Muốn cho con một tuổi thơ đẹp như tôi từng có

(Dân trí) - "Trẻ con thời nay quá nhiều đồ chơi, chúng có nhiều nên không biết quý trọng và giữ gìn, nâng niu như thế hệ mình thời trước".

Muốn cho con một tuổi thơ đẹp như tôi từng có - 1
Hãy dành thời gian bên con thật nhiều bởi vì tuổi thơ là những ký ức đẹp nhất trong cuộc đời (Ảnh: Hoa Quỳnh Nguyễn).
Tuổi thơ của mỗi đứa trẻ thời mình ngày ấy đều là tiếng ru của mẹ, những bài đồng dao mượt mà "Bà còng đi chợ trời mưa", "Rồng rắn lên mây"... Tuổi thơ êm đềm trôi qua như thế, để lớn lên rồi mình vẫn cứ nhớ mãi, nhớ mãi chẳng bao giờ quên được.
 
Lũ trẻ bây giờ không mấy đứa còn được nghe mẹ hát ru hay đọc đồng dao cho nghe, thay vào đó là sự hiện đại của công nghệ, âm nhạc thì có sẵn băng đĩa, trò chơi thì thay bằng máy tính, thiết bị thông minh... Đứa trẻ nào cũng ngồi ôm tivi cả ngày, ngoan ngoãn thì bố mẹ lại thưởng cho mấy thứ đồ chơi được quảng cáo ầm ĩ trên tivi qua mấy bộ phim hoạt hình hời hợt giá trị nhân văn.
 
Mình không phê phán nhưng không đồng tình trong việc để con trẻ tiếp xúc với tivi và máy tính thay cho việc đưa con đi chơi, dạy con về thế giới bên ngoài, tiếp xúc với môi trường thiên nhiên và đọc sách, đọc truyện cổ tích cho con.
 
Cuộc sống dù bận bịu với gánh nặng cơm áo gạo tiền, nhưng làm bố làm mẹ không phải chỉ đơn giản là con muốn gì được nấy, đáp ứng những đòi hỏi của con và bù đắp cho con bằng quà cáp, vật chất là đủ nghĩa vụ. Mỗi ngày dành cho con 30 phút đến 1 tiếng đưa con đi chơi, chơi với con các trò chơi bổ ích, rèn luyện trí tuệ và sức khỏe, đọc truyện cổ tích, đồng dao cho con trước khi đi ngủ không phải là khó thực hiện.
Muốn cho con một tuổi thơ đẹp như tôi từng có - 2
"Để bố kể con nghe những gì bố nghe được từ biển cả" (Ảnh: Hoa Quỳnh Nguyễn).
 Ngay cả khi bận việc nhà, bố mẹ cũng có thể dạy con mình bằng cách để con làm việc nhà cùng (với trẻ từ 2 tuổi trở lên là có thể dạy con việc nhà nhẹ nhàng), vừa làm vừa dạy con về đồ vật, thế giới quanh mình, như thế là giúp con phát triển toàn diện và dạy bảo - gắn bó với con về tình cảm gia đình. Rồi khi chăm sóc con, bố mẹ cũng có thể dạy con tự chăm sóc bản thân bằng các hành động tắm gội, thay - mặc quần áo, vệ sinh răng miệng.
 
Ngày xưa mình bé, đồ chơi không có nhiều, nhưng bố mẹ mình hay làm cho mình mấy thứ đồ chơi đơn giản như cào cào tre, ngựa gỗ, búp bê cói, búp bê len, rồi mẹ khâu vá, may cho búp bê những bộ váy đẹp, rằm Trung Thu thì mẹ bày cỗ trông trăng, làm chó bưởi, những ngày tết dân tộc thì cả nhà cùng ngồi gói bánh, làm cơm... Những thứ đồ chơi như thế, đơn giản mà ấm áp biết bao nhiêu, và cũng nhờ có những buổi ngồi cùng mẹ làm cơm, làm cỗ trong những dịp lễ tết mà bây giờ mình mới có thể nấu những món cổ truyền, mới thấy quý không khí gia đình quây quần bên nhau.
 
Trẻ con thời nay quá nhiều đồ chơi, chúng có nhiều nên không biết quý trọng và giữ gìn, nâng niu như thế hệ mình thời trước. Tất nhiên, cũng là vì thời nay kinh tế của mỗi gia đình đã khá hơn nên chẳng mấy ai phải làm đồ chơi rẻ tiền cho con như thế hệ bố mẹ ngày trước.
 
Nhưng vấn đề mình đề cập đến không phải ở giá trị của đồ chơi đắt hay rẻ, mà là ở ý nghĩa của việc giáo dục con trẻ thông qua đồ chơi thế nào và tình cảm của bố mẹ đối với con cái ra sao. Chúng ta vẫn có thể mua đồ chơi cho con, nhưng thay vì mua quá nhiều và đem đồ chơi ra làm phần thưởng cho sự cố gắng của con trẻ, hoặc để bù đắp cho sự bận rộn của bản thân thì đồ chơi không phải là một lựa chọn tốt.
 
Có rất nhiều những đứa trẻ lạnh lùng không tình cảm với bố mẹ, cũng có rất nhiều những đứa trẻ có một tuổi thơ buồn tẻ và cô lập, tất cả chỉ vì đồ chơi là cách chọn lựa của bố mẹ đối với chúng. Chúng ta từng trách bố mẹ không tâm lý với con cái. Nhưng cho đến khi chúng ta làm bố mẹ rồi mới nhận ra, để làm tốt vai trò của người bố, người mẹ thì việc nhỏ nhất chúng ta cũng không được phép lười biếng.
 
Mình rất nhớ tuổi thơ của mình, nó đầy màu sắc và trải nghiệm thú vị. Bởi vì trong đó, phần lớn thứ mình học được đều là từ bố mẹ mình, những người không phải là giáo sư uyên bác với cả đống thông tin có thể tra từ google như hiện nay.
 
Nhưng họ là những người đã đem đến cho mình một tuổi thơ với những bài đồng dao dễ nhớ, truyện cổ tích mộng mơ, những trò chơi thú vị, những giai điệu tuyệt vời của những bài hát thiếu nhi Nga, những lần trông trăng phá cỗ, những đêm ngồi trông bánh chưng Tết - nướng khoai bên bếp củi hồng rực, chơi tú bôi nhọ nồi đầy ắp tiếng cười.  Tuổi thơ như thế - có đứa trẻ nào sẽ dễ quên như tuổi thơ bên chiếc tivi chiếu những bộ phim hoạt hình toàn chiến binh rô bốt như bây giờ?
 
Chúng ta không thể đổ lỗi cho thời đại, dù là thời nào đi nữa, trẻ con cũng luôn cần sự tương tác giáo dục của bố mẹ. Chơi với con cũng chính là dạy con. Hơn nữa, chẳng phải khoa học đã chứng minh, đọc đồng dao, cổ tích, dạy con học chữ, dạy con làm việc nhà, làm bánh, trồng cây... sẽ giúp con thông minh và sống có trách nhiệm, gắn bó với gia đình đó sao?
 
Chiều nay, đã rất lâu rồi mình mới được thấy cảnh một người bố ngồi hì hục làm cào cào tre cho con rồi hai bố con vừa chơi đùa vừa đọc đồng dao vui vẻ: "Rồng rắn lên mây, có cây lúc lác, có nhà thầy lang. Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc, qua tới làng bên, hỏi thăm thầy thuốc, có nhà hay không"... Thằng bé cười như nắc nẻ, chạy quanh đuổi bám áo bố.
 
Mình nhìn mãi, nhìn mãi và nhớ về tuổi thơ của mình. Chợt nghĩ, nó sẽ rất hạnh phúc và sau này, nó hẳn sẽ chẳng bao giờ có thể quên một tuổi thơ rất bình yên như thế.
 
Đẩy xe đưa con về nhà, trên đường lẩm bẩm đọc lại những bài đồng dao quen thuộc rồi mỉm cười nghĩ, hạnh phúc của lũ trẻ và người mẹ có lẽ chỉ đơn giản là vậy thôi...
Ngọc Linh ghi
Nguồn: Hoa Quỳnh Nguyễn