Muốn tài năng nhí toả sáng, phải có kỷ luật

(Dân trí) - Ngay chính bản thân các tài năng cũng… sợ khi nhìn lại con đường mà cha mẹ họ đã đi qua với quá nhiều công sức nhọc nhằn.

Chấp nhận “đánh mất” tuổi thơ

Sẽ khó có được tài năng vĩ cầm Bùi Công Duy nếu không có sự hà khắc và quyết liệt của người cha - nghệ sĩ Bùi Công Thành. Phát hiện năng khiếu của con và muốn con luyện thành tài, nghệ sĩ Bùi Công Thành không ngại thỉnh thoảng phải dùng tới roi vọt để ép cậu con trai tập đàn. Ông còn quyết tâm di chuyển cả gia đình sang Nga để tạo điều kiện cho Duy tiếp xúc với môi trường âm nhạc hàn lâm nổi tiếng này. Bốn tuổi, thay vì được nâng niu, chiều chuộng, Bùi Công Duy bị ép học violin dưới sự giám sát nghiêm ngặt của cha.

Duy kể: “Tôi tham dự các cuộc thi từ rất bé, chỉ biết thi thôi, không nghĩ gì về thành tựu. Lúc đứng trên sân khấu, tâm lý ganh đua trẻ con cùng lắm chỉ nghĩ rằng: phải làm sao để chơi hay hơn những bạn khác. Lớn hơn thì tâm niệm: Học thì phải thi, thi thì phải có giải. Đó là đường đi của hầu hết nghệ sĩ. Thời gian trôi qua, mình mới nhận ra cái mình đạt được không còn là những tấm huy chương đơn lẻ”.

Thần đồng Trần Lê Quang Tiến 12 tuổi đang tập đàn

"Thần đồng" Trần Lê Quang Tiến 12 tuổi đang tập đàn

Đối với tài năng vĩ cầm tỏa sáng trên trường quốc tế ngay từ tuổi 17 Bùi Công Duy: “Sau tài năng thiên bẩm, định hướng gia đình là quan trọng nhất. Tôi đã nhìn thấy nhiều trường hợp vì định hướng không chính xác mà cuộc đời rẽ sang ngả khác. Nhiều người có khả năng nhưng sự rèn luyện kiên trì không có nên bị ngắt quãng. Một nghệ sĩ chơi hay một buổi đã rất khó nhưng để duy trì đẳng cấp trong suốt những quãng đường dài còn khó hơn nhiều. Nghệ thuật nghiệt ngã ở chỗ độ tuổi phát triển không dài. Cha đã hướng tôi theo con đường mà chính tôi hồi nhỏ không hề yêu thích. Nhiều đứa trẻ có thể ôm đàn đi ngủ, mở mắt là cầm đến cây đàn - tôi thì không như thế. Tôi thích chơi hơn nhưng cha đã bắt một đứa bé 4 tuổi phải lao động miệt mài như một nghệ sĩ. Năm 10 tuổi, sang Nga, tôi là người Việt duy nhất trong trường, muốn chơi cũng chẳng có ai chơi, thế là chẳng biết làm gì ngoài học. Để uốn nắn con, thỉnh thoảng cha tôi đã dùng tới đòn roi. Trong khi bạn bè đi chơi thì tôi bị cha kè kè bên cạnh, bắt chơi đàn theo ý ông. Có những lúc tưởng đạt rồi, sắp được “tha bổng”, nào ngờ ông vẫn bắt làm lại. Lúc nhỏ tôi ngấm ngầm trách cha mà không dám nói ra nhưng sau này lại thấy ông làm rất chính xác”.

Không hề trách bố vì “đánh mất” tuổi thơ của mình, Bùi Công Duy bảo: “Cha tôi là người ít nói. Khi tôi thành công, ông cũng không khen ngợi, nhưng qua những biểu hiện bề ngoài, tôi biết ông tự hào về mình”.

Kỷ luật và hy sinh

Giờ đây đã lập gia đình với nghệ sĩ piano Trinh Hương, con gái của nhạc sĩ Phú Quang, về Việt Nam sống và giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội, trong một môi trường gia đình cả hai bên đều theo âm nhạc, và thường xuyên làm người đưa các tài năng trẻ Việt Nam đi thi quốc tế; đối với thế hệ tương lai, Bùi Công Duy cho biết: “Chưa bật mí được về kế hoạch có con nhưng chắc chắn tôi sẽ hướng con cái theo những gì tốt nhất, đặc biệt là nghệ thuật. Người phương Tây quan niệm đầu tư vào ngân hàng an toàn và triển vọng nhất chính là con mình. Người Việt chúng ta thì có câu: “Thương cho roi cho vọt”. Khi muốn đạt mục đích, bạn phải chấp nhận những khoảnh khắc cay nghiệt”.

Về công việc giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội, Bùi Công Duy cực kỳ ấn tượng với cậu học trò Trần Lê Quang Tiến 12 tuổi, một hiện tượng rất lạ, đang toả sáng như thần đồng âm nhạc trẻ, mới chỉ tập violon hai năm nhưng cậu bé đã giành giải Nhất violon tại cuộc thi quốc tế mang tên thần đồng âm nhạc Mozart diễn ra tại Thái Lan năm ngoái.

Nghệ sĩ Bùi Công
Duy hướng dẫn cậu học trò “thần đồng” Trần Lê Quang Tiến (Ảnh: Thái Phạm)

Nghệ sĩ Bùi Công Duy hướng dẫn cậu học trò “thần đồng” Trần Lê Quang Tiến (Ảnh: Thái Phạm)

Bé Quang Tiến chơi piano rất giỏi, vẽ cũng rất đẹp, là chắt ngoại của cố nhà văn Nguyễn Tuân và thuộc hậu duệ gia đình hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Sở hữu nhiều khả năng đặc biệt nhưng Tiến chọn cây đàn violon để phát triển sự nghiệp. Bùi Công Duy khẳng định: “Trẻ có khả năng tốt nhưng nếu không may mắn có được một gia đình thấu hiểu và định hướng đúng cho bé thì năng khiếu sẽ thui chột. Muốn thành công, để một tài năng có thể toả sáng được, không chỉ người thầy mà gia đình cũng phải giữ kỷ luật rất khắt khe và phải hy sinh rất nhiều, cả về tài chính lẫn sự theo sát, động viên, chăm sóc. Gia đình bé Quang Tiến đang đi đúng hướng và tôi hy vọng bé sẽ tiếp tục rèn luyện thành tài. Các cơ quan quản lý cấp quốc gia cũng nên có những chiến lược hỗ trợ nhân tài, nếu không thì” nhân tài sẽ phải tìm tới những môi trường quốc tế để toả sáng, trong quan niệm của tôi, đó chính là sự lãng phí tài nguyên quốc gia”.

Đặng Thái Sơn cũng bị nhận xét khắt khe

Hồi còn nhỏ, mỗi khi Đặng Thái Sơn tập đàn, chả mấy khi được mẹ khen, thậm chí còn bị nhận xét rất khắt khe, khiến nhiều lúc Sơn rất tự ti về khả năng chơi đàn của mình. May mắn được phát hiện tài năng bởi một ông thầy người Nga, nghe tiếng đàn của Sơn, thầy đã ngay lập tức thay đổi hoàn toàn giáo trình, đang từ trình độ trung cấp nhảy vọt lên hẳn đại học và cái tên Đặng Thái Sơn bắt đầu từ đó đã toả sáng thật diệu kỳ.

Sau khi thành danh, Đặng Thái Sơn liên tục đi lưu diễn và giảng dạy khắp thế giới. Cũng bắt đầu từ đây, NSND Thái Thị Liênrong ruổi cùng với con trai trên mọi nẻo đường, làm đủ nghề để hỗ trợ con. Thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, bà làm thư ký, đánh máy, tốc ký… và làm cả công việc nội trợ.Hai mẹ con nghệ sĩ thường chơi đàn với nhau như một cách để trò chuyện, giao tiếp trên những chuyến"phiêu lưu" nhiều năm ở Liên Xô (cũ), Paris (Pháp), và nhiều trường đại học danh tiếng khác ở châu Âu, Á, Mỹ... Cho đến mãi về sau, NSND Đặng Thái Sơn đi tới đâu cũng có mẹ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ...










Minh Tuệ