Loại giấy do phụ nữ làm ra không thể thiếu trên xử ca của người Mông
(Dân trí) - Trong ngày cuối cùng của năm cũ, người Mông ở Thanh Hóa sẽ dùng giấy bản để thay xử ca (bàn thờ). Giấy bản phải do phụ nữ làm ra mới có ý nghĩa với tổ tiên và đem lại nhiều may mắn trong năm mới.
Nét văn hóa không thể thiếu vào ngày Tết
Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa gần 300km, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa là địa phương có tỷ lệ đồng bào Mông sinh sống nhiều và lâu đời bậc nhất ở xứ Thanh. Pù Nhi hiện có 1.102 hộ với 5.071 khẩu, trong đó tỷ lệ người đồng bào Mông chiếm 73,7% dân số của xã.
Nhiều năm qua, người Mông nơi đây vẫn lưu giữ phong tục làm giấy bản đón năm mới. Dẫn chúng tôi ghé thăm một số gia đình người Mông trên địa bàn, ông Lâu Văn Kỷ - Phó chủ tịch UBND xã Pù Nhi cho biết, người Mông xem giấy bản là vật dụng vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của họ.
"Giấy bản không dùng để viết mà để phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng. Giấy bản với người Mông cũng giống như bánh chưng của người Kinh, không thể thiếu vào ngày Tết Nguyên đán. Đồng bào Mông chúng tôi luôn quan niệm, giấy bản dùng vào các dịp lễ, Tết sẽ mang lại một năm có nhiều sự may mắn cho gia đình, dòng họ", ông Lâu Văn Kỷ cho hay.
Theo ông Kỷ, xử ca (bàn thờ) của người Mông là nơi linh thiêng nhất. Xử ca được làm từ một tấm giấy bản dài khoảng 30cm, rộng hơn 20cm, trên tấm giấy này có dán 3 nhúm lông gà (gà sau khi cắt tiết họ lấy lông nhúng vào bát tiết gà, dán lên giấy bản) rồi dán lên vách tường tại vị trí chính giữa của căn nhà.
Theo tục lệ, vào ngày 30 Tết, người Mông sẽ thay xử ca. Vì vậy, để chuẩn bị cho việc thay xử ca đón năm mới, họ phải chuẩn bị những tờ giấy bản từ trước Tết. "Nếu không có giấy bản tự tay gia đình mình làm ra để thay xử ca thì tổ tiên sẽ không nhận các đồ lễ dâng cúng ngày Tết...", ông Kỷ cho biết thêm.
Ông Kỷ tiết lộ, theo phong tục, phụ nữ người Mông không được lại gần khu vực xử ca. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt, người Mông luôn quan niệm những tờ giấy bản để làm xử ca phải do chính phụ nữ Mông tự tay làm ra thì mới linh thiêng và đem lại nhiều may mắn. Bởi vậy, tất cả các công đoạn làm giấy bản đều do phụ nữ đảm nhiệm.
Lưu truyền nét văn hóa độc đáo
Theo chị Lâu Thị Sung (38 tuổi, trú bản Cơm, xã Pù Nhi), người dân nơi đây không rõ giấy bản có từ bao giờ, chỉ biết đây là phong tục được truyền từ đời này sang đời khác. Chị Sung cũng được mẹ truyền lại cách thức làm giấy bản từ khi còn là một thiếu nữ.
Theo chị Sung, từ cuối tháng 11 Dương lịch, những người phụ nữ đồng bào Mông sẽ gác lại mọi công việc để tập trung làm giấy bản. Họ thức dậy từ tờ mờ sáng để cùng nhau vào rừng tìm nguyên liệu làm giấy bản.
Người Mông ở xã Pù Nhi sử dụng nguyên liệu chính để làm giấy là thân cây giang hoặc các loại cây họ nhà tre như luồng, vầu. Ngoài ra, một nguyên liệu không thể thiếu để tạo chất kết dính là vỏ của nhiều loại cây có nhớt.
"Cây giang không được quá già, cũng không quá non, thân cây phải thẳng, màu sắc xanh óng", chị Sung nói.
Cây giang sau khi chặt về sẽ được chẻ thành từng thanh nhỏ rồi đem rửa sạch. Bước tiếp theo là xếp lần lượt các thanh cây giang vào chiếc chảo lớn rồi nấu cùng với các loại vỏ cây có nhớt khoảng 12-15 tiếng đồng hồ, đến khi thanh giang mềm nhuyễn thì dập lửa. Nguyên liệu sau đó được vớt ra, đem ngâm nước 2-3 ngày rồi dùng chày gỗ giã nhuyễn.
Họ dùng một tấm vải màn để lọc thật kỹ, loại bỏ phần bã rồi lấy thứ hỗn hợp làm giấy. Khâu cuối cùng của việc làm giấy bản là rải đều hỗn hợp này lên khuôn, để ráo rồi đem phơi khô.
Theo chị Sung, công đoạn phơi giấy bản phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Hôm nào thời tiết nắng đẹp, trời khô ráo thì giấy sẽ trắng mịn, không bị xỉn màu. Nếu gặp trời mưa, ẩm ướt thì giấy sẽ không đạt yêu cầu.
Tấm giấy bản của người Mông thường có kích thước 1,2x1,5m, mỗi gia đình dịp cuối năm sẽ làm 3-5 tấm. Giấy bản tuy mỏng nhưng dai và bền.
Ông Lâu Văn Ly - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Lát cho biết, đối với đồng bào dân tộc Mông, phong tục làm giấy bản thể hiện sự gắn kết giữa người sống với tổ tiên và thần linh. Mỗi khi Tết đến, dù nhà giàu hay nghèo, người Mông ngày nay vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống này.
Tiến sĩ Hoàng Minh Tường - Phó trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa - nhà nghiên cứu văn hóa cho biết, người Mông ở Việt Nam có nguồn gốc thiên di từ Trung Quốc đến. Xã Pù Nhi, huyện Mường Lát là vùng đất có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đầu tiên ở Thanh Hóa. Họ thiên di đến đây khoảng vài trăm năm trước. Đối với việc làm giấy bản đón Tết, họ xem đây là phong tục hết sức quan trọng và không thể thiếu trong đời sống. Giấy bản gắn với nghi lễ và tín ngưỡng của người Mông.
Công thức làm giấy bản của người Mông ở các địa phương sẽ có sự khác nhau, khi thiên di đến vùng đất nào đó họ sẽ dựa vào những điều kiện tự nhiên để lựa chọn nguyên liệu làm giấy cho phù hợp.