Chen chân xem rước thuyền rồng ở lễ hội Cầu Ngư lớn nhất xứ Thanh

Thanh Tùng

(Dân trí) - Đến với lễ hội Cầu Ngư, hàng nghìn người dân háo hức chờ đợi màn rước thuyền Long Châu, đi dọc con ngõ nhỏ để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ngư Lộc là xã ven biển của huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trong thời kì phong kiến, Ngư Lộc được biết đến với tên làng Diêm Phố. Đây là xã được mệnh danh có mật độ dân số thuộc hàng cao nhất Việt Nam.  

Đến hẹn lại lên, từ ngày 22 đến 24/2 âm lịch, tại xã Ngư Lộc diễn ra lễ hội Cầu Ngư. Đây là lễ hội thường niên, có quy mô lớn nhất tỉnh Thanh Hóa.

Chen chân xem rước thuyền rồng ở lễ hội Cầu Ngư lớn nhất xứ Thanh - 1

Hàng nghìn người dân chen chân tham gia lễ rước thuyền Long Châu (Ảnh: Hoàng Dương).

Lễ hội Cầu Ngư hay còn gọi là lễ hội Cầu Mát, gắn liền với lịch sử thành lập của ngư dân làng Diêm Phố.

Với giá trị văn hóa lâu đời, lễ hội Cầu Ngư luôn thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia. Năm nay, thời tiết nắng ráo, từ những ngày đầu, lễ hội đã thu hút hàng vạn người dân, du khách tham gia.

Lễ hội Cầu Ngư gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với nghi lễ rước kiệu vàng, thuyền Long Châu (chiếc thuyền đầu rồng), đây là những lễ vật quan trọng nhất trong lễ hội.

Chen chân xem rước thuyền rồng ở lễ hội Cầu Ngư lớn nhất xứ Thanh - 2

Lễ rước thuyền Long Châu thu hút đông đảo người dân tham gia (Ảnh: Hoàng Dương).

Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, các dòng họ trong xã đến trước thuyền Long Châu cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa đánh bắt hải sản thắng lợi, đời sống ngư dân ấm no hạnh phúc.

Tiếp theo là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao sôi nổi, mang đậm nét văn hóa truyền thống vùng biển như: thi câu mực, kéo lưới, thi cờ tướng, hát giao duyên, biểu diễn nhạc lưu thủy...

Chen chân xem rước thuyền rồng ở lễ hội Cầu Ngư lớn nhất xứ Thanh - 3

Dọc các con đường, ngõ xóm ken đặc người tham dự lễ hội (Ảnh: Hoàng Dương).

Anh Nguyễn Văn Tuấn, người dân xã Ngư Lộc, chia sẻ: "Đây là lễ hội lớn ở địa phương, mặc dù đang công tác, sinh sống tại thành phố Thanh Hóa, nhưng đến ngày lễ hội, gia đình tôi thường gác lại công việc để đi xem lễ rước kiệu, rước Long Châu".

Lễ hội cầu ngư xã Ngư Lộc đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia từ ngày 11/9/2017.