Ly hôn nếu không sinh con trai: Phát ngôn gây sốc hay chiêu trò câu view?

Hà Trang

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, người chơi có thể có những quan điểm phản nhân văn nhưng để lọt hàng loạt khâu và thông điệp ấy xuất hiện trên sóng là điều khó chấp nhận.

Phát ngôn gây sốc hay chiêu trò phản cảm để câu view?

Đưa ra thông điệp "ngược dòng" gây bức xúc trong dư luận là một cách để các chương trình truyền hình tăng tỉ lệ người xem. Tuy nhiên, cách để nhân vật đưa ra thông điệp ấy rồi "gạch đá" họ nhận mà những người sản xuất vô can là không chấp nhận được.

Đó là quan điểm của các chuyên gia giáo dục, phát triển xã hội khi đánh giá về chương trình hẹn hò đang gây sốt với phát ngôn "ly hôn nếu không đẻ con trai" hay "phái nam mâm trên, phái nữ mâm dưới".

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng là người sáng lập và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho hay: "Tôi không biết chương trình có yếu tố dàn dựng hay không hay dàn dựng đến đâu?

Nhưng, kể cả nếu không dàn dựng, đó là chia sẻ tự nhiên của người tham gia thì nó cũng gây ảnh hưởng tiêu cực. Bởi, phát ngôn ấy đi ngược lại những gì chúng ta đã cố gắng theo đuổi là bình đẳng giới tiến tới phát triển xã hội".

Ly hôn nếu không sinh con trai: Phát ngôn gây sốc hay chiêu trò câu view? - 1

Chàng trai Huế gây sốc khi tuyên bố trên một chương trình game show hẹn hò, sẽ ly hôn nếu vợ không đẻ được con trai. (Ảnh: Fanpage chương trình).

Bà Hồng cũng cho rằng phản ứng của đạo diễn Lê Hoàng là chấp nhận được. Tuy nhiên, chương trình cần ứng phó tốt hơn nữa để can thiệp vào nội dung, đưa ra những thông điệp "rút lại" để khi toàn bộ chương trình lên sóng, nội dung chương trình không đi lệch đường ray giá trị chung mà cộng đồng chia sẻ và nỗ lực theo đuổi.

"Còn nếu chương trình cố ý làm như vậy để gây sốc, nó vô cùng nguy hiểm và tôi không còn gì để nói", bà Hồng chia sẻ.

Ly hôn nếu không sinh con trai: Phát ngôn gây sốc hay chiêu trò câu view? - 2

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng khi lên sóng cần tránh những trường hợp phát ngôn gây sốc, phản văn hóa, gây hiểu lầm. 

TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, Phó viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục cũng cho rằng, các thông điệp phát đi trên truyền hình phải có thông điệp văn hóa và không đánh tráo, gây hiểu nhầm phong tục tập quán.

Việc cố dùng những trường hợp hi hữu để gây chú ý là vấn đề đạo đức nghề nghiệp.

Trước việc dư luận "ném đá" người chơi vì phát ngôn gây sốc, ông Vịnh thẳng thắn cho rằng, cần thận trọng. Bởi, từ khâu tuyển chọn người chơi, biên tập, duyệt phát sóng đều là do đơn vị tổ chức sản xuất.

Người chơi có thể có những quan điểm phản nhân văn nhưng để lọt hàng loạt khâu và thông điệp ấy xuất hiện trên sóng là điều khó chấp nhận.

Cũng theo ông Vịnh, ngay cả việc đạo diễn Lê Hoàng có phản ứng gay gắt như một cách "nói lại cho rõ" cũng không thể biện bạch cho việc để những phát ngôn về đi ngược lại những giá trị về bình đẳng mà chúng ta theo đuổi lên sóng.

Bởi dù đạo diễn Lê Hoàng hay các vị giám khảo có nói như nào, phát ngôn của người chơi vẫn được công nhiên thể hiện một cách chi tiết từ quan điểm, lối sống cũng vô hình tạo thêm một lớp màng định kiến cho công chúng.

Một số chương trình hẹn hò ngày càng... lố

Các chương trình giải trí nói chung và đặc biệt là một số chương trình hẹn hò đang có dấu hiệu thoái trào và phải "câu người xem" ngày một phản cảm. Cụ thể, trước đó, liên tiếp các hot girl như Trâm Anh, Mon 2k... tham gia chương trình hẹn hò mà mục đích không phải là hẹn hò.

Ly hôn nếu không sinh con trai: Phát ngôn gây sốc hay chiêu trò câu view? - 3

Nhiều chương trình hẹn hò gần đây gây ra phản ứng trái chiếu vì chiêu tạo drama, phát ngôn, hình ảnh gây sốc. (Ảnh chụp màn hình).

Các cặp đôi xuất hiện thường rất ấn tượng như một nụ hôn say đắm ngay trên sóng hay những câu nói đậm mùi ngôn tình. Sau chương trình, dù đã chấp nhận hẹn hò thì cũng không có chỉ dấu nào cho thấy cuộc tình ấy đã từng xảy ra hay đi về đâu.

Hay các sự vụ để người chơi đưa ra các quan điểm về việc tìm vợ còn trinh tiết, chỉ cưới bạn trai cho tiền đi du lịch và nấu ăn,... nhận nhiều chỉ trích. Những chỉ trích thường hướng về phía người chơi, và nhà sản xuất dường như vô can và hưởng lượng người xem tăng vọt.

Bà Khuất Thu Hồng bình luận, đành rằng, chúng ta cùng hiểu có câu chuyện thương mại ở đây. Nhưng thương mại hay giải trí thì phải tạo ra tác động tốt xã hội chứ không tạo ra phản cảm, vô bổ. Chưa kể, ngược lại, các chương trình còn truyền đi những thông điệp, định kiến nguy hại.

TS. Vịnh cũng cho rằng: "Giải trí cần người xem, nhưng những người thực hiện cần nhớ rằng luôn có lằn ranh đỏ về đạo đức nghề nghiệp cũng như trách nhiệm xã hội ở đó. Các chương trình hẹn hò cũng không phải ngoại lệ.

Xuất phát từ những mục tiêu rất nhân văn để kết đôi cho các bạn trẻ, nhấn mạnh lại ý nghĩa về tình yêu, hôn nhân, hiện tại, càng ngày càng xuất hiện những chiêu trò phản cảm. Vụ sau sốc hơn vụ trước, người chơi sau bị "ném đá" nhiều hơn người chơi trước".

"Sự việc ly hôn nếu không đẻ được con trai này như giọt nước làm tràn ly, là hồi chuông cảnh báo về việc gameshow hẹn hò đang đi ngược lại giá trị chung của xã hội cũng như của chính mục tiêu ra đời của các chương trình này", ông Vịnh kết luận.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm