Dư luận bức xúc chàng trai Huế nói "ly hôn nếu không sinh được con trai"

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Hoàng nhận mình là người Huế và đưa ra quan điểm "khắt khe" trong việc chọn vợ tương lai. Anh nói sẽ "ly hôn nếu không sinh được con trai", "con trai là trụ cột, còn con gái chỉ ngồi mâm dưới thôi"…

Trong một chương trình mai mối vừa lên sóng truyền hình, Công Hoàng (30 tuổi) nói mình là người Huế và đưa ra những quan điểm "khắt khe" trong việc chọn vợ tương lai. Chàng trai Huế thẳng thắn nói: "Em không được phép sơn móng tay hay nhuộm tóc" và "Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh được con trai".

Theo Hoàng, bố mẹ anh khó tính nên ngay cả anh cũng không mấy thiện cảm với bạn gái nhuộm tóc, sơn móng tay lòe loẹt.

Về quan điểm "ly hôn nếu không sinh được con trai", trai Huế này giải thích: "Khi có công chuyện trong nhà, thường con trai là trụ cột còn con gái ngồi mâm dưới thôi. Vậy nên, ba mẹ anh cũng muốn phải có con trai để nối dõi."

Trả lời câu hỏi của đạo diễn Lê Hoàng về việc "mâm trên" và "mâm dưới" có gì khác nhau, Công Hoàng nói "khác nhau rất lớn". Theo chàng trai này, sau khi cúng bái tổ tiên, các của ngon vật lạ sẽ được dọn lên mâm trên, còn mâm dưới ít đồ ăn hơn. Nếu mâm trên ăn dư thừa đồ ăn "có thể" đưa xuống mâm dưới cho phụ nữ dùng…

Dư luận bức xúc chàng trai Huế nói ly hôn nếu không sinh được con trai - 1

Quan điểm chọn vợ của chàng trai Huế (phải) khiến dư luận phản ứng dữ dội (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ của Công Hoàng không chỉ khiến các cố vấn tình yêu tại chương trình "đứng hình" mà ngay cả đạo diễn Lê Hoàng cũng phản ứng gay gắt: "Ly hôn ông này khẩn cấp, ngay lập tức".

Sau khi chương trình phát sóng, nhiều người Huế bức xúc lên tiếng trước quan điểm được cho "trọng nam khinh nữ" của Công Hoàng.

Nhà báo Thế Nam (42 tuổi), người Huế chia sẻ ý kiến riêng với phóng viên Dân trí:

"Hai ngày gần đây, biết tôi là người Huế, nhiều bạn bè bỗng dưng nhắn tin: "Người Huế là vậy hả anh?" rồi chia sẻ câu chuyện và những phát ngôn của chàng trai xứ Huế ở chương trình Hành lý tình yêu vừa được phát sóng.

Xem lại chương trình, tôi cũng bất ngờ vì không nghĩ anh chàng 30 tuổi đó lại có suy nghĩ lệch lạc về đất Huế, người Huế, văn hóa xứ Huế đến vậy.

Ừ thì khi đi tìm người bạn đời, cậu ấy có thể đưa ra một số yêu cầu, một mẫu hình lí tưởng cho mình. Cậu ấy có quyền tìm người bạn đời "có trình độ" để phù hợp với "trình độ" mà cậu ấy đang có. Cậu ấy có quyền không thích mẫu bạn gái "sơn móng tay, nhuộm tóc vàng" để phù hợp với "thẩm mỹ" riêng của cậu ấy.

Nhưng thật khó chấp nhận khi cậu ấy thẳng thừng tuyên bố "sẽ ly hôn nếu vợ không sinh được con trai". Đó không còn đơn giản là một yêu cầu, một mong muốn khi "tìm bạn gái lý tưởng" của anh chàng mà theo mình là đang "mạo nhận người Huế" này nữa.

Bởi không chỉ người Huế, mà bất cứ ai ở đất nước Việt Nam này, thậm chí trên cả thế giới này, không ai đặt ra điều kiện "vợ phải đẻ con trai cho mình, nếu không sẽ ly hôn".

Buông ra lời nói như vậy, đó là sự ích kỉ, độc ác, là sự thiếu hiểu biết về những truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Huế nói riêng, người Việt nói chung. Nói đơn giản, vợ là người bạn đời, là người đồng hành cùng người đàn ông để xây dựng một cuộc sống gia đình đúng nghĩa: cùng nhau chăm sóc chu toàn con cái, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong sự nghiệp, hỗ trợ nhau khi ốm đau, bệnh tật…

Vợ không phải là… "máy đẻ".

Anh chàng đã mạo nhận văn hóa Huế, truyền thống Huế khi cho rằng người Huế cần phải có con trai để nối dõi tông đường. Không có tông đường nào ở đây cả, chỉ có "tông môn bất hạnh" với người mẹ, người bố đã sinh ra đứa con luôn đe dọa bỏ vợ nếu không sinh được đứa con như ý muốn.

Thử hỏi, nếu ông ngoại của anh ta, người đã đẻ ra mẹ của anh ta, cũng tuyên bố bỏ vợ vì không đẻ được con trai, liệu anh ta có mặt trên đời này để… chọn vợ theo truyền thống hay không?

Người Huế cũng không có truyền thống "đàn ông ngồi mâm trên xơi món ngon, đàn bà trẻ con ngồi mâm dưới xơi đồ thừa". Tôi từng nhiều dịp đến thăm và ăn cỗ ở những gia đình gốc Huế. Mâm cỗ của người Huế luôn thịnh soạn, đủ đầy và đẹp mắt. Món ăn Huế thường bày biện trên những bát đĩa nhỏ, mỗi thứ một ít chủ yếu để thưởng thức chứ không phải để ăn no. Đặc biệt là mỗi món ăn đều được trang trí rất cầu kì đẹp mắt. Bởi người Huế thưởng thức món ăn không chỉ ngon bằng vị giác mà ngon bằng cả thị giác, khứu giác.

Tất cả những món ăn người Huế làm là do các cụ, các bà, các mẹ, các chị tự tay làm, tỉ mỉ, cần mẫn chịu khó như đức tính nhẫn nại, nhẹ nhàng, khéo léo của chính họ khi dành tình yêu thương cho cha mẹ, cho chồng con vào món ăn mình làm ra. Người Huế (hay nhiều vùng đất khác ở Việt Nam như Hải Dương nơi tôi làm rể) cũng thường chia mâm đàn ông ngồi riêng, mâm đàn bà trẻ con ngồi riêng.

Nhưng hoàn toàn không có chuyện "mâm trên ăn ngon, mâm dưới ăn dở, đồ thừa", bởi cái khéo léo của người Huế là bày biện làm sao để đãi khách đủ no, đủ tốt, nhưng người trong nhà cũng đủ "ấm bụng" sau mỗi bữa cỗ gia đình. Dường như việc bày biện thức ăn vào những bát đĩa nhỏ là sự tinh tế của người Huế trong việc phân chia mâm trên, mâm dưới.

Theo tôi, những phát ngôn, quan điểm của anh chàng xứ Huế đang "gây sốt" trên mạng xã hội chỉ là nhận thức lệch lạc của một cá nhân sinh ra ở Huế, từng sống ở Huế mà thôi".

Trước quan điểm "trọng nam khinh nữ" trên, Tiến sĩ Triết học, Giảng viên trường cao đẳng Sư phạm Huế Nguyễn Thủy Tiên cũng bức xúc lên tiếng:

"Mình vốn dĩ không bao giờ chê bai, dè bỉu, khinh thường bất cứ ai, luôn tôn trọng sự khác biệt vì mình hiểu mỗi cá thể là một sản phẩm mà tạo hóa đã ban tặng cho loài người!

Thế mà hôm nay, nghe cái anh người Huế này bày tỏ quan điểm, suy nghĩ, nhận thức của bản thân về truyền thống, gia phong lễ giáo của dòng họ nhà bạn ấy mà mình thấy tội lỗi quá.

Không biết khi bạn ấy nói như vậy có thấy bất hiếu với người mẹ của mình không nhỉ? Hay là bạn ấy quên mất cái người mang nặng đẻ đau, bón cho bạn ấy từng thìa sữa, dỗ dành vuốt ve khi bạn ấy ốm đau nhỉ? Bạn ấy có biết mong ước nhỏ nhoi của người mẹ là chỉ mong con thành nhân thôi không?

Bạn có biết là để nuôi bạn lớn từng ấy, mẹ bạn phải nuốt bao nhiêu đắng cay tủi nhục nếu không may lấy phải một ông chồng mà có những suy nghĩ như bạn không nhỉ?  Và mẹ bạn chỉ mong rằng một ngày nào đó khi đứa con trai của mình lớn lên sẽ hiểu rằng: chia sẻ, thấu hiểu, yêu thương là điều quan trọng nhất để xây dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc, chứ không phải là đẻ con trai hay con gái.

Thật tiếc vì bạn được hưởng một sự giáo dục vô đạo và tàn nhẫn đến như thế? Bạn biết vì sao không?

Bởi vì đạo đức như Bác Hồ đã dạy là ngọn nguồn của sông suối là nền tảng để xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại. Ông bà mình dạy: "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".

Bạn coi thường người phụ nữ chứng tỏ bạn chẳng kính trọng gì người mẹ của mình, đồng nghĩa bạn mang tội bất hiếu rồi đó.

Mình không hề trách bạn, chỉ thấy bạn thật đáng thương bởi vì bạn có học mà không có văn hóa tẹo nào. Cái suy nghĩ lạc hậu cũ mèm ấy nó làm cho nhân cách của bạn nó thấp lắm. Mình nói cho mà nghe cái mà bạn gọi là "mâm trên mâm dưới", đàn ông ngồi trước đàn bà ngồi sau dựa trên cơ sở nào vậy? Hiến pháp 2013 có đầy đủ đó, về đóng cái phòng mà nghiên cứu cho thấm nhuần rồi phát ngôn nhé!

Thêm nữa, bạn có quyền gì mà dám đòi ly hôn khi vợ sinh con gái mà không sinh con trai nhỉ? Về đọc luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nhé..."

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm