Ly hôn nếu không đẻ được con trai: Văn hóa Huế không phải vậy!
(Dân trí) - TS. Trần Đức Anh Sơn, nhà nghiên cứu về văn hóa Huế bức xúc cho biết, những tư tưởng cổ hủ đã biến mất từ lâu, không còn lưu dấu trong cộng đồng người Huế hiện nay.
"Văn hóa Huế lưu giữ nhiều dấu xưa nét cũ song đến ngày nay, việc trọng nam khinh nữ như: ăn hai mâm, li hôn nếu không đẻ được con trai không còn.
Và dư luận không lý gì lại "ném đá" văn hóa Huế chỉ vì một phát ngôn của một thanh niên Huế trên chương trình truyền hình".
Đó là ý kiến của TS. Trần Đức Anh Sơn, nhà nghiên cứu về văn hóa Huế và là giảng viên môn Văn hóa Huế ở nhiều trường đại học ở Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng.
Ông Sơn cho hay, sinh ra, lớn lên, đi học ở Huế và nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế nhưng chưa thấy nơi nào, nhà nào còn giữ phân biệt đối xử giữa nam với nữ trong các thành viên gia đình.
Chuyện ly hôn vì không đẻ được con trai như trường hợp cậu thanh niên trẻ chia sẻ trong chương trình game show gần đây càng không có.
"Những tư tưởng cổ hủ đó đã biến mất từ lâu rồi. Có thể nói là không còn lưu dấu trong cộng đồng người dân xứ Huế hiện nay, kể cả những người Huế đã chuyển đi sinh sống ở những vùng miền, quốc gia khác mà tôi có dịp tiếp xúc, gặp gỡ", ông Sơn khẳng định.
Theo ông Sơn, lời phát biểu của cậu thanh niên trẻ kia không đại diện cho cái gọi là văn hóa, ứng xử và quan niệm của người Huế về vai trò của nam nữ, về hôn nhân và về giới. Tuy nhiên, việc phát biểu trên truyền hình "tưởng chỉ là trong một cuộc chơi" nhưng có thể dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
"Từ lời nói của cậu ấy, người ta hiểu sai về truyền thống văn hóa, về quan niệm hôn nhân và đời sống gia đình của người Huế. Không chỉ "ném đá" cậu ấy, "ném đá" luôn cả gia đình, dòng tộc của cậu ấy mà họ còn có thể "ném đá" luôn cả vào nền văn hóa Huế nói chung", ông Sơn bày tỏ.
Chuyên gia này cũng cho rằng, giữ gìn văn hóa Huế là giữ gìn những giá trị tốt đẹp như: nền nếp, gia phong, truyền thống tốt đẹp; giữ gìn văn hóa ứng xử, lễ tục giá trị… chứ không phải là giữ lại những lề thói không còn phù hợp. Đặc biệt là những lề thói xúc phạm nhân phẩm hay hạ thấp giá trị của con người.
Ông Sơn phân tích thêm, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" không phải ra đời ở Huế và không phải chỉ riêng Huế trước đây mới có. Đó là tư tưởng của Nho giáo, ra đời ở Trung Quốc, được nhiều chế độ phong kiến ở Trung Quốc và các lân bang sử dụng cho những mục đích khác nhau.
Vì thế, cho rằng "trọng nam khinh nữ là một truyền thống của văn hóa Huế" theo chuyên gia này là sai và thiếu hiểu biết.
"Những ai mượn những câu phát biểu lạc lối, mà tôi cho rằng đó là chiêu trò câu view, tạo phản hồi nhằm tăng tỉ lệ người của một chương trình truyền hình được dàn dựng để chỉ trích người Huế là không thể chấp nhận được"- ông Sơn chia sẻ.
Nhà nghiên cứu văn hóa này cũng cho rằng, cậu thanh niên trẻ trong chương trình có thể chỉ là một nạn nhân của một chương trình truyền hình mà mình đóng vai người chơi nhưng không kiểm soát được vai diễn của mình.
"Cơ bản là cậu ấy không hiểu biết gì về văn hóa Huế, không đại diện cho văn hóa Huế, nên đổ những lỗi lầm của cậu ấy cho văn hóa Huế là không đúng. Thực tế mà tôi biết, tôi chứng kiến và trải nghiệm ở Huế trong mấy chục năm qua không giống như điều cậu trẻ ấy nói", vị chuyên gia này bức xúc nói thêm.
Trước đó, trong một chương trình mai mối vừa lên sóng truyền hình, Công Hoàng (30 tuổi) nói mình là người Huế và đưa ra những quan điểm "khắt khe" trong việc chọn vợ tương lai. Chàng trai Huế thẳng thắn nói: "Em không được phép sơn móng tay hay nhuộm tóc" và "Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh được con trai".
Theo Hoàng, bố mẹ anh khó tính nên ngay cả anh cũng không mấy thiện cảm với bạn gái nhuộm tóc, sơn móng tay lòe loẹt.
Về quan điểm "ly hôn nếu không sinh được con trai", trai Huế này giải thích: "Khi có công chuyện trong nhà, thường con trai là trụ cột còn con gái ngồi mâm dưới thôi. Vậy nên, ba mẹ anh cũng muốn phải có con trai để nối dõi."
Trả lời câu hỏi của đạo diễn Lê Hoàng về việc "mâm trên" và "mâm dưới" có gì khác nhau, Công Hoàng nói "khác nhau rất lớn". Theo chàng trai này, sau khi cúng bái tổ tiên, các của ngon vật lạ sẽ được dọn lên mâm trên, còn mâm dưới ít đồ ăn hơn. Nếu mâm trên ăn dư thừa đồ ăn "có thể" đưa xuống mâm dưới cho phụ nữ dùng…
Chia sẻ của Công Hoàng không chỉ khiến các cố vấn tình yêu tại chương trình "đứng hình" mà ngay cả đạo diễn Lê Hoàng cũng phản ứng gay gắt: "Ly hôn ông này khẩn cấp, ngay lập tức".
Sau khi chương trình phát sóng, nhiều người Huế bức xúc lên tiếng trước quan điểm được cho "trọng nam khinh nữ" của Công Hoàng.