Thái Bình:

Lên phương án "giải cứu" các di tích lịch sử văn hóa xuống cấp

(Dân trí) - Trong quá trình đi kiểm tra công tác quản lý một số di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu lên phương án bảo tồn, trùng tu, các di tích lịch sử văn hóa đang xuống cấp nghiêm trọng...

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình xuống cấp của chùa Thiên Quý (chùa Ký Con), xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng và đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư; kiểm tra công tác tu bổ, tôn tạo tại miếu Hai Thôn, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư.

Đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, là nơi đã từng đón Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ và nhân dân địa phương năm 1967. Đình Phương Cáp được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1993, hiện đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Sân đình thấp hơn đường làng và khu vực xung quanh khoảng 40cm, thường bị ngập úng khi có mưa, đại bộ phận các kết cấu bị mối mọt xâm hại nghiêm trọng.

Lên phương án giải cứu các di tích lịch sử văn hóa xuống cấp - 1

Sân đình Phương Cáp thấp hơn đường làng và khu vực xung quanh khoảng 40cm, thường bị ngập úng khi có mưa, đại bộ phận các kết cấu bị mối mọt xâm hại nghiêm trọng (ảnh: C. Biền)

Ông Thăng yêu cầu Sở VH-TT&DL khẩn trương phối hợp với UBND huyện Vũ Thư khảo sát và có đánh giá chi tiết, lên phương án bảo tồn, trùng tu; đồng thời đề nghị chính quyền và nhân dân địa phương tích cực kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân, con em xa quê thành đạt để nâng cấp, đại tu di tích trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế.

Miếu Hai Thôn (xã Xuân Hòa, Vũ Thư) là di tích thờ vua Lý Nam Đế và hoàng hậu, được xét công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1986. Sau khi kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn ngân sách để khôi phục, tôn tạo di tích, ông Thăng yêu cầu ngành văn hóa và chính quyền địa phương, Ban quản lý Di tích có phương án gìn giữ các di tích cổ, báo cáo kịp thời những hạng mục xuống cấp để kịp thời có phương án tu bổ, sửa chữa.

Tại Chùa Ký Con (xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng), ngôi chùa còn giữ được nhiều di tích đặc biệt, nhất là các tượng La Hán cỏi, được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1989. Tại ngôi chùa này, hệ thống cột kèo, mái che đã bị mối mọt, mục nát. Ông Đặng Trọng Thăng yêu cầu Sở VH-TT&DL cùng UBND huyện Đông Hưng và UBND xã Đông Xuân khẩn trương lên phương án trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ chống xuống cấp, sau đó cần huy động các nguồn lực xã hội hóa để tu sửa toàn bộ công trình.

Lên phương án giải cứu các di tích lịch sử văn hóa xuống cấp - 2

Chùa Ký Con mái che đã bị mối mọt, mục nát (ảnh: C. Biền)

Sau khi đi thị sát một số công trình di tích lịch sử, ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, yêu cầu ngành VH-TT&DL cần nắm chắc chất lượng các công trình di tích lịch sử văn hóa, nhất là Di tích cấp Quốc gia trên địa bàn tỉnh này hiện đã xuống cấp nghiêm trọng để xin chủ trương lập dự án tu bổ tôn tạo nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử.

Minh Tuyến