Việt Nam thân thương:

Lãng đãng cà phê Hà Nội

(Dân trí) - Có những buổi chiều, bàn chân không định mà rẽ đến quán quen, đến nhiều thành thuộc cả nhịp thay lá của những cái cây trước cửa và thuộc cả cảm giác bình yên lúc bước chân về, biết rằng có ánh mắt tiễn đưa thấu hiểu của một người quen chưa hề trò chuyện.

(Ảnh: Giacaphe.com)


(Ảnh: Giacaphe.com) Đã rất nhiều người viết ngợi ca, cảm nhận, xốn xang hoài niệm về cà phê Hà Nội. Những Nhân, những Lâm, những Giảng, những Năng..., những tên quán, tên người đã trở nên quen thuộc, thậm chí ngay cả với những người chưa một lần ngồi cà phê Hà Nội. Nhưng, cái tình của cà phê Hà Nội không ở sự nổi tiếng của tên quán, tên người. Cà phê Hà Nội bình dị hơn, xao xuyến hơn cả những huyền thoại mà người ta có thể gọi tên.

Trong vòng 30 năm qua, Hà Nội đã đổi thay rất nhiều, từ hạ tầng đô thị, đến xu hướng tiêu dùng, đời sống thị dân… Cà phê Hà Nội cũng thế. Người ta đã thấy những góc phố Highland, những Trung Nguyên biệt thự được chuẩn hóa từ bàn ghế, ly tách đến hương vị cà phê. Nhiều tên tuổi của cà phê Hà Nội xưa cũng dần chuyển màu.

Cà phê Nhân bán cả fastfood. Cà phê Giảng “độ” lại ngoại thất đậm phong cách Italia... Người Hà Nội vốn nhiều hoài niệm, tưởng như sự đổi màu, bỏ đi bản sắc của những tên tuổi lừng danh cà phê Hà Nội sẽ làm cho nhiều người tiếc nuối, thế mà không. Thế mới hay những ấn tượng cà phê Hà Nội xưa kia vốn dĩ bị hiểu lầm.

Trước cửa ga Hà Nội, phía đường Trần Quý Cáp, có một quán cà phê xem chừng chẳng có gì đặc biệt, nhưng lại đông khách vào buổi tối. Cái quán tối tăm, khá ồn ào, có dạo đêm nào cũng chiếu video phim chưởng. Bức tường cũ, những bức tranh cũ, chân dung một thiếu nữ u buồn, khuôn mặt một thiếu phụ thanh tú, xanh xao lúc ẩn lúc hiện phía sau những lọ, chai, bình, vại ở quầy bar. Nàng lặng lẽ như một cái bóng, đôi khi lướt qua khi mang đồ uống cho vị khách nào đó.

Khách thì đủ loại. Có những người bồn chồn ngồi rít thuốc một mình, có đôi tình nhân bịn rịn tìm bàn tay nhau, có kẻ điềm nhiên ngồi ngắm sự vội vã của nhân gian... Tất cả đều im lặng trong ánh đèn đường mờ tối hắt qua những tán bàng, sự im lặng lạ thường đến mức âm thanh loảng xoảng của những pha đâm chém trên ti vi cũng thành sự ồn ào vô vọng. Một lát cắt của cà phê Hà Nội, nơi người ta có thể theo đuổi những ý nghĩ riêng tư trong không gian hỗn độn.

Ngã tư Phan Chu Trinh - Trần Hưng Đạo có một cội sưa già thường nở hoa trắng xóa mỗi tháng Hai âm. Đó cũng là thời điểm khó tìm chỗ ngồi ở một quán cà phê gần đó. Quán với dăm bộ ghế mây rẻ tiền, mấy bức tranh chép, bà chủ trung niên, khách không sành điệu. Thường ngày, quán là nơi buôn chuyện của đám nhân viên vài văn phòng gần đấy. Còn khi hoa sưa nở, người ta thấy có những vị khách vừa lạ vừa quen. Có người đàn ông tóc bạc thỉnh thoảng đến một mình. Có đôi tình nhân kẻ trước người sau đến ngồi vào chỗ mà không gọi đồ uống, bà chủ chỉ gật đầu bưng ra cà phê đen không đường cho người đàn ông, cà phê nâu cho người phụ nữ. Khách nhìn ra đường, bà chủ nhìn ra đường, phố mưa phùn tả tơi hoa trắng.

Tôi là khách quen, không phải dân văn phòng buôn chuyện, cũng không phải những khách tháng Hai. Có những buổi chiều vô vị bàn chân không định mà rẽ đến quán quen. Nhiều buổi chiều như thế nên thuộc cả nhịp chuyển sắc màu của những cây sưa, cây cơm nguội trước cửa, và nữa, thuộc cả cảm giác bình yên mỗi lúc bước chân về mà cảm giác có ánh mắt tiễn đưa thấu hiểu của một người quen chưa hề trò chuyện. Cà phê ngon đôi khi chỉ là cái cớ cho người ta tìm thấy tâm hồn mình đang đâu đó ngoài kia.

Trong một bộ phim không nhớ tên của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng có một chi tiết khó quên là nhân vật nữ ngồi trong quán cà phê của mình ngày này qua ngày khác nhìn vào những góc tường. Ở đó, cô luôn thấy hiện ra những vẻ mặt quen thuộc của những vị khách dường như đã in sâu vào không gian cà phê của họ. Có thể đạo diễn Trần Anh Hùng đã bắt được cái thần thái của cà phê Hà Nội trong một cảnh quay thật độc đáo. Và có lẽ cũng chẳng phải vô tình, nữ diễn viên chính trong bộ phim đó là nghệ sĩ Như Quỳnh. Chị cũng từng là một bà chủ quán cà phê ở phố cổ. Cà phê Quỳnh.

Cà phê Quỳnh có gì hay? Chẳng có gì! Nhạc không, đồ uống đặc sắc không, chỉ cà phê và mấy thứ lặt vặt… nhưng thích. Thích vì có một cảm giác rất Hà Nội: trầm tĩnh, yên bình, nhịp đời chầm chậm trôi qua trên gương mặt lặng lẽ của những khách quen thôi.

Cà phê Quỳnh giờ đã đóng cửa. Ngôi nhà hình như đã được sử dụng để kinh doanh mặt hàng khác, doanh thu tốt hơn. Không có gì ngạc nhiên. Những ngôi nhà mặt phố như vậy ở Hà Nội đáng cả núi tiền. Cho thuê mỗi tháng cũng có thu nhập gấp chục lần mở quán cà phê. Ngạc nhiên chăng là ở Hà Nội có nhiều ngôi nhà như vậy nhưng lại chỉ để mở quán cà phê. Ở đường Tràng Thi, quán thậm chí chỉ có thể kê đủ ba đôi ghế, cà phê pha rất đậm mà giá thì không thể rẻ hơn. Đầu phố Thợ Nhuộm cũng có một quán như vậy. Bà chủ thậm chí còn thuộc hết tên tuổi, tính tình mọi khách hàng, chủ yếu đến từ mấy cơ quan quanh đó.

Những quán giống nhau, nhỏ, tuềnh toàng mà ấm cúng, chủ yếu khách quen. Cà phê cũng giống nhau, rất đậm, rang xay không phụ gia. Bà chủ cũng giống nhau với những khuôn mặt phúc hậu, mềm mại, ánh mắt thay lời của người Hà Nội xưa. Họ bán cà phê không phải để mưu sinh, chỉ để sáng ra mở cửa, mua một mớ hoa tươi từ xe đạp ngoại ô để thể hiện sự khéo léo của mình rồi chìm vào suy tưởng của riêng họ trong không gian thân thuộc, đều đặn mỗi ngày như không bao giờ nhàm chán. Phải chăng đó chính là phong vị đặc trưng của cà phê Hà thành? Là không gian của những người mặc kệ sự biến thiên của dòng đời để giữ lấy những cảm giác xưa cũ của một Hà Nội chầm chậm, man mác, vô ưu...

Hà Nội gần đây có một thương hiệu cà phê chừng mới nổi, chọn một cái tên quán đầy hoài niệm: “Tonkin”. Vợ chồng chủ quán còn khá trẻ, kinh doanh kiểu hiện đại, làm thương hiệu từ những chi tiết nhỏ nhất và nhanh chóng phát triển một chuỗi cửa hàng ở những khu phố nhiều văn phòng. Quán nào cũng đông, ngồi tràn cả vỉa hè. Bọn trẻ chịu chơi, đám nghệ sĩ ồn ào, dân kinh doanh trẻ. Cà phê khá ngon, hương vị khó lẫn, giá cả phải chăng, tiện nghi mà thoải mái, phố lớn vỉa hè to... Tưởng như đó là phong cách mà chủ quán mong muốn và đã đem lại sự thành công cho họ. Thế nhưng, nơi ẩn náu cuối cùng của ông chủ quán lại là một gian quán trong ngõ nhỏ Hạ Hồi. Quán rất nhỏ. Bàn ghế cọc cạch, sô pha cũ đặt cạnh sa lông gỗ tay cong thời bao cấp. Quạt đồng Marelli treo trên tường bồi giấy. Một chỗ để chơi chứ chẳng phải kinh doanh. Đến đó, chợt nhận ra tên quán “Tonkin” - Bắc Kỳ thực dân phải chăng cũng là một hoài niệm?

 


* Độc giả tham gia viết bài cho cuộc thi Việt Nam thân thương xin gửi mail về địa chỉ: vietnamthanthuong.firstnews@gmail.com. Xin trân trọng cảm ơn!

 

Lão Phạm