Mẹ đảm Đắk Lắk làm vườn "ngày tranh thủ, tối đủ tuần", trồng rau trái sạch

Thảo Trinh

(Dân trí) - Chỉ tranh thủ làm vườn trong chút thời gian rảnh rỗi mỗi sáng sớm và các tối trong tuần, chị Định vẫn gây dựng được không gian xanh "trong mơ", trồng đủ loại rau trái sạch cho gia đình thưởng thức.

13 năm trước, chị Lê Thị Định (SN 1984, sống ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bắt đầu trồng trọt, làm vườn sau khi sinh con trai đầu lòng, xuất phát từ mong muốn có rau sạch cho con ăn dặm. Lúc đó, chị trồng rau bằng thùng xốp để trong sân nhà. Sau này, chị dành thời gian cải tạo đất, thiết kế khu vườn rộng rãi để trồng trọt được nhiều và thuận tiện hơn.

Vườn rau trái sạch của gia đình chị Định rộng khoảng 150m2. Ban đầu, vườn toàn xà bần, đá và cát. Chị phải mất hơn một tháng mới dọn dẹp và cải tạo xong. Gạch đá cũ trong vườn được gia chủ tận dụng lát thành lối đi. Vào đợt giãn cách xã hội hồi tháng 9 vừa qua tại Buôn Mê Thuột, chị tranh thủ mua thêm vật liệu, tự tay lát gạch và đổ bê tông để làm vườn.

Mẹ đảm Đắk Lắk làm vườn ngày tranh thủ, tối đủ tuần, trồng rau trái sạch - 1

Chị Định hiện công tác tại một Trung tâm phát triển cộng đồng, không có nhiều thời gian làm vườn nên ưu tiên trồng những loại cây khác nhau để thuận tiện chăm sóc. 

Mẹ đảm Đắk Lắk làm vườn ngày tranh thủ, tối đủ tuần, trồng rau trái sạch - 2

Khu vườn rộng rãi được quy hoạch khoa học, gọn gàng, phân chia thành các khu vực. Gia chủ dùng gạch đỏ tạo lối đi, bờ kè có thiết kế cách điệu, tạo cảnh quan vườn sinh động, đẹp mắt.

Mẹ đảm Đắk Lắk làm vườn ngày tranh thủ, tối đủ tuần, trồng rau trái sạch - 3

Trước nhà, chị trồng thêm giàn hoa hồng để tô điểm không gian sống.

Phía sau vườn, rau trái được trồng trực tiếp xuống đất. Còn phía trước nhiều đá, cát  nên gia chủ dùng gỗ tái chế, tự đóng thành hộp làm luống rồi đổ đất lên trồng. Bên hông sát tường, chị tận dụng chiếc chum hàng xóm bỏ đi, đem cưa ra làm chậu trồng rau.

Khu vườn được bố trí trồng rau theo mùa, mùa nào thức nấy. Nhất là mùa đông, chị Định có thể trồng được nhiều giống nông sản như cải thảo, bắp sú, su hào, cà chua, cải kale, cải củ, xà lách, bí ngòi và rau xanh các loại. 

Mẹ đảm Đắk Lắk làm vườn ngày tranh thủ, tối đủ tuần, trồng rau trái sạch - 4

Vào mùa mưa, chị chuyển sang trồng các loại rau cải, rau ngót, mồng tơi, xà lách, bầu bí, dưa, cà. Việc trồng trọt theo mùa giúp cây cối ít bị sâu bệnh và phát triển tốt. 

Sau một tuần bận rộn với công việc, chị thường dành nguyên ngày chủ nhật để làm vườn, tưới tiêu và bón phân, bắt sâu.

Mẹ đảm Đắk Lắk làm vườn ngày tranh thủ, tối đủ tuần, trồng rau trái sạch - 5

Ngoài chút thời gian buổi sáng, chị Định còn tranh thủ hầu hết các tối trong tuần để làm vườn, chăm cây sau khi nấu cơm, dọn dẹp xong xuôi.

Mẹ đảm Đắk Lắk làm vườn ngày tranh thủ, tối đủ tuần, trồng rau trái sạch - 6

Thời gian đầu làm vườn, chị tự tay thu gom gỗ cũ về tái chế, đóng khung tạo luống để trồng rau.

Mẹ đảm Đắk Lắk làm vườn ngày tranh thủ, tối đủ tuần, trồng rau trái sạch - 7

Dù hiện sở hữu cả khu vườn sum suê rau trái nhưng thời gian mới trồng trọt, người phụ nữ quê Đắk Lắk cũng gặp nhiều khó khăn.

Vụ đầu tiên, rau trồng mọc xanh tốt nhưng chất lượng giảm dần khi sang vụ tiếp theo. Đến vụ thứ ba thì rau bắt đầu có sâu và xuất hiện các tình trạng bệnh như đốm đen, phấn trắng khiến cây trở nên còi cọc, vàng úa. 

Mẹ đảm Đắk Lắk làm vườn ngày tranh thủ, tối đủ tuần, trồng rau trái sạch - 8

Chị Định dành thời gian lên mạng tìm hiểu và tham khảo các bài viết chia sẻ về kinh nghiệm trồng rau. Từ đó, chị biết cách cải tạo đất và phòng trừ sâu bệnh.

Mẹ đảm Đắk Lắk làm vườn ngày tranh thủ, tối đủ tuần, trồng rau trái sạch - 9

Để rau xanh tốt và ít sâu bệnh, trước tiên chị phải cải tạo đất kỹ lưỡng. Chị trộn đất với giá thể và phân theo tỷ lệ 5:3:2. Trong đó, giá thể gồm trấu hun hoặc xơ dừa còn phân hữu cơ sử dụng từ phân bò, phân dê, phân gà ủ hoai.

Mẹ đảm Đắk Lắk làm vườn ngày tranh thủ, tối đủ tuần, trồng rau trái sạch - 10

Vườn được lắp hệ thống tưới tự động giúp gia chủ tiết kiệm thời gian và công sức chăm sóc.

Nhà mẹ đẻ có nuôi bò, gà và dê nên thỉnh thoảng chị Định lại về gom chất thải của vật nuôi, chở lên một xe đầy ắp để ủ hoai mục làm phân bón, bổ sung dinh dưỡng cho rau trái trong vườn. Chị cũng tận dụng nguồn trấu xin được hoặc mua với giá rẻ từ các chỗ xát lúa rồi mang về đốt hun lên, làm giá thể trồng rau.

Mẹ đảm Đắk Lắk làm vườn ngày tranh thủ, tối đủ tuần, trồng rau trái sạch - 11

Sau khi trộn đất, gia chủ cho thêm một ít vôi nông nghiệp và nấm trichoderma, phơi từ 7 đến 10 ngày rồi mới đem trồng rau để hạn chế sâu bệnh. Chị thường xay hỗn hợp gừng tỏi ớt, đem ngâm với rượu, ủ khoảng một tuần rồi pha loãng, chế dung dịch phun phòng trừ sâu cho rau. 

Rau trồng dưới mặt đất cũng thường bị rầy nên chủ nhân khu vườn dùng thuốc lào ngâm rượu pha loãng để phun, vừa hiệu quả lại vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bảo vệ môi trường. Chị làm vườn theo hướng hữu cơ, nói không với sử dụng thuốc và phân bón hóa học. Thỉnh thoảng, chị bón lót bằng phân ủ hoai.

"Khi cây trồng xuống bén rễ cỡ 4-5 ngày thì mình ngâm phân gà ủ hoai pha loãng với nước rồi tưới cho cây. Thỉnh thoảng, cây được tưới thêm dịch chuối hoặc cơm xay nhuyễn ngâm nước vo gạo. Dịch chuối thì có rất nhiều công thức làm nhưng mình thường xay nhuyễn, đun lên rồi vớt bọt và vắt bã là dùng được luôn. Nếu nhà có cơm thừa thì mình cũng dồn lại 2-3 hôm rồi xay nhuyễn, ngâm chung với nước vo gạo trong 7 đến 10 ngày, sau đó pha loãng ra để tưới rau rất tốt", chị Định nói. 

Mẹ đảm Đắk Lắk làm vườn ngày tranh thủ, tối đủ tuần, trồng rau trái sạch - 12

Người phụ nữ 37 tuổi cũng chia sẻ thêm, những loại rau phổ biến dễ trồng thì chỉ cần chăm chỉ theo dõi, chú ý là sẽ thu được thành quả. Còn với những giống rau nhập, đòi hỏi nhiều kỹ thuật thì nên trồng thử sức dần. Khi mới bắt đầu, người làm vườn nên chọn những loại rau phổ biến trồng trước để đúc kết kinh nghiệm rồi trồng thêm các giống rau nhập khác thì sẽ hiệu quả hơn.

Tuy không có nhiều thời gian nhưng chị Định áp dụng cách làm vườn khoa học, hợp lý nên rau trái luôn sum suê, cho năng suất cao. Mỗi chiều tan làm, được trở về nhà và ra vườn ngắm nhìn cây cối xanh tốt, chị cảm thấy mọi mệt mỏi như xua tan hết, giải tỏa căng thẳng và lấy lại năng lượng tràn đầy. 

Mẹ đảm Đắk Lắk làm vườn ngày tranh thủ, tối đủ tuần, trồng rau trái sạch - 13

Làm vườn tranh thủ nhưng chị Định vẫn "bội thu" rau trái sạch, giúp gia đình có nhiều bữa ăn lành mạnh, đủ dinh dưỡng trong mùa dịch.

Mẹ đảm Đắk Lắk làm vườn ngày tranh thủ, tối đủ tuần, trồng rau trái sạch - 14

Chị cũng chia sẻ thành quả lao động với bạn bè, hàng xóm xung quanh. Người phụ nữ 37 tuổi mong muốn lan tỏa niềm đam mê làm vườn, trồng rau tới mọi người.

Khu vườn không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình chị chế biến nhiều bữa ăn ngon, lành mạnh mà còn giúp các con biết thêm về các loài cây và giá trị của sức lao động. Cuối tuần rảnh rỗi, các bé thường theo mẹ ra vườn, phụ giúp một số việc  lặt vặt như nhổ cỏ, bắt sâu, thu hoạch thành quả lao động.

"Từ khi tham gia vào nhóm những người đam mê làm vườn ở trên mạng, mình đã học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm của các cô chú anh chị em và được chia sẻ, giao lưu với những người có chung đam mê trên mọi miền Tổ quốc. Đó cũng là động lực để mình tiếp tục theo đuổi hành trình làm nông dân tại gia. Mình cũng hy vọng sẽ lan tỏa được đam mê đó tới mọi người, để nhiều gia đình có những bữa ăn không chỉ ngon mà còn đảm bảo sức khỏe", chị Định bày tỏ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm