Nghệ sĩ tiếc thương trước sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - "Dù biết chú bị tai biến nhiều năm rồi nhưng khi nghe tin chú mất, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng…", nữ ca sĩ nói. Nhiều nghệ sĩ cũng bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của người nhạc sĩ lớn…

Thông tin nhạc sĩ Lam Phương đã qua đời tại Mỹ sau thời gian tích cực điều trị bệnh tim và tai biến mạch máu não đã khiến nhiều nghệ sĩ, người hâm mộ vô cùng bàng hoàng và thương xót.

Nghệ sĩ tiếc thương trước sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương - 1

Nhạc sĩ Lam Phương vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 18h07 phút ngày 22/12 (giờ Mỹ) tại thành phố Fountain Valley, California. Ông hưởng thọ 83 tuổi. (Ảnh ST)

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung ngậm ngùi nói: "Tôi gặp chú Lam Phương lần cuối là khoảng trước khi dịch Covid- 19 tại Mỹ lan rộng. Thời điểm đó, chú Lam Phương vẫn giữ tinh thần lạc quan.

Tôi và một số nghệ sĩ cũng may mắn được tham gia những đêm liveshow của chú và thỉnh thoảng cũng được ghé tới tư gia của chú để thăm hỏi chú và nghe chú chia sẻ về những tác phẩm của chú. Tôi hát các sáng tác của chú, trong đó "Cỏ úa" được nhiều khán giả rất yêu thích…

Dù biết chú bị tai biến rất nhiều năm rồi nhưng khi nghe một người bạn bên Mỹ báo tin chú mất, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng. Lại thêm một ngôi sao trên bầu trời âm nhạc nghệ thuật Việt Nam lại vụt tắt… Điều này là một mất mát quá lớn đối với chúng ta, những người yêu âm nhạc và những tác phẩm của chú..."

Nghệ sĩ tiếc thương trước sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương - 2

Ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung, Lệ Quyên từng đến thăm nhạc sĩ Lam Phương. (Ảnh NSCC)

Ca sĩ Trizzie Phương Trinh đau xót viết: "Cách đây 2 ngày mình có viết một dòng thông tin trên facebook nhắn nhủ với mọi người là nên giữ gìn sức khỏe và xin đừng ai bệnh hay ra đi trong lúc này nữa, vì mấy tuần nay mình rơi nước mắt hơi nhiều và không muốn khóc nữa, thì cách đây 1 tiếng mình nhận được tin đau buồn là chú Lam Phương đã qua đời. 

Mình là ca sĩ hát nhạc dance nên chưa bao giờ có vinh hạnh được hát nhạc của chú nhưng mỗi lần gặp chú, chú đều dành cho mình một nụ cười rất hiền hòa.  Chúng ta vừa mất đi một nghệ sĩ lớn và bây giờ lại mất thêm một nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc Việt Nam. 

Năm 2020 là một năm với nhiều biến cố, là một năm chúng ta không bao giờ muốn nhớ tới nhưng cũng không thể nào quên.  Xin thành thật chia buồn cùng gia đình chú Lam Phương và xin nguyện cầu cho hương linh của chú yên nghỉ trong an bình và sớm siêu thoát…".

Nghệ sĩ tiếc thương trước sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương - 3

Ca sĩ Trizzie Phương Trinh chia sẻ ảnh chụp với cố nhạc sĩ trên trang cá nhân.

Trên trang cá nhân, ca sĩ Quang Hà cũng chia sẻ: "Vĩnh biệt nhạc sĩ Lam Phương!

Một người nhạc sĩ tài danh với quá nhiều bài hát hay đi vào lòng người và giới điệu mộ âm nhạc. Cầu mong ông ra đi thật thanh thản và siêu thoát về nơi thiên đàng không còn bụi trần ai.

Mỗi bài hát của  nhạc sĩ Lam Phương đều truyền tải những câu chuyện và thông điệp đầy ý nghĩa. "Một mình" là một trong những số ít những bài hát mà nhạc sĩ Lam Phương viết cho riêng ông.

Ông vẫn còn nhớ rõ ngày mà mình viết lên những câu hát: "Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình...". "Đó là ngày 11/11/1990 khi tôi chuyển về sống với người bác ruột, một căn nhà nhỏ nằm gần bờ sông thuộc quận Noisiel, ngoại ô Paris, Pháp", nhạc sĩ Lam Phương kể.

Ông bảo đó là khoảng thời gian rất buồn: "Cuộc đời tôi buồn nhiều hơn vui. Nhưng chính vì biết trước như vậy nên tôi biết dẹp nỗi buồn qua một bên và tự tìm niềm vui và an ủi riêng cho mình. Tâm hồn nghệ sĩ mà, buồn đó nhưng rồi lại chờ và hy vọng niềm vui đến thì mới có cảm xúc được chứ! Tôi sống bằng hy vọng nhiều mà!"

Đặc biệt, ngay cả chính bản thân nhạc sĩ Lam Phương cũng không nghĩ rằng bài hát "Một mình" đã trở thành một lời tiên tri cho chính bản thân. Điều này trùng khớp với lời tiên đoán của một phụ nữ lớn tuổi sống bằng nghề coi bói trên bờ sông Seine.

Những năm về sau này khi nghiệm lại thì ông thấy lời bài hát và những lời nói của người phụ nữ năm nào có phần đúng với bản thân mình.

Ông kể: "Khi đang đi dạo trên bờ sông Seine, tôi nhìn thấy một bà kia ngồi cạnh một gốc cây. Bà ngồi đó với những lá bài tây và quả cầu thủy tinh, công cụ giúp bà mưu sinh. Lúc tôi đi ngang qua thì bà gọi tôi lại  và nói sẽ coi vận mệnh cho tôi".

Vốn không tin vào chuyện bói toán nhưng vì nể nang nên ông ngồi lại. "Bà ấy coi mấy lá bài tây xong rồi nói tôi đứng lên đi đi lại lại cho coi. Sau khi nhìn tướng xong, bà có nói một câu: "Tôi nói câu này anh đừng buồn nhé, tướng anh về sau anh khổ lắm, anh sẽ phải sống 1 mình", nhạc sĩ Lam Phương nhớ lại.

Đúng là số phận luôn thử thách người nhạc sĩ đa sầu, đa cảm. Đến năm 1999, sau vài năm rời Pháp và trở về Mỹ sinh sống, nhạc sĩ bị tai biến và liệt nửa người. Lúc này, cô Bảy - em gái Út của nhạc sĩ - đã bay từ Pháp qua Mỹ để chăm sóc cho ông.

Lần lượt "từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ" (lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) nhưng nhạc sĩ Lam Phương đã quen dần với nỗi cô đơn. Ông thổ lộ: "Tôi cũng muốn có người bên cạnh để bầu bạn, tâm sự cho vơi đi sự cô đơn nhưng cũng vì mặc cảm mình bị bệnh, không lo được cho người ta nên đành chấp nhận số phận".

Bù lại nỗi cô đơn, nhạc sĩ Lam Phương lại có được sự tự do. Nhiều nghệ sĩ, người hâm mộ vẫn thường xuyên lui tới thăm và dùng cơm thân mật với ông và gia đình.

"Cũng có người ngỏ ý và tình nguyện chăm sóc cho tôi nhưng tôi chỉ cười và cảm ơn người ta. Tôi chấp nhận số phận và hơn hết cảm tạ ơn trên và cuộc đời vẫn cho mình có được một gia đình, một mái nhà để ở với sự thương yêu và chăm sóc của chính vợ chồng người em ruột. Đó là niềm vui và an ủi với tôi trong lúc tuổi già", ông tâm sự".

Nghệ sĩ tiếc thương trước sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương - 4

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định: "Có thể nói, ông là một trong số không nhiều nhạc sĩ có thể sáng tác đa phong cách. Ở phong cách âm nhạc nào, ông cũng có những tác phẩm đi vào lòng người"...

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long xúc động tiết lộ, lúc sinh thời nhạc sĩ Lam Phương tâm nguyện có một đêm nhạc ở Nhà hát Lớn Hà Nội và ông xuất hiện ở thánh đường nghệ thuật đó. "Một đêm nhạc dành riêng cho nhạc sĩ Lam Phương đã được tổ chức cách đây không lâu tại Nhà hát Lớn, nhưng tiếc rằng vì điều kiện sức khỏe, nhạc sĩ Lam Phương không thể trở về được", nhạc sĩ- nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nói.

Anh chia sẻ thêm: "Nhạc sĩ Lam Phương là tên tuổi lớn của nền âm nhạc đại chúng Việt Nam, có nhiều ca khúc thành danh được sáng tác trước 1975. Ông sáng tác đa dạng, cả nhạc trữ tình, bolero, những sáng tác gần gũi với màu sắc dân gian… Có thể nói, ông là một trong số không nhiều nhạc sĩ có thể sáng tác đa phong cách. Ở phong cách âm nhạc nào, ông cũng có những tác phẩm đi vào lòng người. Vì thế, dù ông đã ra đi, tên tuổi của ông sẽ sống mãi trong lòng khán giả yêu nhạc…".