Người đàn ông vào rừng ở ẩn để "giữ khèn bè truyền thống"

Trần Lê Thanh Tùng

(Dân trí) - Yêu và say mê tiếng khèn bè truyền thống, ông Tình cùng vợ rời trung tâm xã để vào rừng ở ẩn, thỏa niềm đam mê làm khèn bè và sáng tác nghệ thuật.

Người đàn ông vào rừng ở ẩn để "giữ hồn" khèn bè truyền thống

Nếu có dịp ghé thăm vùng đồng bào dân tộc Thái sinh sống, không khó để bắt gặp hình ảnh những thanh niên trai tráng bản địa tay cầm khèn bè nhảy múa trong các dịp lễ hội, đám cưới.

Người đàn ông vào rừng ở ẩn để giữ khèn bè truyền thống - 1
Nghệ nhân Hà Văn Tình, ở xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát - người giữ hồn khèn bè dân tộc Thái ở Thanh Hóa.

Mang âm hưởng đặc trưng cho nét văn hóa truyền thống, khèn bè của người Thái được lưu giữ qua nhiều thế hệ, nó như một báu vật của đồng bào nơi đây. Nhưng ít ai biết, những người làm ra chiếc khèn bè độc đáo ấy lại đang dần trở nên hiếm hoi, mai một.

Ở huyện biên giới Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa hiện vẫn còn một người đàn ông lưu giữ được nét văn hóa làm khèn bè truyền thống. Người đàn ông ấy là một trong số ít những người Thái nơi huyện vùng biên Mường Lát biết làm khèn bè cho đến nay.

Người đàn ông vào rừng ở ẩn để giữ khèn bè truyền thống - 2
Người đàn ông vào rừng ở ẩn để giữ khèn bè truyền thống - 3
Để có nguyên liệu làm khèn, ông Tình phải vào rừng để tìm cây mạnh pao ưng ý nhất.

Ông là Hà Văn Tình (60 tuổi, ở bản Bàn, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát). Tính đến nay, ông Tình đã có hơn 6 năm học và làm loại nhạc cụ độc đáo mang âm hưởng vùng núi cao này.

Ông Tình sinh ra và lớn lên cũng như bao người dân bản địa khác, quanh năm sinh sống bằng nghề cuốc nương, làm rẫy. Trước kia, gia đình ông sinh sống ở ngay trung tâm xã Quang Chiểu.

Người đàn ông vào rừng ở ẩn để giữ khèn bè truyền thống - 4
Để tạo ra một chiếc khèn bè, đòi hỏi người làm phải thật tỉ mỉ từng công đoạn.

Cách đây 6 năm, ông Tình cùng vợ rủ nhau vào khu chân núi nằm giáp biên giới Việt - Lào để dựng nhà, đào ao, thả cá, sống một cuộc sống đơn sơ giản dị nơi núi rừng hoang vắng. Kể từ đó, ông như được thả hồn vào niềm đam mê bất tận với tiếng khèn bè và trở thành nghệ nhân chuyên chế tác khèn bè nổi tiếng vùng núi xa xôi ấy.

Ông kể: "Tôi mê khèn bè và yêu âm thanh của nó. Chính vì vậy tôi quyết tâm phải học bằng được cách làm ra một chiếc khèn bè. Để có nơi yên tĩnh làm việc, tôi đã quyết định rời trung tâm xã để vào chân núi ở. Chỉ có như thế mới thỏa niềm đam mê sáng tác".

Người đàn ông vào rừng ở ẩn để giữ khèn bè truyền thống - 5
Ông Tình đã có 6 năm gắn bó với việc làm những chiếc khèn bè truyền thống để thỏa niềm đam mê.
Người đàn ông vào rừng ở ẩn để giữ khèn bè truyền thống - 6
Không chỉ lưu giữ nét đẹp truyền thống, việc làm khèn bè cũng tạo được một nguồn thu nhập thêm cho gia đình ông Tình.

Những ngày đầu làm khèn, ông Tình phải nhờ người thân mua một chiếc khèn mẫu từ tỉnh Sơn La về để nghiên cứu. Sau khi có mẫu khèn, ông bắt đầu tìm tòi rồi học cách làm. Tuy nhiên, việc khó khăn nhất đó chính là tạo ra âm thanh đặc trưng của khèn bè.

Nghệ nhân Tình chia sẻ, để làm một cái khèn bè phải trải qua các công đoạn hết sức cầu kỳ, tỉ mỉ. Từ khâu lấy nguyên liệu đến sơ chế và chế tác phải mất nhiều thời gian để cho ra một chiếc khèn hoàn chỉnh.

Người đàn ông vào rừng ở ẩn để giữ khèn bè truyền thống - 7
Việc tạo ra âm thanh hay của chiếc khèn phụ thuộc vào lưỡi khèn.

Nói về quy trình làm khèn, ông cho hay: "Nguyên liệu chính để làm khèn là cây nứa tép, hay còn gọi là cây mạnh pao. Cứ khoảng 5 ngày vợ chồng tôi lại cùng nhau vào các cánh rừng cách nhà từ 5 - 7 km tìm và lựa chọn nứa tép. Cây nứa nép đang ở thì bánh tẻ (loại nứa không già, không non) sẽ được lựa chọn đem về phơi khô, uốn thẳng."

Mỗi chiếc khèn sẽ được làm từ 14 đoạn nứa tép, mỗi đoạn dài từ 50 - 60 cm, xếp thành 7 cặp song song nhau. Trên mỗi ống nứa được đục 1 lỗ nhỏ, lắp lưỡi gà (lưỡi gà làm bằng thanh đồng mỏng, nhỏ để tạo âm thanh khi thổi).

Sau đó, dùng Pố Khèn (làm bằng gỗ xoan) để xếp nối các ống nứa lại với nhau sao cho vừa vặn. Một đầu của Pố Khèn được dùng làm ống thổi thông với các ống nứa để tạo ra âm thanh sắc giòn, mảnh.

Người đàn ông vào rừng ở ẩn để giữ khèn bè truyền thống - 8
Những năm trở lại đây, những người làm khèn bè như nghệ nhân Tình đang dần ít đi ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa.

Hiện, mỗi năm ông Tình thường làm và bán được khoảng 20 chiếc khèn, với giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/chiếc. Dù không bán được nhiều, nhưng làm khèn ngoài có thêm thu nhập, còn giúp ông thực hiện được ước nguyện gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người Thái mà ông theo đuổi suốt nhiều năm qua.

Theo ông Ngân Trọng Hiệp, Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, hiện nay, khèn bè ngày càng ít người biết làm, ít người biết thổi. Ông Hà Văn Tình là một trong nghệ nhân đặc biệt của xã Quang Chiểu, đang khôi phục và lưu giữ lại bản sắc văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn huyện Mường Lát nói chung và xã Quang Chiểu nói riêng. Ông Tình là vốn quý của dân tộc Thái hiện nay và cả thế hệ mai sau.