Làm sống lại “hồn” tranh Việt trong dòng chảy văn hoá đương đại

(Dân trí) - Với mong muốn được làm sống lại những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của người Việt xưa thông qua tục chơi tranh – treo tranh trong dịp Tết cổ truyền, các cán bộ và giảng viên Đại học Mỹ Thuật đang nỗ lực gầy dựng dự án “Cùng bé sáng tạo - Khám phá tranh tết”.

Hồi sinh nếp xuân xưa

Tranh Tết là nét đẹp không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán truyền thống của người Việt. Các làng tranh xưa cứ đến Tết lại nhộn nhịp quẩy tranh đi bán khắp các nẻo chợ quê mang hương xuân sắc tết đến từng nhà.

Trước cơn lốc của biến đổi của đời sống văn hóa đương đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã ít nhiêu bị phai mờ và ngắt quãng. Những năm gần đây, nhiều giá trị văn hóa dân gian truyền thống bắt đầu được “chấn hưng”. Tranh dân gian, tranh Tết bắt đầu trở lại.

Để giúp thế hệ trẻ hiểu hết các giá trị, ý nghĩa của các dòng tranh dân gian Việt TS. Trang Thanh Hiền cùng các giảng viên, sinh viên trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam đã xây dựng chương trình “Cùng bé sáng tạo - Khám phá tranh tết”.

Những thành viên trong BTC sẽ nỗ lực làm sống lại hồn tranh Việt qua các hoạt động vui chơi cho các bé.
Những thành viên trong BTC sẽ nỗ lực làm sống lại hồn tranh Việt qua các hoạt động vui chơi cho các bé.

Thông qua các hoạt động: tìm hiểu về tranh dân gian, vẽ, in trực tiếp, đố vui về tranh dân gian… các bé sẽ có được cảm giác sáng tạo thú vị và được trải nghiệm cảm giác chuẩn bị cho một không gian văn hóa Tết Việt truyền thống.

Nhà phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền cho rằng, trong sự “đứt gãy” của những giá trị văn hóa truyền thống, những dự án nghệ thuật như thế này có thể xem như nỗ lực của các nghệ sĩ tạo hình nhằm đưa các giá trị văn hóa dân gian trở về và sống trong lòng văn hóa đương đại.

Với vai trò là diễn giả, trong khuôn khổ chương trình, TS. Trang Thanh Hiền cũng sẽ có một buổi trò chuyện về ý nghĩa và giá trị của tranh Tết dân gian. Những bức tranh qua quá trình lịch sử đã trở thành một thành tố không thể thiếu của đời sống Việt, mang đậm hồn Việt. Sự khác biệt của các dòng tranh dân gian Việt cũng sẽ được chia sẻ trong buổi nói chuyện này.

Tranh làng Sình xứ Huế đang được khôi phục bởi tâm huyết của những nghệ nhân tài năng.
Tranh làng Sình xứ Huế đang được khôi phục bởi tâm huyết của những nghệ nhân tài năng.

Không chỉ tạo ra sân chơi cho các bé, dự án cũng là hoạt động tiếp tục hướng đến mục tiêu thiện nguyện, kêu gọi tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng. Các bé tham gia sự kiện đồng thời đã đóng góp một phần kinh phí giúp các bạn nhỏ vùng cao ở xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vượt mùa đông giá rét, đón cái Tết cổ truyền bên gia đình.

Chương trình bắt đầu từ ngày 17/1/2016 tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam. Sau buổi khai mạc ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hoạt động này sẽ được tiếp tục triển khai tại số 5 Đào Duy Từ, trong khuôn khổ triển lãm “Nét Xuân”. Lịch dự kiến sẽ triển khai vào chủ nhật ngày 21/2/2016.

Tranh Việt sẽ sống!

Bà Nguyễn Thu Hòa - Nhà sưu tập tranh ở Hà Nội cho biết, hiện nay, kinh tế càng ngày càng phát triển, nhân dân có nhu cầu tìm về những giá trị dân gian, tâm linh.... Tranh dân gian Việt Nam đang từng bước phục hồi và phát triển. Tranh dân gian Đông Hồ là dòng tranh phục vụ cho số đông, kiều bào nước ngoài cũng như nhân dân trong nước. Có 3 gia đình nghệ nhân vẫn còn giữ được lửa nghề: Nghệ nhân Nguyễn Đăng Giáp, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam (con trai là Nguyễn Hữu Quả) và Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Mỗi gia đình ít thì có 2 cho đến 3 lao động, gia đình nhiều thì có tới hơn 10 lao động chuyên làm tranh bán quanh năm.

Bộ khắc tranh 12 con giáp của dòng tranh làng Sình.
Bộ khắc tranh 12 con giáp của dòng tranh làng Sình.

Gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giờ đã thành lập Công ty sản xuất tranh với những nhân công chính là con cháu trong dòng họ. Có một mảnh đất hơn 5000m2 đầu làng Đông Hồ, có phòng trưng bày, có xưởng sản xuất, có cả 1 căn nhà mái gianh để trưng bày tranh theo lối cổ. Khách ra vào nườm nượp nhất là dịp sát Tết dương lịch, âm lịch để đặt tranh biếu, tặng, đắt hàng nhất vẫn là lịch năm mới bằng tranh Đông Hồ.

Trước đây, tranh Đông Hồ có 2 dòng chính, dòng để thờ và dòng tranh treo chơi thì nay thường thì người dân chỉ mua về treo chơi, để nhớ lại mội thời đã qua, tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc. Giá tranh cũng dễ làm mềm lòng người mua, chỉ với 30 000 VNĐ/1 bức tranh to bằng khổ A4 là có những niềm vui nho nhỏ trong nhà rồi.

Một bản mộc bản của dòng tranh Đông Hồ.
Một bản mộc bản của dòng tranh Đông Hồ.

Bên cạnh đó, được sự giúp đỡ của 1 nhà sưu tập người Pháp cung cấp cho nghệ nhân Nguyễn Đăng chế gần 100 bản Đông Hồ đã bị thất lạc do chiến tranh. Nghệ nhân cũng đã phục hồi được 30 mẫu để cung cấp cho thị trường tranh Đông Hồ và ông cũng vẫn đang tiếp tục quá trình phục hồi lại hơn 70 mẫu còn khuyết thiếu.

Tranh Hàng Trống thì đắt hơn với tranh khổ A4 đã là 500 nghìn, hiện nay chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiêm sáng tác. Tranh Hàng Trống không phải là tranh sản xuất hàng loạt như tranh Đông Hồ mà sau khi in nét chính, phải dùng bút màu tô, vờn ... vậy nên mỗi bức tranh đều mất thời gian hơn nhiều so với tranh Đông Hồ. Những khách hàng đến đặt nghệ nhân vẽ thường là Đình, chùa, miếu, mạo nhất là những nơi thờ mẫu ... tranh thiên về thờ cúng. Vì thế, nghệ nhân vẽ miệt mài quanh năm không hết việc nhiều khi khách còn phải xếp hàng chờ đến lượt mình.

Tranh Việt sẽ sống dù cơn lốc văn hoá đương đại đang làm biến đổi nhiều thứ.
Tranh Việt sẽ sống dù cơn lốc văn hoá đương đại đang làm biến đổi nhiều thứ.

Tranh làng Sình, nếu trước đây, chỉ có mỗi nghệ nhân Kỳ Hữu Phước sản xuất quanh năm thì nay hơn 70 hộ trong làng cũng cùng tham gia sản xuất. Tranh làng Sình chủ yếu là tranh cúng thế mạng, tuy nhiên bắt kịp nhu cầu của người dân, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã sáng tác một số tranh đề tài mới, hội làng, bài chòi, đấu vật, bộ 12 con giáp ..... phục vụ cho nhân dân trong Huế cũng như khách du lịch .... Giá tranh cũng rất rẻ, chỉ từ 1000 VNĐ đến 30 000 VNĐ là đã có tranh làng Sình, có một món quà dễ thương, mộc mạc, đậm chất Huế để mang về.

Tranh Kim Hoàng lau nay bị xem là thất truyền, nhưng ở làng Hồ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế còn lưu lại được một số mẫu, kéo cưa lửa xẻ, ngựa, gà... nghệ nhân cũng tiếp tục phục hồi ván khắc để cung cấp cho những khách hàng đặt riêng, sưu tầm. Sự phục hồi của các làng tranh dân gian còn phụ thuộc vào hành động cụ thể thế hệ đương thời, nhất là thế hệ trẻ.

Hà Tùng Long