Lam Phương - Một đời "trăm nhớ ngàn thương"

Bảo Khánh

(Dân trí) - Dù cho Lam Phương viết về nhiều chủ đề, nhưng phần lớn ca khúc được ưa thích của ông là những bản nhạc tình, viết cho tình yêu, viết cho thân phận. Nhiều bài trong số đó, ông dành cho chính mình.

Lam Phương - Một đời trăm nhớ ngàn thương - 1

Nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ.

Lam Phương bắt đầu sáng tác từ thập niên 1950, có sự nghiệp đồ sộ với khoảng hơn 200 ca khúc viết về nhiều chủ đề, từ tình yêu quê hương, tới thân phận con người, kiếp sống tha hương…

Nhưng hơn tất cả, những người yêu mến nhạc của ông vẫn nhớ về ông nhất với thể loại nhạc tình, viết về tình yêu.

Trong số trên 200 tác phẩm, Lam Phương đề cập nhiều thể loại đề tài, những câu chuyện dựng trên nền nhiều khung cảnh vô cùng sinh động, từ cuộc sống thôn quê thanh bình, nơi có "trời bao la, ánh nắng mai hé đầu ghềnh, lan dần tới đồng xanh" (Nắng đẹp miền Nam), tới những phố núi nơi "vừa đi đã mỏi, đường quanh co quyện gốc thông già" (Thành phố buồn), hay những bãi biển có "sóng vỗ từng lớp xa, bọt tràn theo từng làn gió đưa" (Biển tình)...

Dường như tất cả mọi thân phận, mọi hình ảnh ông cảm nhận được đều có thể đi vào nhạc, từ cuộc đời "người nông thôn quên sương gió" tới những người trai khoác áo lính, từ những cơ cực của kiếp nghèo "sống tha hương thân gầy gò gửi cho gió sương", tới những đôi lứa ngập tràn hạnh phúc, vùng vẫy trong tình yêu, những nụ cười, những giọt lệ đớn đau hay hoan hỉ, đều được ông đưa vào nhạc.

Dù cho Lam Phương viết về nhiều chủ đề, phần lớn ca khúc được ưa thích của ông là những bản nhạc tình, viết cho tình yêu, viết cho thân phận. Nhiều bài trong số đó, ông dành cho chính mình. Nhạc tình của ông như một dòng chảy tự nhiên tha thiết và lưu lại đậm dấu trong tâm trí nhiều người yêu nhạc.

Viết về nỗi buồn trong tình yêu, có lẽ không nhạc sĩ nào qua nổi Lam Phương. Ca từ và giai điệu trong các ca khúc của ông đã chuyên chở được đầy đủ cảm xúc buồn bã, não nề, đầy đủ tâm trạng buồn vui của những người chớm yêu hay đau đớn khi tình yêu vỗ cánh bay đi.

Từ những nỗi buồn man mác và lãng mạn, không dễ dàng cắt nghĩa, giống như chuyện tình trong tác phẩm Thành phố buồn, lấy bối cảnh thành phố Đà Lạt với rừng thông chen lẫn sương khói hư ảo:

Thành phố nào nhớ không em?
Nơi chúng mình tìm phút êm đềm
Thành phố nào vừa đi đã mỏi
Đường quanh co quyện gốc thông già
Chiều đan tay nghe nắng chan hòa
Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em
Mắt em buồn trong sương chiều...
Anh thấy đẹp hơn…

Lam Phương - Một đời trăm nhớ ngàn thương - 2

Bìa tờ nhạc "Thành phố buồn"

Tới những nỗi buồn đau, đắng cay của cặp đôi bên nhau trong lần cuối trước khi chia lìa. Những ca từ thổn thức chan hòa nước mắt, như tiếng lòng của người trai trong đêm cuối, tâm sự với người tình của mình để rồi hôm sau hai người phải lìa xa:

Giọt lệ này em cho anh hơn tất cả
Giọt lệ sầu em đã giết trọn tim anh
Đêm hôm nay trên cánh tay này
Ta cho nhau những lời nồng say
Chuyện tình mình xây bằng nước mắt
Có bao giờ tan vỡ đâu em?
Tàn hẹn hò, em suy tư, anh thức trắng
Gần một người sao vẫn thấy lòng cô đơn
Khi xa em đau buốt tâm hồn
Nghe quanh đây đâu cũng là em
Và từng hồi ngoài hiên lá rụng buồn thêm...
(Giọt lệ sầu)

Sự buồn bã của người trai tự hỏi lòng đầy thương nhớ "chiều hôm nay trời thanh vắng em đi về, về với ai?", được ông khắc họa đầy sinh động:

Mất em rồi, xa em rồi
Hoa đã tàn, nhụy đã phai
Chiều hôm nay trời thanh vắng em đi về, về với ai
Một người đi, một người sầu
Nhìn hoa úa buồn về mau
Đôi chân mòn tìm dư âm hè phố vắng
Lòng còn thương, tình còn nồng
Mà đêm nhớ, ngày chờ mong
Bao thu rồi nhìn lá chết rơi ngoài song...
(Trăm nhớ ngàn thương)

Bão tố triền miên ngày em về nhà đó
Buồn hắt buồn hiu ngõ đêm sầu cô liêu
(Cỏ úa)

Có thể thấy Lam Phương là bậc thầy về ngôn từ khi mô tả tâm trạng con người. Hầu hết các bài hát hát nói lên câu chuyện về những cuộc tình dang dở đều chạm tới tâm can người nghe, khiến cho bất cứ ai cũng đều cảm thấy ca từ ấy, có đôi lúc, trong những hoàn cảnh cụ thể, dường như là tác giả viết cho chính mình. 
Anh đâu ngờ
Có ngày đàn đứt dây tơ
Một phút tim anh ơ hờ
Trọn kiếp anh vương sầu nhớ
Nói đi em cả đời mình mãi đi tìm
Cả đời mình xây ước mơ
Cho ngày mộng được nên thơ
Cuối cùng là tình bơ vơ
(Tình bơ vơ)

Những sắc thái trong phút giây chia xa, có lẽ không ca khúc nào ấn tượng và đi vào lòng người sâu sắc hơn "Phút cuối":
Chỉ còn gần em một giây phút thôi
Một giây nữa thôi là xa nhau rồi
Người theo cánh chim về vui với đời
Để lại thương nhớ cho kiếp đơn côi
Núi đồi lồng lộng chiều mưa nhớ ai
Biển xanh vẫn xanh người đi sao đành
Để trong giấc mơ hồn anh thẫn thờ
Em ơi bao giờ mới được gần nhau...

Ca từ, giai điệu dễ nghe, dễ hát, dung dị, nhiều câu từ mộc mạc, chân phương, giống như lời ai đó tự sự, nghĩ sao viết ra như vậy, khiến cho người nghe có cảm giác được đồng cảm, như nói hộ tiếng lòng, nhất là khi ở trong hoàn cảnh u sầu, trắc trở trong yêu đương.

Tình yêu với những sắc thái đối lập, từ hạnh phúc, khổ đau, buồn tủi, vui mừng… được Lam Phương khai thác triệt để tới từng khía cạnh nhỏ nhất. Kho nhạc tình của ông giống như một vườn hoa muôn sắc, không bông hoa nào lẫn với bông nào.

Bên cạnh những sáng tác buồn, Lam Phương còn để lại nhiều bài hát thể hiện niềm hạnh phúc tuyệt vời của những cặp tình nhân khi bên nhau:
Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa
Bọt tràn theo từng làn gió đưa
Một vầng trăng sáng với tình yêu chúng ta
Vượt ngàn hải lý cũng không xa
Biển rộng đất trời chỉ có ta
Thì dòng ngân hà mình cũng qua
Biển không biên giới, như tình anh với em
Hơn cả những vì sao đêm...
Trăng nhô lên cao, trăng gác trên đầu núi
Mây xanh xanh lơ vì đắm say tình mới
Đến đây với em mà ngỡ trong giấc mơ
Mắt em âu sầu là cả một trời thơ
Không gian im nghe nhịp đôi tim hẹn ước
Mong sao tương lai đường trăng ta cùng bước
Siết tay dắt nhau mình lánh xa thế nhân
Lánh xa ưu phiền đắng cay trần gian
Đời anh sẽ đẹp vì có em
Ngày dài sẽ làm mình nhớ thêm
Biển xanh cát trắng, sóng hòa nhịp ái ân
Không còn những chiều bâng khuâng...
(Biển tình)

Những ca khúc rộn vang tâm trạng tươi mới, vui vẻ, hoan hỉ khi ngọn lửa tình bùng cháy, "tuôn trào ngọt ngào như dòng suối":
Từ ngày có em về,
Nhà mình toàn ánh trăng thề.
Dòng nhạc tình đang tắt lâu,
tuôn trào ngọt ngào như dòng suối…
Giờ mình có nhau rồi,
đời đẹp vì tiếng em cười.
Vượt ngàn trùng qua bể khơi,
dắt dìu cùng về căn nhà mới.
(Bài Tango cho em)
 Những khúc hoan ca, khi "thuyền tình vào bến mới":
Đường vào Paris
Có lắm nụ hồng
Có tiếng thì thầm,
Nhưng anh chẳng cần
Mình sống cho nhau
(Mùa thu yêu đương)

Làn mi ướt mắt nai tròn xoe ngơ ngác. Bé ơi, nhìn em, anh ngẩn ngơ.
Và anh viết cho em bài ca mơ ước, dù mơ ước chỉ là ước mơ.

(Bé yêu)

Cuộc đời Lam Phương thật nhiều thăng trầm, mỗi giai đoạn cuộc sống của ông đều ảnh hưởng sâu sắc tới những sáng tác. Tài hoa, nhưng thất bại trong tình yêu, đổ vỡ trong hôn nhân, khiến các ca khúc luôn toát ra màu sắc buồn bã, u hoài. Một đời luôn đau đáu thương nhớ, tiếc nuối, hoài niệm… Và cuối cùng là sự cô đơn. Dường như tất cả cảm xúc ấy chất chứa trong ông, theo ông cả một hành trình đời người.  

Lam Phương - Một đời trăm nhớ ngàn thương - 3

Nhạc sĩ Lam Phương hình chụp năm 2018. Ảnh: Internet

Tới những sáng tác nói về sự cô đơn, ông cũng mô tả cảm xúc ấy sinh động tột bậc:
Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình
Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình
Biết lời tỏ tình, đã có người nghe
Đường xưa quen lối, tình dối người mang
Tình duyên trăm mối, một kiếp đa đoan
Cố tìm tình chồng chất ngổn ngang
Còn bao lâu nữa khi ta bạc đầu
Tình cờ gặp nhau, ngỡ ngàng nhìn nhau
Để rồi còn gì nữa cho nhau.
(Một mình)
 
Em đi rồi, đường xưa có nắng không anh?
Lá hoa còn xanh, hay tàn theo tháng ngày ?
Giờ một mình anh, lẻ bước trong sương mai
Người tình còn đâu, chỉ đớn đau con tim…
(Em đi rồi)

"Tình duyên trăm mối, một kiếp đa đoan", Lam Phương đã vĩnh viễn dừng chân trong cuộc viễn du giữa cuộc đời. Sẽ không còn có thêm nét nhạc nào toát lên từ sự cô đơn, khổ đau, buồn bã nữa. Thế nhưng, những ca khúc ông để lại chắc chắn sẽ còn run rẩy trên môi người, trong trái tim những người tình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm