Lễ hội Xuân đền Mẫu Phố Cò 2024: Bảo tồn di tích văn hóa địa phương

Hà Thanh

(Dân trí) - Lễ hội Xuân đền Mẫu Phố Cò 2024 (tỉnh Thái Nguyên) được tổ chức với nhiều nội dung phong phú như: múa lân, trống hội, lễ dâng hương và thi sắp cỗ…

Ông Đặng Phương Hồng, Phó Chủ tịch UBND Phường Phố Cò, Phó Trưởng Ban Tổ chức lễ hội đền Mẫu Phố Cò năm 2024 nói: "Xuất phát từ nhu cầu tâm linh của nhân dân trên địa bàn, xuất phát từ truyền thống của dân tộc Việt Nam là thờ Mẫu, đối với địa phương, trong những năm gần đây, chúng tôi quan tâm đến công tác văn hóa, thể thao, du lịch và đặc biệt là quan tâm đến công tác tôn giáo, tín ngưỡng.

Việc tổ chức lễ hội Xuân đền Mẫu Phố Cò nhằm bảo tồn, phát huy di tích, tạo không gian văn hóa cho Nhân dân địa phương và du khách".

Lễ hội Xuân đền Mẫu Phố Cò 2024: Bảo tồn di tích văn hóa địa phương - 1

Nghi lễ rước kiệu ở đền Mẫu Phố Cò (Ảnh: BTC cung cấp).

Theo ông Đặng Phương Hồng, Lễ hội đền Mẫu Phố Cò 2024 đã diễn ra với nhiều nội dung phong phú như: múa lân, trống hội, lễ dâng hương của các đại biểu và khách mời, thi sắp cỗ của 12 tổ dân phố trên địa bàn.

Đặc biệt, nghi lễ rước mẫu vân du từ đền Mẫu Phố Cò, qua đền Thanh Lâm là một nghi lễ đặc biệt quan trọng trong ngày hội truyền thống của đền Mẫu Phố Cò mới được phục dựng từ năm 2023, với sự tham gia của hơn 1.000 người.

Đội hình rước mẫu vân du được sắp xếp theo trình tự đi đầu là đội múa sư tử, tiếp đó là đoàn rước Quốc kỳ và cờ hội, đoàn người đánh chiêng, trống, rước tàn, lọng, đội kiệu, chủ tế và quan viên, các cụ cao tuổi và đông đảo nhân dân địa phương, tiếp đó là các đoàn rước lễ dâng mẫu của các tổ dân phố trên địa bàn phường.

Nghệ nhân Ưu tú Phùng Văn Thanh cũng cho biết, đền Mẫu Phố Cò từ lâu đã nổi tiếng là một ngôi đền linh thiêng, không chỉ du khách trong tỉnh mà còn thu hút khách thập phương. Mỗi du khách khi đặt chân lên đất Thái Nguyên tham quan, du lịch, khi đi qua đền Mẫu đều dừng chân vào vãn cảnh, thắp nén nhang tại đền.

Theo TS, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh, Thủ nhang đồng đền (đền Mẫu Phố Cò), ông luôn luôn trân trọng và mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng cộng đồng người Việt, đặc biệt là những giá trị trang nghiêm tố hảo của nghi lễ Rước kiệu đền Mẫu Phố Cò. Lễ hội là một trong những hoạt động nhằm giữ gìn và bảo tồn và huy các giá trị của di tích lịch sử, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ hội Xuân đền Mẫu Phố Cò 2024: Bảo tồn di tích văn hóa địa phương - 2

Nghệ nhân Ưu tú Phùng Văn Thanh thực hành nghi lễ tại đền Mẫu Phố Cò (Ảnh: BTC cung cấp).

Đền Mẫu Phố Cò đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Thái Nguyên theo Quyết định số 2782/QĐ-UBND, ngày 6/8/2008, của UBND tỉnh. Đền là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng địa phương và du khách, góp phần gắn kết cộng đồng, quảng bá nét đẹp văn hóa đặc trưng của địa phương cũng như Tín ngưỡng thờ Mẫu.

Đền Mẫu Phố Cò được hình thành vào khoảng giữa thế kỷ XIX: khi đó Phố Cò vẫn còn là nơi hoang vu. Đến những khoảng năm 1860, mới có người đến khai hoang vỡ đất, làm ăn sinh sống sau đó lập nên một ngôi miếu nhỏ để thờ thổ thần với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, cầu sự bình an.

Thời gian qua đi, ngôi miếu trở thành nơi lui tới thường xuyên của nhân dân trong vùng để cầu phúc. Với địa thế cảnh quan đẹp, hài hòa, tiện đường giao thông, nhiều khách bộ hành qua lại, dừng chân vãn cảnh, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, người dân trong vùng đã lập thành đền Mẫu, thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh, sau thờ cả Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương, Tam phủ, Tứ phủ.

Hiện tại, trong đền còn có nơi thờ tự Bác Hồ và các liệt sĩ người địa phương đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.