Một người phụ nữ ở Hà Nội trồng đủ loại táo cho con ăn thỏa thích
(Dân trí) - Cách đây 2 năm, chị Trang Yến bắt đầu tìm hiểu về các giống tạo ngoại nhập. Giờ đây bà mẹ trẻ sở hữu khu vườn đủ loại táo cho con ăn thoải mái.
Khu vườn rộng hơn 100 mét vuông của gia đình chị Trang Yến (30 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) trồng đủ giống táo mới lạ được chị nhập từ Trung Quốc về. Chia sẻ về hành trình đưa các giống táo ngoại nhập về Việt Nam, chị Trang Yến nhớ lại: "Mình chuyên bán giống cây ăn quả, khoảng 2 năm trước, có một người bạn nhờ mình tìm mua một giống táo bên Trung Quốc vì nghe nói loại táo đó rất tốt cho sức khỏe.
Mình cứ gọi dân dã là táo "tài" nhưng thực chất các giống táo bên Trung Quốc cũng rất đa dạng và nhiều loại. Khi ấy, bạn mình đang ốm nên khao khát tìm giống cây này về trồng nên mình cũng thử tìm hiểu.
Mình đã hỏi rất nhiều bạn bè thì được họ giới thiệu cho một vài giống táo tàu phổ biến như baby red, chico, shaxili, shuimen,.... để đem được về Việt Nam để bắt đầu trồng thử", chị Trang Yến kể.
Suốt 2 năm tìm hiểu về các giống táo ngoại nhập, chị Trang Yến nhiều lúc đau đầu và vô cùng băn khoăn. Người có kinh nghiệm trồng táo ngoại nhập ở Việt Nam thời điểm đó gần như không có, chị tự mò mẫm, chăm sóc cây hàng ngày với hy vọng có thể trồng thành công.
Kể về thời điểm mới đem được những cây táo ngoại về Việt Nam trồng thử, chị Trang Yến nói: "Thời gian đầu tiên trồng mấy loại táo này cũng khó khăn lắm. Cây giống về Việt Nam vào mùa đông, mà mùa đông thì các giống táo này đều ở trạng thái "ngủ" không nảy mầm.
Nhìn cành táo trơ trọi như cành củi khô, mình nghĩ chắc có khi không trồng được thành công, có lẽ giống táo này không phù hợp với điều kiện tự nhiên vốn có ở Việt Nam".
Dù rất buồn nhưng chị Yến vẫn không từ bỏ, vẫn miệt mài quan sát những "cành củi khô" mỗi ngày, hy vọng chúng sẽ nảy mầm khi thời tiết trở nên ấm áp hơn. Khoảng 2 tháng sau Tết Nguyên Đán, tiết trời mùa xuân trở nên ấm áp hơn những cây táo trong khu vườn của chị Yến bất ngờ bật mầm và có hoa.
"Thấy cây nảy mầm mình mừng lắm. Khoe hết với bạn bè và người thân trong nhà", chị Yến vui mừng nói.
Vụ chính của các giống táo này từ tháng 2 âm lịch, cây bắt đầu ra hoa, kết trái. Đến khoảng tháng 5-6 âm lịch quả bắt đầu chín và có thể thu hoạch. Chị Yến cũng chia sẻ thêm, nếu muốn cây táo ra quả trái vụ có thể tỉa lá cho cây để cây nảy mầm mới và cho ra hoa.
Các giống táo ngoại nhập về Việt Nam cũng rất dễ chăm sóc, tỷ lệ đậu quả cao. Chỉ cần thời gian cây ra hoa không bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa thì cây sẽ rất sai quả. Cây táo có sức sống tốt, ít sâu bệnh, chỉ những lúc giao mùa bị nhện đỏ phá hoại.
Trong khu vườn rộng hơn 100 mét vuông, chị Trang Yến trồng đủ loại cây ăn quả. Một phần để thử nghiệm giống cây, một phần để cung cấp nguồn hoa quả sạch cho gia đình. Mỗi giống táo đều có hình thù, màu sắc riêng, nhưng nhìn chung, loại táo nào cũng rất giàu chất xơ, vị ngọt sắc, và giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Chị Trang Yến thường sử dụng những chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu tự nhiên để diệt sâu bệnh. Nhờ vậy mà không lo hoa quả nhiễm chất hóa học, an toàn cho cả gia đình. Các giống táo ngoại nhập rất ưu nắng, dễ thích nghi với điều kiện tự nhiên ở Việt Nam nên sinh trưởng và phát triển cực tốt.
Chị Yến cho biết thêm, hiện nay cây giống táo này ở Việt Nam có giá khoảng 200.000-900.000 đồng một cây bé. Những cây giống lớn có giá lên tới cả triệu đồng. Ở Việt Nam hiện cũng có rất nhiều người tìm hiểu và bắt đầu thử trồng giống táo trên và đã thành công.