Người phụ nữ biến dầu thừa thành xà phòng: Tiết kiệm, sống xanh từ căn bếp

Hà Hiền

(Dân trí) - Là một người sống xanh, luôn tìm giải pháp hạn chế ô nhiễm, giảm rác thải ra môi trường từ chính căn bếp của gia đình, chị Hậu (Hà Nội) đã tái chế dầu thừa thành xà phòng để giặt rửa.

Chị Phạm Thị Hậu (36 tuổi) được nhiều người biết đến với dự án bảo tồn chè đâm Quỳ Hợp, một nét đẹp dân gian độc đáo riêng có của người dân tộc Thái chỉ có ở miền Tây xứ Nghệ. Bên cạnh đó, chị còn giới thiệu những sản phẩm thủ công độc đáo, mộc mạc Việt Nam.

Đây cũng là khởi nguồn cho dự án quan tâm tới môi trường, tìm các giải pháp để góp phần bảo vệ môi trường mà chị và các cộng sự đang làm, một trong số đó là biến dầu thừa thành xà phòng.

Người phụ nữ biến dầu thừa thành xà phòng: Tiết kiệm, sống xanh từ căn bếp - 1

Chị Phạm Thị Hậu, người phụ nữ yêu môi trường và luôn tìm các giải pháp sống xanh, tiết kiệm.

"Là một người sống xanh, quan tâm tới môi trường sống, tìm giải pháp hạn chế ô nhiễm, giảm rác thải ra môi trường từ chính căn bếp của gia đình, muốn bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, một việc mình có thể làm được đó là tái chế dầu thừa", chị Hậu chia sẻ.

Để có kiến thức làm xà phòng, chị Hậu theo học các khóa học từ cơ bản tới nâng cao, nghiên cứu tự tạo công thức phù hợp để tạo ra loại xà phòng tái chế có khả năng tẩy rửa cao để sử dụng trong gia đình.

"Các loại dầu mỡ sau quá trình chiên rán thức ăn trong gia đình, nếu không bị chiên đi chiên lại quá nhiều lần gây cháy khét, được lọc bỏ tạp chất, cặn thức ăn còn sót lại đều có thể tái chế được", mẹ đảm cho biết.

Dầu thừa sau khi nấu nướng nên để dầu nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nước vào để dầu không bị mốc hỏng. Nên để riêng dầu chiên rán thức ăn động vật và thực vật để tạo ra các mẻ xà phòng tái chế chất lượng tốt hơn.

Người phụ nữ biến dầu thừa thành xà phòng: Tiết kiệm, sống xanh từ căn bếp - 2

Vì dầu ăn thừa sẽ còn lẫn mùi tanh của thức ăn nên không dùng để tắm mà chỉ dùng để giặt rũ, cọ rửa.

Dưới đây là cách tái chế dầu ăn thừa thành xà phòng được chị Hậu chia sẻ chi tiết:

Dụng cụ cần chuẩn bị: Găng tay, kính mắt, khẩu trang để bảo đảm an toàn trong quá trình làm, cốc đong, cân điện tử, khuôn đựng xà phòng.

Nguyên liệu:

Dầu ăn thừa đã lọc bỏ cặn, tạp chất: 1kg

NaOH: 185gram (Nên chọn loại có xuất xứ từ Ấn Độ, các trang thương mại điện tử đều có bán).

Nước cất 380gram (có thể có thể dùng nước tinh khiết hoặc các loại nước chưng cất từ thảo mộc, hoặc nước đun cùng với các loại thảo mộc khác nhau).

Tinh dầu sả, chanh, bạc hà tự nhiên 5ml (nếu có để át đi mùi dầu mỡ cũ).

Quy trình làm

Bước 1: Đeo găng tay, kính mắt bảo hộ

Bước 2: Đong 185 gram NaOH vào ca đựng 380gram nước cất đã chuẩn bị, quấy nhẹ, nhiệt độ sẽ tăng lên rất nhanh, đảo đều và để riêng một góc, chờ nhiệt độ hạ xuống (đến 40-45 độ).

Lưu ý: Đổ NaoH vào nước cất (không làm ngược lại khâu này) để đảm bảo an toàn.

Bước 3: Khi nhiệt độ của hỗn hợp nước cất và NaoH giảm khoảng 40-45 độ C, bạn đổ vào ca đựng 1kg dầu đã chuẩn bị (nhiệt độ của dầu tốt nhất trong khoảng 25 đến 35 độ C).

Bước 4: Dùng phới (đũa thủy tinh) quấy đều, từ nhẹ tới mạnh, liên tục cho tới khi hỗn hợp này đặc lại và có độ kết dính (thường khoảng 45 phút tới 1 tiếng), nhưng nếu bạn có máy xay cầm tay, hoặc máy đánh trứng, khâu này sẽ rút ngắn lại chỉ trong 5-10 phút. Cho 5ml tinh dầu vào đảo đều.

Bước 5: Đổ xà phòng vào khuôn, đậy kín hoặc lấy giấy nến bọc lại, để qua đêm cho bánh xà phòng cứng lại.

Người phụ nữ biến dầu thừa thành xà phòng: Tiết kiệm, sống xanh từ căn bếp - 3
Với số nguyên liệu như trên bạn có thể thu được 1,5 kg xà phòng, khoảng 15 bánh.

Chị Hậu cho biết, đây là công thức làm xà phòng theo phương pháp nguội. Thông thường để hoàn tất quá trình xà phòng hóa, đảm bảo không dư xút trên da khi dùng thì cần phơi xà phòng nơi khô ráo, thoáng mát trong khoảng 30-40 ngày nhưng xà phòng này dùng để cọ rửa nhà vệ sinh, đồ nhà trong nhà.

Có thể ngâm với nước thành dạng lỏng để sử dụng dễ dàng. Hoặc ngâm dầu cùng cà phê 1 ngày rồi lọc lại trước khi làm, dầu có mùi dễ chịu hơn.

Ngay sau khi làm thành công, chị Hậu đã chia sẻ lên mạng xã hội và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều bà nội trợ. Ngoài chia sẻ công thức, chị Hậu còn xây dựng quy trình thu nhận dầu thừa để tái chế và tặng lại xà phòng cho mọi người, như một cách động viên để mọi người hào hứng hơn với việc tích trữ lại dầu thay vì đổ thẳng xuống cống.

Thông qua dự án, chị Hậu muốn truyền đi thông điệp hạn chế rác thải, mỗi người góp sức một chút để bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta, nó không phải việc của riêng ai hay của tổ chức nào, nó có thể bắt đầu từ chính mỗi gia đình, mỗi đơn vị kinh doanh, mỗi cá nhân yêu và muốn sống trong môi trường sạch sẽ, trong lành.