuyết tật hô biến vỏ ốc vô tri thành tác phẩm nghệ thuật - 4

Bình thủy tinh được gắn những "bông hoa ốc".

Người phụ nữ khuyết tật hô biến vỏ ốc vô tri thành tác phẩm nghệ thuật - 5
Hay trang trí ốc lên những con lợn đất ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Khi mua ốc về, chị Hiếu phải rửa sạch, phơi khô, đập dập một số con để tạo hình theo ý muốn. Ý tưởng chín muồi, chị bắt tay sắp xếp vỏ ốc theo kích thước, màu sắc rồi dùng keo nến dính chúng lại.

Có những con ốc xù xì, vỡ mẻ, trầy xước đều được chị khéo léo đưa vào làm điểm nhấn cho những bức tranh.

Người phụ nữ khuyết tật hô biến vỏ ốc vô tri thành tác phẩm nghệ thuật - 6
Vỏ ốc sau khi được làm sạch sẽ phân loại vào các hộp khác nhau.

Mỗi bức tranh chị làm ra đều mang một thông điệp, câu chuyện riêng, chúng được đặt tên như: Tranh chung đôi, sum họp, hòa bình... Những bức tranh này đều là duy nhất, không lặp lại.

"Tôi nghĩ không có ước mơ nào không thể chạm tay đến nếu như mình không thực sự cố gắng và bắt tay vào làm", người phụ nữ Đồng Nai nói.

Trong 7 năm làm bạn với vỏ ốc, chị có vô vàn kỷ niệm với những vị khách nước ngoài và trong nước. Nhưng có 1 kỷ niệm với vị khách nhí đã in hằn trong tâm trí của chị. Em bé đó đã tiết kiệm, dành dụm tiền ăn sáng để mua một khung ảnh có trang trí ốc tặng mẹ vào ngày 20/10/2020.

"Vào tháng 10 năm ngoái, có 1 em học sinh khoảng 6-7 tuổi, ngày nào đi học qua cũng dừng lại ngắm những khung tranh ốc được treo ở cửa hàng tôi. Tôi mạnh dạn hỏi "con thích khung hình này à"? Em học sinh nói, con muốn mua khung hình này để tặng mẹ.

Lúc đó, tôi chỉ muốn tặng luôn cho em bé khung ảnh, nhưng vì muốn món quà đó ý nghĩa hơn với em, do chính em tiết kiệm tiền mua được, nên tôi đã lấy khung hình đó 100.000 đồng. Đúng ngày 20/10, em bé quay lại và mang đến 10 tờ 10.000 đồng để mua khung hình về tặng mẹ. Trao cho em bé khung hình đó, tôi vui, xúc động không thể nào diễn tả được", chị Hiếu chia sẻ về kỷ niệm không thể nào quên.

Người phụ nữ khuyết tật hô biến vỏ ốc vô tri thành tác phẩm nghệ thuật - 7

Hiện nay, chị Hiếu đã có cửa hàng tranh cho riêng mình với tên "Tranh đá quý của Hiếu", ở Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.

Qua những bức tranh của mình, chị Hiếu hy vọng có thể truyền được thông điệp  bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên đến mọi người: "Trước khi vứt bỏ đi thứ gì, chúng ta hãy dừng lại và nghĩ xem chúng có thể tái chế để làm nên những món đồ khác không. Cũng giống như những vỏ ốc trôi dạt trên bờ biển, nếu để đó, chúng ta đi lên có thể bị xước chân, nếu nhặt về thì có thể làm nên những sản phẩm độc đáo".

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, chị Hiếu có 2 người bạn cũng bị khuyết tật đến làm tranh cùng. Nhưng hiện nay, lượng hàng bán ra không được nhiều nên chỉ có 1 mình chị làm.

Trong thời gian tới, chị mong mình có thể mở một buổi triển lãm tranh từ ốc để tri ân những người bạn, khách hàng đã dõi theo ủng hộ tranh ốc của chị suốt 7 năm qua.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm