Bí quyết bảo quản rau củ tươi cả tháng nhờ vải cũ
(Dân trí) - Kể từ khi dịch bùng phát trở lại ở TPHCM, chị Dung phải thay đổi thói quen bảo quản thực phẩm, mẹ đảm tận dụng áo thun, vỏ gối cũ để bọc kín rau củ lại, sau đó mới bỏ vào hộp và cho ngăn mát tủ lạnh.
Chị Trần Thị Mỹ Dung (38 tuổi) hiện đang sinh sống và làm việc ở TPHCM. Trước kia, chị Dung đã có thói quen bảo quản nhiều loại thực phẩm rau củ quả khác nhau. Chị thường xuyên được mẹ chồng, bạn thân gửi cho thực phẩm khô, rau củ nên mẹ đảm cũng thường xuyên trữ, chia nhỏ để bảo quản giúp cho việc nấu ăn nhanh hơn.
Thời điểm dịch bùng phát trở lại, chị hạn chế đi chợ hơn, thường 2-3 tuần đi 1 lần, số thực phẩm cần dự trữ cũng nhiều hơn nên chị đã tìm cách bảo quản để rau củ quả tươi lâu hơn.
Bảo quản rau củ, thực phẩm tươi sống
Đối với rau củ, trước đây mẹ đảm Sài thành thường quấn giấy ăn, giấy báo, lót giấy ăn trên và dưới, quấn màng bọc thực phẩm nhưng chỉ để được khoảng 7-10 ngày. Mùa dịch này, chị Dung đã tìm ra cách bảo quản rau củ tươi đến 1 tháng bằng cách dùng vải thun cotton hay vải cotton bọc kín rau củ lại, sau đó bỏ hộp và trữ ngăn mát.
Nếu không có hộp thì bọc vải bỏ vào ngăn mát hoặc ngăn đựng rau củ, dùng băng keo giấy viết tên rau củ dán lên vải và ngoài hộp để phân biệt.
"Mình tận dụng luôn áo thun không dùng còn mới hoặc vỏ gối. Mọi người có thể cắt áo cũ không mặc thành nhiều miếng nhỏ, sau đó giặt sạch phơi khô để dùng dần. Nên lót miếng nhựa hay bất kỳ loại nắp hộp nhựa nào dưới đáy hộp để tạo khoảng hở giữa rau và đáy hộp", mẹ đảm cho biết thêm.
Với thịt cá, chị rửa nước muối, để ráo và phân ra từng phần vừa ăn trong một bữa. Sau đó bỏ vào hộp hoặc bọc thực phẩm và trữ đông. Chị dùng loại hộp dành riêng cho trữ đông, để tránh hộp bị giòn, nứt vỡ.
Nhiệt độ tủ lạnh ngăn mát chị luôn để ở mức cao nhất là 6 độ C, ngăn đông mức thấp nhất là -21 độ C. Với cách bảo quản vải này thì các loại rau lá có thể để được 3 tuần, củ quả thì trên 1 tháng. Vì vậy, trong quá trình nấu nướng, mẹ đảm ưu tiên chế biến rau lá trước.
Bảo quản rau thơm, hành tỏi
Với hành lá: Rửa sạch rồi để khô tự nhiên, thái nhỏ hành lá và củ để riêng, nếu cần có thể lấy phần củ phi thơm lên để nấu ăn. Bỏ hộp nhựa và để vào ngăn đông. Khi nào cần lấy bỏ liền vào nấu rất tiện vì lá và củ đều rời nhau khi để ngăn đông.
Tỏi: Bóc vỏ rồi rửa sạch, để cho khô ráo rồi xay nhuyễn (không nên xay quá nhuyễn). Tiếp đến bỏ vào lọ thủy tinh và đổ dầu ăn ngập mặt tỏi. Cất tủ lạnh ngăn mát có thể dùng 1 năm mà tỏi vẫn thơm. Tỏi ngâm trong dầu cũng làm cho tỏi có mùi thơm mạnh hơn. Khi nấu múc tỏi ra ướp thịt hoặc phi nấu ăn rất tiện, không cần phải bóc giã tỏi mỗi lần nấu.
Nếu để pha chế nước mắm chấm thì lấy tỏi xay bỏ riêng từng phần nhỏ đủ làm nước mắm. Có thể dùng khay nhựa làm đá để đựng, sau đó bỏ vào ngăn đông.
Hành tím: Bóc vỏ, rửa sạch, để ráo xong xay nhỏ, sau đó bỏ hộp (dùng hộp nhựa dày) và cho vào ngăn đông. Để tránh hành bị đông cứng thì khoảng 4-5 tiếng sau khi bỏ vào tủ, lấy hộp hành ra và lắc nhẹ để hành rời ra.
Sả, gừng, riềng: Sả có thể để nguyên cây hoặc xay nhuyễn rồi bỏ hộp trữ đông, khi cần ướp lấy ra ướp cũng rất tiện. Gừng, riềng gọt sạch rồi cắt lát hoặc thái sợi trữ đông. Khi bỏ vào tủ lạnh được 4-5 tiếng thì lấy ra lắc nhẹ để không dính nhau.
Ớt: Bỏ nguyên quả vào ngăn đông. Khi ăn lấy ra sử dụng rất tiện.
Cách bảo quản đậu phụ
Bảo quản đậu phụ 10 ngày trong ngăn mát: Đậu phụ trắng rửa sạch, luộc sơ để nguội, cho vào hộp, cho nước sạch vào ngập đậu phụ (lấy đĩa nhỏ chặn đè để đậu phụ không bị nổi lên trên nước, hở nước là đậu phụ sẽ bị nhớt, mau hỏng). Đậy nắp hộp, cho vào ngăn mát và nhớ thay nước mỗi ngày để đậu giữ được độ ẩm, tươi, không bị chua và giữ được hơn 10 ngày.
Bảo quản 3 tháng trong ngăn đông: Sơ chế đậu như trên, sau đó bỏ đậu phụ vào ngăn đông. Khi dùng lấy đậu phụ rã đông và ép nhẹ cho nước trong đậu chảy ra rồi chế biến. Đậu phụ có thể cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn rồi bỏ ngăn đông.
Nhờ áp dụng các biện pháp bảo quản trên, chị Dung vừa tiết kiệm được chi phí mua hộp, giấy, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, thực phẩm vẫn luôn tươi ngon như mới, tiết kiệm thời gian nấu nướng.